Nghị định 97/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước

Số hiệu 97/2024/NĐ-CP
Ngày ban hành 25/07/2024
Ngày có hiệu lực 10/09/2024
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Lê Minh Khái
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư,Tài chính nhà nước

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97/2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2024

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 10/2019/NĐ-CP NGÀY 30 THÁNG 01 NĂM 2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THỰC HIỆN QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 như sau:

“2. Thủ tướng Chính phủ thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan đối với các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 như sau:

“3. Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật liên quan đối với:

a) Doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập;

b) Doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao quản lý hoặc được giao trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, bao gồm cả các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có hiệu lực thi hành và không có tên tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này;

c) Phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên”.

3. Sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 6 như sau:

“c) Phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm của doanh nghiệp theo đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu và ý kiến thẩm định của bộ quản lý ngành. Bộ quản lý ngành quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo thẩm định, gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nội dung chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP.”

4. Sửa đổi điểm c khoản 4 Điều 9 như sau:

“c) Việc giám sát, kiểm tra thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt thực hiện theo quy định của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.”

5. Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 10 như sau:

“b) Phê duyệt để Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Tổng Giám đốc, Giám đốc; phê duyệt chủ trương theo đề nghị của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty về việc bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo xin ý kiến Ban cán sự Đảng Chính phủ trước khi có văn bản chấp thuận để Hội đồng thành viên của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập bổ nhiệm Tổng giám đốc theo quy định, tại điều lệ của doanh nghiệp.”

6. Sửa đổi khoản 2 Điều 10 như sau:

“2. Đối với kiểm soát viên:

a) Quyết định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với Kiểm soát viên theo quy định của pháp luật.

b) Căn cứ quy mô của doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban Kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.

[...]