Nghị định 88-CP năm 1979 Quy định về tổ chức và hoạt động của Bộ Thủy lợi do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 88-CP
Ngày ban hành 06/03/1979
Ngày có hiệu lực 06/03/1979
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

 HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Số: 88-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 3 năm 1979

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ THỦY LỢI

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14/7/1960;
Căn cứ vào Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực kinh tế ban hành theo Nghị định số 172-CP ngày 01/11/1973.
Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Thủy lợi.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo nghị định này bản Quy định về tổ chức và hoạt động của Bộ Thủy lợi.

Điều 2. Căn cứ vào bản quy định kèm theo nghị định này, đồng chí Bộ trưởng Bộ Thủy lợi quy định nhiệm vụ và tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và tổ chức hoạt động của ngành thủy lợi thuộc các cấp ở địa phương.

Điều 3. Những quy định trước đây về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thuỷ lợi trái với bản quy định kèm theo nghị định này, đều bãi bỏ.

Điều 4. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và các đồng chí thủ trưởng các ngành, các cấp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ THỦY LỢI
(Ban hành kèm theo Nghị định số 88-CP ngày 06/3/1979 của Hội đồng Chính phủ)

Chương 1:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CHUNG

Điều 1. Bộ Thủy lợi là cơ quan của Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước toàn ngành thủy lợi trong phạm vi cả nước theo đường lối chính sách của Đảng và luật pháp của Nhà nước về các mặt :

- Quản lý tài nguyên nước, phân phối sử dụng và bảo vệ môi trường nước (bao gồm nước trên mặt đất và nước ngầm);

- Xây dựng và quản lý xây dựng các công trình thủy lợi;

- Quản lý khai thác các công trình thủy lợi;

- Quản lý công tác phòng chống lũ lụt, quản lý dòng sông và công tác đê điều, nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân và đời sống nhân dân, trước hết là phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Điều 2. Để quán triệt nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ đối với công tác thủy lợi, Bộ có các nhiệm vụ sau đây:

- Nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ quyết định các quy hoạch, dự đoán phát triển toàn diện về công tác thủy lợi được phân bố hợp lý ở các vùng và trên phạm vi cả nước.

- Xây dựng và quản lý việc thực hiện các quy hoạch khai thác, điều hoà, phân phối, sử dụng và bảo vệ nguồn nước và môi trường nước trên từng lưu vực sông, từng vùng và toàn lãnh thổ (bao gồm nước trên mặt đất và nước ngầm);

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm về phát triển thủy lợi.

- Nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo sự ủy nhiệm của Hội đồng Chính phủ các chính sách, chế độ, các định mức, tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật về quản lý ngành thủy lợi; hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các chính sách chế độ và các định mức, tiêu chuẩn ấy;

- Tổ chức quản lý và chỉ đạo việc khảo sát, thiết kế, thi công các công trình thủy lợi;

- Tổ chức quản lý và chỉ đạo việc khai thác các công trình thủy lợi, phân phối nguồn nước cho các ngành, các hộ dùng nước trên các lưu vực sông và các công trình thủy lợi; kiểm tra và xử lý theo pháp luật những vi phạm trong việc sử dụng và bảo vệ các nguồn nước và môi trường nước;

- Tổ chức quản lý và chỉ đạo công tác phòng chống lũ, lụt, quản lý dòng sông và bảo vệ đê điều;

[...]