Công ước 190 về Chấm dứt Bạo lực và Quấy rối, năm 2019

Số hiệu 190
Ngày ban hành 21/06/2019
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Công ước
Cơ quan ban hành ***
Người ký
Lĩnh vực Quyền dân sự

CÔNG ƯỚC SỐ 190

CÔNG ƯỚC

VỀ CHẤM DỨT BẠO LỰC VÀ QUẤY RỐI, NĂM 2019 (SỐ 190)

Công ước về chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc

Được thông qua tại: Geneva, Phiên họp thứ 108 của Hội nghị Lao động Quốc tế (ngày 21 tháng 6 năm 2019) - Tình trạng: Văn kiện cập nhật (Công ước Kỹ thuật).

Lời nói đầu

Hội nghị Toàn thể của Tổ chức Lao động Quốc tế,

Được Hội đồng Quản trị Văn phòng Lao động Quốc tế triệu tập tại kỳ họp thứ một trăm lẻ tám (Hội nghị Thế kỷ) ngày 10 tháng 6 năm 2019, và

Nhắc lại rằng Tuyên bố Phi-la-đen-phi-a khẳng định tất cả mọi người sinh ra, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng hay giới tính, đều có quyền mưu cầu đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ trong điều kiện tự do và nhân phẩm, ổn định kinh tế và cơ hội bình đẳng và

Tái khẳng định tính phù hợp của các Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế, và

Nhắc lại các văn kiện quốc tế có liên quan như Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Hiệp ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, Hiệp ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, Công ước Quốc tế về xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc, Công ước Quốc tế về xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt đối với Phụ nữ, Công ước Quốc tế về Bảo vệ Quyền của Lao động Di cư và Gia đình họ và Công ước về Quyền của Người Khuyết tật, và

Ghi nhận mọi người đều có quyền làm việc trong một môi trường không có bạo lực và quấy rối, bao gồm cả bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới, và

Ghi nhận rằng bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc có thể cấu thành hành vi vi phạm hay lạm dụng quyền con người, bạo lực và quấy rối là mối đe dọa đối với những cơ hội bình đẳng, là hành vi không thể chấp nhận được và không phù hợp với một môi trường việc làm bền vững, và

Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa làm việc dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng phẩm giá của con người nhằm ngăn chặn bạo lực và quấy rối, và

Nhắc lại rằng các Quốc gia thành viên có trách nhiệm quan trọng trong việc thúc đẩy một môi trường không khoan nhượng đối với bạo lực và quấy rối nhằm tạo điều kiện cho việc ngăn ngừa những hành vi và thực hành đó và rằng tất cả các tác nhân trong thế giới việc làm phải kiềm chế, ngăn chặn và giải quyết bạo lực và quấy rối, và

Nhận thức rằng bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc ảnh hưởng đến con người về tâm lý, thể chất và sức khỏe tình dục, nhân phẩm và môi trường gia đình và môi trường xã hội, và

Công nhận rằng bạo lực và quấy rối cũng ảnh hưởng tới dịch vụ công và tư và có thể cản trở con người, đặc biệt là phụ nữ, tiếp cận, duy trì và phát triển trong thị trường lao động, và

Ghi nhận rằng bạo lực và quấy rối không tương thích với sự phát triển của các doanh nghiệp bền vững và tác động tiêu cực đến việc tổ chức công việc, quan hệ tại nơi làm việc, sự tham gia của người lao động, danh tiếng của doanh nghiệp và năng suất, và

Thừa nhận rằng bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới tác động đến phụ nữ và trẻ em gái ở mức độ khác nhau và ghi nhận rằng một cách tiếp cận toàn diện, tích hợp và mang tính đáp ứng giới, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ và các yếu tố rủi ro, bao gồm cả định kiến giới, nhiều hình thức phân biệt có sự đan xen lẫn nhau và các quan hệ quyền lực bất bình đẳng trên cơ sở giới, là thiết yếu nhằm chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc, và

Lưu ý rằng bạo lực gia đình có thể tác động đến việc làm, năng suất, sức khỏe và sự an toàn và rằng các chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động và các thiết chế thị trường lao động, cùng với các biện pháp khác, có thể giúp nhận diện, ứng phó và giải quyết những tác động của bạo lực gia đình, và

Sau khi quyết định chấp thuận một số đề xuất về chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc, đây là nội dung thứ năm trong chương trình nghị sự của phiên họp này, và

Sau khi đã quyết định rằng những đề xuất này sẽ được thể hiện dưới hình thức một Công ước Quốc tế,

Thông qua Công ước dưới đây vào ngày hai mươi mốt tháng sáu năm hai nghìn mười chín với tên gọi Công ước về Xóa bỏ Bạo lực và Quấy rối, 2019:

I. ĐỊNH NGHĨA

Điều 1

1. Trong Công ước này:

■ (a) thuật ngữ “bạo lực và quấy rối” trong công việc đề cập đến một loạt các hành vi và thực hành không được chấp nhận hay những mối đe dọa liên quan đến các hành vi và thực hành đó, dù xảy ra một lần hay lặp lại nhiều lần, nhằm mục đích gây ra, hoặc có khả năng gây ra những tác hại về thể chất, tâm lý, tình dục và kinh tế, bao gồm cả bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới;

■ (b) thuật ngữ “bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới” là hành vi bạo lực và quấy rối trực tiếp nhằm vào con người do tính dục hay giới tính của họ, hay tác động tới con người thuộc tính dục và giới tính khác nhau ở mức độ khác nhau, bao gồm cả quấy rối tình dục.

2. Luật pháp và quy định quốc gia có thể xây dựng một khái niệm đơn nhất hay các khái niệm khác nhau miễn không trái ngược với định nghĩa tại tiểu đoạn (a) và (b) của đoạn 1 của Điều này.

II. PHẠM VI ÁP DỤNG

[...]