Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị quyết 04/2015/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành quy định của pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 04/2015/NQ-HĐTP
Ngày ban hành 24/12/2015
Ngày có hiệu lực 10/02/2015
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Người ký Trương Hòa Bình
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Thủ tục Tố tụng

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2015/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

- Căn cứ vào Luật tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13;

- Căn cứ vào Luật xử vi phạm hành chính số 15/2012/QH13;

- Căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12;

- Căn cứ vào Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015;

- Căn cứ vào Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân số 09/2014/UBTVQH13 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh);

Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Về tống đạt, niêm yết quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Người thực hiện việc tống đạt quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây gọi là quyết định mở phiên họp) phải trực tiếp chuyển giao cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên (sau đây gọi chung là người được tống đạt). Người được tống đạt phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận quyết định mở phiên họp.

2. Việc tống đạt quyết định mở phiên họp qua dịch vụ bưu chính phải bằng thư bảo đảm và có xác nhận của người được tống đạt. Văn bản có xác nhận phải được chuyển lại cho Tòa án. Thời điểm để tính thời hạn tống đạt quyết định mở phiên họp là ngày người được tống đạt xác nhận là họ đã nhận được quyết định mở phiên họp do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.

3. Quyết định mở phiên họp được tống đạt đến địa chỉ của người được tống đạt. Trường hợp người được tống đạt đã chuyển đến nơi cư trú mới và đã thông báo cho Tòa án việc thay đổi nơi cư trú thì phải tống đạt theo địa chỉ nơi cư trú mới của họ. Nếu người được tống đạt không thông báo cho Tòa án biết về việc thay đổi địa chỉ nơi cư trú và địa chỉ nơi cư trú mới thì Tòa án thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều này.

Người được tống đạt phải ký nhận theo hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp người được tống đạt từ chối nhận quyết định mở phiên họp thì người thực hiện việc tống đạt phải lập biên bản, trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là tổ trưởng tổ dân phố) hoặc đại diện công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận quyết định mở phiên họp.

5. Trường hợp người được tống đạt vắng mặt thì người thực hiện việc tống đạt phải lập biên bản và giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với họ hoặc tổ trưởng tổ dân phố để thực hiện việc ký nhận và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được tống đạt.

Trường hợp người được tống đạt vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ thì người thực hiện việc tống đạt phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc tống đạt, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc đại diện công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết bản chính quyết định mở phiên họp tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được tống đạt; niêm yết bản sao quyết định mở phiên họp tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được tống đạt.

6. Việc tống đạt, niêm yết quyết định mở phiên họp phải bảo đảm thời hạn tống đạt, niêm yết theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Pháp lệnh.

7. Các biên bản được hướng dẫn tại khoản 4 và khoản 5 Điều này phải được lưu trong hồ sơ vụ việc.

8. Trường hợp Tòa án đã tống đạt trực tiếp quyết định mở phiên họp cho người được tống đạt, nhưng do trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng xảy ra đối với họ vào trước thời điểm Tòa án mở phiên họp hoặc ngay trong thời điểm họ đang trên đường đến Tòa án để tham gia phiên họp (như do thiên tai, hỏa hoạn, bị tai nạn, ốm nặng phải đi bệnh viện cấp cứu, người thân bị chết v.v...) nên họ không thể có mặt tại phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án và Tòa án đã nhận được thông báo từ phía người được tống đạt thì Tòa án phải hoãn phiên họp. Trường hợp người được tống đạt vắng mặt không phải do trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo thủ tục chung.

Điều 2. Về tính thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Theo quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật xử lý vi phạm hành chính thì “thời hạn chấp hành quyết định được tính từ ngày người phải chấp hành quyết định bị tạm giữ để đưa đi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”; do đó, thời gian cơ quan Công an tạm giữ người phải chấp hành biện pháp xử lý hành chính sau khi có quyết định của Tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính được tính vào thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Điều 3. Về việc xác định “trường hợp cần thiết” quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 17 của Pháp lệnh

 “Trường hợp cần thiết” quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 17 của Pháp lệnh là trường hợp Thẩm phán xét thấy cần có thêm ý kiến của chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học; của đại diện chính quyền địa phương, cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện, nhà trường nơi người bị đề nghị là người chưa thành niên học tập; người giám định, người phiên dịch để làm rõ những tình tiết, tài liệu có trong hồ sơ đề nghị, nhưng chưa rõ ràng hoặc còn có ý kiến khác nhau.

Điều 4. Về việc thông báo hoãn phiên họp theo quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh

Trường hợp hoãn phiên họp theo quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh thì Tòa án phải thông báo cho những người tham gia phiên họp về việc hoãn phiên họp, lý do hoãn và thời gian mở lại phiên họp. Đối với những người vắng mặt tại phiên họp thì ngay sau khi hoãn phiên họp, Tòa án phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do hoãn, thời gian mở lại phiên họp cho họ biết.

Điều 5. Về đối tượng thuộc trường hợp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc quy định tại khoản 4 Điều 92 và khoản 1 Điều 94 của Luật xử lý vi phạm hành chính

[...]