Nghị định 64-NĐ năm 1957 ban hành bản quy định tạm thời các khoản phí thu ở các Cảng Hải Phòng, Hồng Gai và Cẩm Phả do Bộ trưởng Bộ Giao Thông và Bưu Điện ban hành

Số hiệu 64-NĐ
Ngày ban hành 29/03/1957
Ngày có hiệu lực 01/04/1957
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông và Bưu điện
Người ký Lê Dung
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 64-NĐ

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 1957

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI CÁC KHOẢN PHÍ THU Ở CÁC CẢNG HẢI PHÒNG, HỒNG GAI VÀ CẨM PHẢ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN

Theo đề nghị của ông Giám đốc Cục Vận tải thủy,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.Nay ban hành quy định tạm thời các khoản phí thu ở các Cảng Hải Phòng, Hồng Gai và Cẩm Phả.

Điều 2.Bản quy định này áp dụng từ ngày mùng 01 tháng 04 năm 1957, các điều khoản cũ trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Ông Chánh Văn phòng Bộ Giao thông và Bưu điện, ông Giám đốc Cục Vận tải thủy, Ủy ban Hành chính khu Hồng Quảng, Ủy ban Hành chính thành phố Hải phòng, có nhiệm vụ thi hành nghị định này.

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
THỨ TRƯỞNG




Lê Dung

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

CÁC KHOẢN CHI PHÍ THU Ở CÁC CẢNG HẢI PHÒNG, HỒNG GAI VÀ CẨM PHẢ

Chương 1:

Điều 1.Bản Cảng phí này quy định những khoản phí thu ở các Cảng Hải Phòng, Hồng Gai và Cẩm Phả. Tiền bốc rót than ở Cảng Hồng Gai và Cẩm Phả sẽ quy định riêng. Các khoản nào không quy định ở đây sẽ do Cảng, hãng tàu và người có hàng thương lượng và thỏa thuận với nhau trong hợp đồng.

Điều 2.Tàu Việt Nam thanh toán bằng tiền Việt Nam, Tàu ngoại quốc thanh toán bằng những ngoại tệ đã được Ngân hàng Quốc gia Việt Nam nhận và theo tỷ lệ hối đoái do Ngân hàng Quốc gia quy định.

Điều 3. Đơn vị tính các khoản phí:

a) Nếu lấy đơn vị trọng lượng là tấn thì chưa đầy một tấn coi như là một tấn.

b) Nếu lấy ton-nô làm đơn vị để tính trọng tải toàn phần và trọng tải thực dụng thì chưa được một ton-nô coi như một ton-nô.

c) Nếu lấy mã lực làm đơn vị thì phần lẻ của mã lực coi như một mã lực.

d) Nếu lấy đơn vị là tháng thì chưa đầy 30 ngày coi như một tháng.

e) Nếu lấy đơn vị là ngày thì chưa đầy 24 tiếng đồng hồ coi như một ngày.

f) Nếu lấy đơn vị là giờ thì chưa đầy 60 phút đồng hồ coi như một giờ.

g) Nếu lấy đơn vị là 1/2 giờ thì chưa đầy 30 phút đồng hồ coi như 1/2 giờ.

Điều 4.Để tính các khoản phí bốc xếp, cân hàng, lưu kho, lưu bãi v.v.. .Cảng căn cư vào trọng lượng thực tế của hàng hóa.

Điều 5.Việc kiểm soát hàng để tính các khoản phí phải làm trước mặt người có hàng nhưng nếu đã nhận được giấy báo mà người có hàng không đến chứng kiến thì không được khiếu nại về kết quả của việc kiểm soát trừ trường hợp có sai nhầm lớn và rõ rệt.

Điều 6.Trừ những khoản phí mà thể thức, thời gian thanh toán đã do hai bên thỏa thuận với nhau trong hợp đồng, các khoản phí khác đều phải thanh toán chậm lắm là 5 ngày sau ngày nhận được giấy báo trả tiền. Quá hạn đó mỗi ngày chậm trễ người có nợ phải trả lãi 5% (năm phần nghìn) số tiền nợ.

Điều 7.Nếu hãng tàu hay người có hàng cho là có sự sai lầm trong hóa đơn thì chậm lắm là ngày thứ 2 sau ngày nhận được giấy báo trả tiền phải yêu cầu Cảng điều chỉnh. Trường hợp có sai lầm thật thì Cảng sẽ làm lại hóa đơn và thời hạn 5 ngày nói ở điều 6 tính từ ngày hãng tàu hay người có hàng nhận được giấy báo trả tiền lần thứ hai. Trường hợp không có sai lầm thì thời hạn thanh toán vẫn tính từ ngày hãng tàu hay người có hàng nhận được giấy báo trả tiền đầu tiên.

[...]