Thông tư 09/1999/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định 85/1998/NĐ-CP về tuyển chọn, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành

Số hiệu 09/1999/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 15/03/1999
Ngày có hiệu lực 15/03/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thị Hằng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09/1999/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 09/1999/TT-BLĐTBXH NGÀY 15 THÁNG 3 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 85/1998/NĐ-CP NGÀY 20-10-1998 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TUYỂN CHỌN, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀM VIỆC CHO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM 

Sau khi tham khảo ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 85/1998/NĐ-CP ngày 20-10-1998 của Chính phủ về tuyển chọn, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Thông tư này được áp dụng đối với người lao động Việt Nam, tổ chức cung ứng lao động và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 85/1998/NĐ-CP ngày 20-10-1998 của Chính phủ về tuyển chọn, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Thông tư này không áp dụng đối với cán bộ, công chức Việt Nam làm việc theo chế độ biệt phái trong các văn phòng, dự án do nước ngoài tài trợ hoặc đại diện của phía Việt Nam là một bên đối tác trong các văn phòng dự án đầu tư nước ngoài.

II- TUYỂN CHỌN, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀM VIỆC CHO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

1. Người lao động Việt Nam xin làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam phải làm đơn xin việc làm (theo mẫu số 1 kèm theo Thông tư này).

2. Tiếp nhận và trả hồ sơ xin việc làm của người lao động:

Tổ chức cung ứng lao động khi nhận hồ sơ xin việc làm của người lao động phải vào sổ theo dõi và có giấy biên nhận trao cho người lao động. Trong giấy biên nhận phải ghi rõ: ngày tháng năm nhận hồ sơ, hồ sơ bao gồm những gì, thời hạn tuyển. Khi Tổ chức cung ứng lao động chưa giới thiệu người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, mà người lao động yêu cầu lấy lại hồ sơ xin việc làm thì Tổ chức cung ứng lao động phải trả hồ sơ xin việc làm cho người lao động và thu lại giấy biên nhận.

3. Hợp đồng cung ứng lao động được giao kết giữa một bên là Tổ chức cung ứng lao động với một bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu sử dụng lao động Việt Nam theo mẫu số 2 kèm theo Thông tư này.

4. Hợp đồng lao động:

a) Hợp đồng lao động được giao kết trực tiếp giữa người lao động Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam bằng bản hợp đồng lao động được in bằng hai thứ tiếng Việt, Anh do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát hành theo Quyết định số 207/LĐTB-XH ngày 2/4/1993 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hợp đồng lao động được làm thành hai bản, mỗi bên giữ một bản và có giá trị ngang nhau.

Trong mọi trường hợp, hợp đồng lao động không được trái với hợp đồng cung ứng lao động. Hợp đồng lao động chỉ được giao kết khi người lao động Việt Nam đã được phổ biến nội dung hợp đồng cung ứng lao động đã được giao kết và có sự giới thiệu của Tổ chức cung ứng lao động.

b) Chậm nhất sau 05 ngày (năm ngày) kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, người lao động Việt Nam phải chuyển cho Tổ chức cung ứng lao động đã giới thiệu mình bản sao (sao y bản chính) hợp đồng lao động đã giao kết có xác nhận của người sử dụng lao động.

5. Quy định việc báo cáo định kỳ:

a) Tổ chức cung ứng lao động thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (theo mẫu số 3 kèm theo Thông tư này) về tình hình tuyển chọn, đào tạo, cung ứng lao động Việt Nam làm việc cho Văn phòng các dự án đầu tư nước ngoài, chi nhánh công ty nước ngoài, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài về: kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật; các cá nhân nước ngoài làm việc tại các tổ chức này và người nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt nam cho phép lưu trú tại Việt Nam. Báo cáo 6 tháng đầu năm phải gửi trước ngày 15 tháng 7 hằng năm; báo cáo năm phải gửi trước ngày 15 tháng 1 năm sau.

b) Tổ chức cung ứng lao động thuộc Bộ Ngoại giao có trách nhiệm báo cáo với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao (theo mẫu số 3 kèm theo Thông tư này) về tình hình tuyển chọn, đào tạo, cung ứng lao động Việt Nam làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực; văn phòng đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình nước ngoài; văn phòng đại diện và văn phòng dự án của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và các cá nhân nước ngoài làm việc cho các tổ chức này. Báo cáo 6 tháng đầu năm phải gửi trước ngày 15 tháng 7 hằng năm; báo cáo năm phải gửi trước ngày 15 tháng 1 năm sau.

c) Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (theo mẫu số 4 kèm theo Thông tư này) về tình hình tuyển chọn, đào tạo, cung ứng và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam nêu tại khoản a, điểm 6, mục II của Thông tư này. Báo cáo 6 tháng đầu năm phải gửi trước ngày 31 tháng 7; báo cáo hằng năm phải gửi trước ngày 31 tháng 1 năm sau.

6. Đối với người lao động Việt Nam quy định tại Điều 18 của Nghị định số 85/1998/NĐ-CP ngày 20/10/1998 của Chính phủ thì bổ sung và chuyển hồ sơ cho Tổ chức cung ứng lao động thuộc Bộ Ngoại giao nếu đang làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài nêu tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 của Nghị định nêu trên; bổ sung và chuyển hồ sơ cho Tổ chức cung ứng lao động thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt trụ sở chính, nếu đang làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài nêu tại khoản 4, Điều 2 của Nghị định nêu trên.

7. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có quyết định thành lập hoặc chỉ định tổ chức cung ứng lao động, Tổ chức cung ứng lao động phải đăng trên báo Trung ương hoặc địa phương 5 số liền về: Tên tổ chức cung ứng lao động, địa điểm, số điện thoại, số fax, ngày thành lập, ngày bắt đầu hoạt động, lĩnh vực hoạt động.

Quyết định thành lập hoặc chỉ định tổ chức cung ứng lao động phải gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội một bản chính.

III- TỔ CHỨC, THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Thông tư này được phổ biến đến người lao động Việt Nam, các tổ chức cung ứng lao động, tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

3. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết.

 

Nguyễn Thị Hằng

(Đã ký)

[...]