Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 89/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Số hiệu 89/2022/NĐ-CP
Ngày ban hành 28/10/2022
Ngày có hiệu lực 01/11/2022
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Bình Minh
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/2022/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2022

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, bao gồm: Tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch; kế hoạch đầu tư công của quốc gia; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế; đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế; nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước; đấu thầu; thống kê; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của bộ đã được phê duyệt và các chương trình, dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Trình Chính phủ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của cả nước, các cân đối vĩ mô chủ yếu của nền kinh tế quốc dân; chiến lược, kế hoạch huy động và sử dụng các nguồn lực phát triển; kế hoạch xây dựng, sửa đổi các cơ chế, chính sách quản lý kinh tế vĩ mô; quy hoạch tổng thể quốc gia; kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình đầu tư công; các chương trình, dự án khác theo sự phân công của Chính phủ.

3. Trình Thủ tướng Chính phủ các dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác.

4. Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc phạm vi quản lý của bộ; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ.

6. Về quy hoạch; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội:

a) Xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm sau khi được Quốc hội thông qua; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách tổng hợp kinh tế - xã hội và phối hợp trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô; giúp Chính phủ điều hành thực hiện kế hoạch về một số ngành, lĩnh vực được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao;

b) Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm của cả nước; quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng; kế hoạch thực hiện và tổ chức công bố quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng sau khi được phê duyệt;

c) Tổng hợp chung các cân đối vĩ mô chủ yếu của nền kinh tế quốc dân; đề xuất các giải pháp để giữ vững các cân đối theo mục tiêu chiến lược và kế hoạch, bảo đảm thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

d) Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch của bộ, ngành, địa phương; tổ chức theo dõi, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước theo định kỳ hằng tháng, quý, năm, giữa kỳ và 5 năm;

đ) Chủ trì thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh và quy hoạch tỉnh; trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng;

e) Hướng dẫn bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc lập và tổ chức thực hiện quy hoạch.

7. Tham mưu tổng hợp về cơ chế, chính sách huy động và sử dụng các nguồn lực phát triển để thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các loại hình và phương thức đầu tư phát triển, phát triển các thành phần kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, điều phối phát triển vùng, liên vùng.

8. Về đầu tư phát triển:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp chung về đầu tư phát triển. Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; tổng hợp danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công, các dự án quan trọng quốc gia, các nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn;

b) Xây dựng tổng mức và cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xác định vốn đầu tư ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển của quốc gia, theo từng ngành, lĩnh vực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; tổng hợp tổng mức vốn dành cho các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, quy mô lớn, liên kết vùng, có tính lan tỏa, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và địa phương;

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính: Tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng dự phòng ngân sách trung ương hằng năm và bổ sung vốn đầu tư công trong năm để thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật;

d) Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương, bao gồm cả việc sử dụng cho đầu tư các dự án quan trọng;

[...]