Nghị định 96/2009/NĐ-CP về xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam

Số hiệu 96/2009/NĐ-CP
Ngày ban hành 30/10/2009
Ngày có hiệu lực 15/12/2009
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 96/2009/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2009

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC XỬ LÝ TÀI SẢN BỊ CHÔN GIẤU, BỊ CHÌM ĐẮM ĐƯỢC PHÁT HIỆN HOẶC TÌM THẤY THUỘC ĐẤT LIỀN, CÁC HẢI ĐẢO VÀ VÙNG BIỂN VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định việc xử lý đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán mà tại thời điểm phát hiện hoặc tìm thấy không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm không thuộc phạm vi vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia mà do tổ chức, cá nhân Việt Nam phát hiện hoặc tìm thấy thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế về xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm mà Việt Nam là thành viên; trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên không có quy định về xử lý tài sản bị chôn giấu, bì chìm đắm thì áp dụng theo quy định tại Nghị định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm.  

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy.

3. Các đối tượng khác có liên quan đến xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phát hiện tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là việc tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, chứng cứ về tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm chưa được khai quật, trục vớt.

2. Tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là việc tổ chức, cá nhân khai quật được, trục vớt được tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm theo nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

3. Ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là việc tổ chức, cá nhân không có thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm nhưng tìm thấy tài sản trong quá trình sinh hoạt, sản xuất.

Điều 4. Nguyên tắc xử lý

1. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm có trách nhiệm bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng và thông báo kịp thời, đầy đủ thông tin có liên quan với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 Nghị định này, không được tự khai quật, trục vớt. Trường hợp tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm thì phải thông báo và giao nộp ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 5, Điều 9 Nghị định này.

2. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin; quyết định xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan.

3. Việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy được thực hiện công khai, đúng trình tự theo quy định tại Nghị định này.

4. Tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì quyền sở hữu thuộc về Nhà nước; tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc ngẫu nhiên tìm thấy tài sản đó được thưởng theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

5. Tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia do tổ chức, cá nhân phát hiện thì tổ chức, cá nhân phát hiện được thưởng theo quy định tại Điều 16 Nghị định này; trường hợp tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy tài sản đó thì được hưởng toàn bộ hoặc một phần giá trị của tài sản theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

6. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm nếu không thông báo, không giao nộp tài sản được tìm thấy hoặc tự khai quật, trục vớt tài sản thì không được hưởng các quyền lợi theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này và bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 2.

TIẾP NHẬN, XỬ LÝ THÔNG TIN VÀ TỔ CHỨC THĂM DÒ, KHAI QUẬT, TRỤC VỚT TÀI SẢN BỊ CHÔN GIẤU, BỊ CHÌM ĐẮM

[...]