Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 84/2011/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá

Số hiệu 84/2011/NĐ-CP
Ngày ban hành 20/09/2011
Ngày có hiệu lực 15/11/2011
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/2011/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 09 năm 2011

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIÁ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 đã được Quốc hội Khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh Giá ngày 26 tháng 4 năm 2002;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, hình thức và mức xử phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá (bao gồm vi phạm hành chính về giá và thẩm định giá).

Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực giá không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử lý.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá mà không đến mức bị xử lý hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.

2. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ hợp pháp theo quy định của pháp luật tại Việt Nam khác với quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

1. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định tại Điều 23 Nghị định này và Điều 15 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

2. Mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá phải được phát hiện và bị đình chỉ kịp thời. Việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá phải được tiến hành nhanh chóng, đúng pháp luật; mọi hậu quả do vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

3. Một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá chỉ bị xử phạt một lần. Tổ chức, cá nhân, có nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nhiều tổ chức, cá nhân cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá thì mỗi tổ chức, cá nhân vi phạm đều bị xử phạt.

4. Việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để quyết định hình thức và mức xử phạt thích hợp.

Điều 4. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng đối với hành vi vi phạm hành chính

1. Tình tiết giảm nhẹ:

a) Người vi phạm hành chính đã ngăn chặn kịp thời, làm giảm bớt tác hại của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do vi phạm của mình gây ra;

b) Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo.

2. Tình tiết tăng nặng:

a) Vi phạm có tổ chức;

[...]