CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
85/1998/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 10 năm 1998
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 85/1998/NĐ-CP NGÀY 20 THÁNG 10 NĂM 1998 VỀ TUYỂN
CHỌN, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀM VIỆC CHO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Người lao động Việt Nam quy định trong Nghị định này là công dân Việt Nam từ đủ
18 tuổi trở lên, đang thường trú tại Việt Nam, có lý lịch rõ ràng, có đầy đủ
năng lực hành vi dân sự.
Điều 2.
Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam quy định trong Nghị định này là các cơ quan, tổ
chức nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động trên
lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:
1. Cơ quan đại diện ngoại giao,
cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống
Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực.
2. Văn phòng đại diện các cơ
quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình nước ngoài.
3. Văn phòng đại diện và văn
phòng dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
4. Văn phòng
các dự án đầu tư nước ngoài, chi nhánh công ty nước ngoài, văn phòng đại diện của
các tổ chức: kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học - kỹ
thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật của nước ngoài.
Điều 3.
Cá nhân nước ngoài tại Việt Nam quy định trong Nghị định này là người mang quốc
tịch nước ngoài làm việc tại các cơ quan nêu tại Điều 2 của Nghị định này hoặc
người được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép lưu trú tại Việt Nam.
Điều 4.
Chính phủ Việt Nam khuyến khích tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau
đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân nước ngoài) sử dụng lao động Việt Nam theo quy
định tại Nghị định này và Bộ Luật Lao động của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam.
Chương 2:
VIỆC TUYỂN CHỌN, SỬ DỤNG
VÀ QUẢN LÝ LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀM VIỆC CHO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT
NAM
Điều 5.
Người lao động Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại Điều 1 của Nghị định này
được phép làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ các đối tượng sau:
1. Cán bộ, công chức đương chức;
sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt
Nam tại ngũ;
2. Người thuộc diện nêu ở khoản
1 của Điều này có ngành, nghề liên quan đến bí mật Nhà nước theo quy định của
pháp luật đã nghỉ hưu, thôi việc hoặc xuất ngũ chưa hết thời hạn 5 năm;
3. Vợ hoặc chồng của người đang
làm công tác liên quan đến bí mật Nhà nước;
4. Những người đã bị xử lý kỷ luật
vì hành vi tiết lộ bí mật Nhà nước hoặc an ninh quốc gia;
5. Người đang bị truy cứu trách
nhiệm hình sự, người đang chấp hành bản án hay quyết định của Tòa án về hình sự
hoặc người chưa được xoá án.
Điều 6.
1. Người
lao động Việt Nam có nhu cầu làm việc với tổ chức, cá nhân nước ngoài nêu tại
khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 của Nghị định này cần nộp hồ sơ xin việc làm tại
tổ chức cung ứng lao động thuộc Bộ Ngoại giao.
2. Người lao động Việt Nam có
nhu cầu làm việc với tổ chức, cá nhân nước ngoài nêu tại khoản 4 Điều 2 của Nghị
định này cần nộp hồ sơ xin việc làm tại tổ chức cung ứng lao động thuộc Uỷ ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi tổ chức, cá nhân nước ngoài
đặt trụ sở chính.
Điều 7.
Hồ sơ xin việc làm của người lao động gồm có:
1. Đơn xin việc
làm (theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định);
2. Sổ lao động, trường hợp người
lao động chưa được cấp sổ lao động thì phải có giấy giới thiệu của Uỷ ban nhân
dân xã, phường, thị trấn nơi người lao động đăng ký hộ khẩu;
3. Sơ yếu lý lịch
có xác nhận của cơ quan công an xã, phường, thị trấn nơi người lao động đăng ký
hộ khẩu;
4. Giấy chứng nhận sức khoẻ hợp
lệ của cơ quan y tế;
5. Bốn ảnh màu kiểu chứng minh
thư (4 x 6);
6. Bản sao các văn bằng, chứng
chỉ về trình độ văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ liên quan đến công việc
mà người lao động xin làm, có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 8.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu sử dụng lao động Việt Nam cần gửi văn bản
yêu cầu đến tổ chức cung ứng lao động quy định tại Điều 6 của Nghị định này.
Trong văn bản yêu cầu cần nêu rõ tiêu chuẩn, số lượng, thời hạn cần tuyển; quyền
lợi, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam và của tổ chức, cá nhân nước ngoài
trong quá trình làm việc và khi thôi việc.
Điều 9.
