Nghị quyết số 03/2002/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2002 do Chính phủ ban hành
Số hiệu | 03/2002/NQ-CP |
Ngày ban hành | 07/03/2002 |
Ngày có hiệu lực | 30/04/2002 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2002/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 2002 |
NGHỊ QUYẾT
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 03/2002/NQ-CP NGÀY 07 THÁNG 3 NĂM 2002VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 02 NĂM 2002
Trong ngày 04 và sáng ngày 05 tháng 3 năm 2002, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 02 năm 2002, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:
1. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước dự án thuỷ điện Sơn La trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm định bổ sung dự án thuỷ điện Sơn La theo những nội dung Quốc hội yêu cầu.
Từ sau kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá X, các cơ quan của Chính phủ và Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã tích cực triển khai các nghiên cứu bổ sung theo yêu cầu nêu ra trong Nghị quyết số 44/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các Tổ chuyên môn, các chuyên gia được Hội đồng thẩm định nhà nước dự án thuỷ điện Sơn La huy động đã đánh giá toàn bộ hồ sơ dự án và thống nhất nhận định: hồ sơ bổ sung đã cung cấp thêm nhiều thông tin, làm rõ thêm nhiều vấn để có thể làm căn cứ xem xét rút ra một số kết luận quan trọng; đã đủ căn cứ để trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư theo các nội dung và yêu cầu nêu ra trong Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này.
Thuỷ điện Sơn La là một công trình quy mô lớn, có tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nước ta, song cũng có nhiều vấn đề rất phức tạp trong sự xem xét tổng thể. Vì vậy, cho đến nay vẫn còn có ý kiến khác nhau về dự án quan trọng này. Chính phủ khẳng định rõ, việc xây dựng dự án thuỷ điện Sơn La cần xem xét tổng hợp các yếu tố, trong đó phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.
Tại cuộc họp này, Văn phòng Chính phủ đã gửi phiếu xin ý kiến các thành viên Chính phủ về một số nội dung quan trọng của dự án thuỷ điện Sơn La theo yêu cầu nêu ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về các nội dung nói trên.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh văn bản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình xin ý kiến Bộ Chính trị và trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá X quyết định về phương án quy mô nhà máy thuỷ điện Sơn La.
2. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày tóm tắt một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1998 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.
Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ra đời đã có những tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì tiến trình cổ phần hoá và đa dạng hoá sở hữu doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua vẫn còn chậm. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ trên, trong đó có nguyên nhân về mặt cơ chế, chính sách.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
3. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tóm tắt Tờ trình Chính phủ về việc ban hành văn bản về thí điểm áp dụng hình thức công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài.
Chính phủ nhận định, việc cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần là một vấn đề mới, tuy đã có chủ trương nhưng chưa được luật hoá, cần phải nghiên cứu hết sức thận trọng để chọn được giải pháp tối ưu. Vì vậy, phải tiến hành thí điểm, từng bước rút kinh nghiệm, hoàn thiện khung pháp luật để từ đó mở rộng diện áp dụng và tiến tới hoàn thiện luận cứ vững chắc cho việc bổ sung hình thức công ty cổ phần trong Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo thành một Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành, đồng thời báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
4. Tại phiên họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 2 tháng đầu năm 2002.
Qua 2 tháng thực hiện kế hoạch, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có những chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực: thị trường trong nước sôi động hơn, sức mua tăng lên khá; sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được nhịp độ tăng trưởng cao; sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tiếp tục phát triển; hoạt động du lịch có chuyển biến tích cực; lĩnh vực tài chính, tiền tệ tiếp tục đạt được nhiều kết quả; đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách đạt khá, thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá. Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn rất khó khăn, một số lĩnh vực xã hội chưa có nhiều chuyển biến, đặc biệt là tai nạn giao thông xảy ra nghiêm trọng, nạn mê tín dị đoan có xu hướng gia tăng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2002 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao trong việc triển khai thực hiện các giải pháp năm 2002. Trước mắt, trong những tháng tới cần tập trung xử lý một số vấn đề sau: nhanh chóng thể chế hoá và tổ chức thực hiện các kết luận của Hội nghị Chính phủ với các địa phương trong tháng 01 năm 2002; tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, tăng cường hệ thống chính trị cơ sở; tập trung xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản; tiếp tục tập trung chỉ đạo tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó chú trọng giải quyết tốt vấn đề giá lúa cho nông dân, kiểm tra và có phương án xử lý đối với vấn đề tôm chết hàng loạt ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, củng cố và phát triển thị trường ngoài nước nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; tập trung giải quyết các vấn đề khiếu kiện của dân; tiếp tục chỉ đạo tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |