Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Nghị định 89/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam

Số hiệu 89/2005/NĐ-CP
Ngày ban hành 11/07/2005
Ngày có hiệu lực 04/08/2005
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số : 89/2005/NĐ-CP

 

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2005

 

NGHỊ ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh số 22/2004/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 8 năm 2004 về chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (sau đây gọi là Pháp lệnh Chống trợ cấp) về Cơ quan điều tra chống trợ cấp, Hội đồng xử lý vụ việc chống trợ cấp; thủ tục, nội dung điều tra để áp dụng và việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp đối với hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam.

Điều 2. Tiếng nói và chữ viết trong quá trình giải quyết vụ việc chống trợ cấp

1. Tiếng nói và chữ viết dùng trong quá trình giải quyết vụ việc chống trợ cấp quy định tại Nghị định này là tiếng Việt. Các bên liên quan đến quá trình điều tra theo quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh Chống trợ cấp (sau đây gọi là các bên liên quan) có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này phải có phiên dịch.

2. Các thông tin, tài liệu không phải bằng tiếng Việt do các bên liên quan cung cấp phải được dịch ra tiếng Việt. Các bên liên quan phải bảo đảm tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung được dịch thuật.

Điều 3. Chứng cứ

Chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc chống trợ cấp là những gì có thật được Cơ quan điều tra chống trợ cấp, Hội đồng xử lý vụ việc chống trợ cấp dùng làm căn cứ để xác định tình trạng trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, tình trạng ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây thiệt đáng kể và mối quan hệ giữa việc trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam với thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc chống trợ cấp.

Điều 4. Xác định khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam không đáng kể

Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam được coi là không đáng kể khi:

1. Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu từ một nước không vượt quá 3% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam.

2. Tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu từ nhiều nước đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này không vượt quá 7% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam.

Điều 5. Xác định tỷ lệ chủ yếu trong tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự được sản xuất ở trong nước

Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa sản xuất chiếm từ 50% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự được sản xuất ở trong nước trở lên được coi là chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự được sản xuất ở trong nước.

Điều 6. Xác định mối quan hệ liên kết trực tiếp giữa các nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong nước với tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp

1. Các nhà sản xuất hàng hóa tương tự được coi là có mối quan hệ liên kết trực tiếp với tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp trong các trường hợp sau đây:

a) Bên này trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát bên kia;

b) Tất cả đều trực tiếp hoặc gián tiếp bị kiểm soát bởi một bên thứ ba;

c) Cùng trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát bên thứ ba.

2. Một bên có thể bị coi là kiểm soát được một bên khác khi bên đó có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của bên khác nhằm thu được lợi ích kinh tế từ hoạt động kinh doanh của bên khác đó.

Điều 7. Cơ quan chống trợ cấp, Người tiến hành giải quyết vụ việc chống trợ cấp

1. Cơ quan chống trợ cấp gồm Cơ quan điều tra chống trợ cấp (sau đây gọi là Cơ quan điều tra) và Hội đồng xử lý vụ việc chống trợ cấp (sau đây gọi là Hội đồng xử lý).

2. Người tiến hành giải quyết vụ việc chống trợ cấp bao gồm:

a) Người đứng đầu Cơ quan điều tra;

b) Điều tra viên vụ việc chống trợ cấp (sau đây gọi là Điều tra viên);

c) Thành viên Hội đồng xử lý.

[...]