Tổ chức cung ứng lao động nêu tại Điều 6 của Nghị định này có trách nhiệm:
1. Tiếp nhận hồ
sơ xin việc làm của người lao động Việt Nam và văn bản đề nghị cung ứng lao động
của tổ chức, cá nhân nước ngoài;
2. Giao kết hợp
đồng cung ứng lao động với tổ chức, cá nhân nước ngoài;
3. Tổ chức tuyển chọn, giới thiệu
và cung ứng lao động Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài theo đúng hợp đồng
cung ứng lao động đã giao kết;
4. Giải quyết các thủ tục về
hành chính và nhân sự đối với người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá
nhân nước ngoài theo sự uỷ quyền của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
5. Thực hiện đúng các quy định của
Bộ Luật Lao động, Nghị định này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam;
6. Định kỳ 6
tháng và một năm báo cáo cơ quan lao động có thẩm quyền về tình hình tuyển chọn,
đào tạo, cung ứng lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Điều 10.
Việc cung ứng lao động Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện
theo hợp đồng cung ứng lao động giữa tổ chức cung ứng lao động với tổ chức, cá
nhân nước ngoài. Trường hợp hết thời hạn tuyển chọn theo hợp đồng cung ứng lao
động đã giao kết mà tổ chức cung ứng lao động không đáp ứng được yêu cầu của tổ
chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được trực tiếp tuyển
lao động Việt Nam và chuyển hồ sơ cho tổ chức cung ứng lao động nêu tại Điều 6
của Nghị định này để làm thủ tục theo các quy định tại Nghị định này.
Điều 11.
Hợp đồng lao động được giao kết trực tiếp giữa người lao động Việt Nam với tổ
chức, cá nhân nước ngoài theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Người lao động Việt Nam chỉ được giao kết hợp đồng lao động với tổ chức, cá
nhân nước ngoài khi có sự giới thiệu của tổ chức cung ứng lao động và không được
trái với hợp đồng cung ứng lao động quy định tại Điều 10 của Nghị định này.
Điều 12.
Tổ chức cung ứng lao động được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho
người lao động Việt Nam để đáp ứng yêu cầu về lao động của tổ chức, cá nhân nước
ngoài.
Điều 13.
Trách nhiệm của người lao động Việt Nam khi làm việc cho tổ chức, cá nhân nước
ngoài:
1. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối
với Nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam;
2. Thực hiện đúng các điều khoản
của hợp đồng lao động đã giao kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài;
3. Thực hiện đúng các quy định của
tổ chức cung ứng lao động, nơi đã giới thiệu, chỉ dẫn và tạo điều kiện cho mình
đến làm việc tại tổ chức cá nhân nước ngoài.
Điều 14.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi sử dụng lao động Việt Nam:
1. Thực hiện đúng các quy định của
Bộ Luật Lao động, Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật
Việt Nam;
2. Thực hiện đúng hợp đồng cung ứng
lao động và hợp đồng lao động đã giao kết;
3. Khi cần cử người lao động Việt
Nam đi đào tạo ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải gửi văn bản thông
báo số lượng, thời gian, nơi đào tạo và ngành nghề đào tạo cho tổ chức cung ứng
lao động nêu tại Điều 6 của Nghị định này để thực hiện quy định tại khoản 4, Điều
9 của Nghị định này.
Điều 15.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có
trách nhiệm giám sát và kiểm tra việc tuyển chọn, đào tạo và cung ứng lao động
Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài của các tổ chức cung ứng lao
động thuộc phạm vi quản lý của địa phương; định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo Uỷ
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan về tình hình tuyển chọn, đào tạo, cung ứng
và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc
phạm vi quản lý của địa phương.
Chương 3:
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 16.
Người lao động Việt Nam, tổ chức cung ứng lao động, tổ chức, cá nhân nước ngoài
không thực hiện đầy đủ hoặc vi phạm các quy định của Nghị định này thì tuỳ theo
đối tượng là tập thể hoặc cá nhân, tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành
chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt
Nam.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1999. Bãi bỏ những quy định
trước đây trái với Nghị định này.
Điều 18.
Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, những
người lao động Việt Nam đã làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài từ trước
ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà hợp đồng lao động còn thời hạn phải
bổ sung hồ sơ cho đủ như quy định tại Điều 7 của Nghị định này để tổ chức, cá
nhân nước ngoài chuyển cho cơ quan quản lý lao động đăng ký quản lý chính thức.
Điều 19.
Bộ Ngoại giao, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có
trách nhiệm thành lập hoặc chỉ định tổ chức cung ứng lao động để thực hiện nhiệm
vụ nêu trong Nghị định này.
Điều 20.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc
thi hành Nghị định này.
Điều 21.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm
thi hành Nghị định này.