Nghị định 63/2020/NĐ-CP quy định về công nghiệp an ninh

Số hiệu 63/2020/NĐ-CP
Ngày ban hành 08/06/2020
Ngày có hiệu lực 01/08/2020
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2020

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ CÔNG NGHIỆP AN NINH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về công nghiệp an ninh.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành Điều 34 Luật Công an nhân dân năm 2018 về công nghiệp an ninh, bao gồm nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh; nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động công nghiệp an ninh; chính sách, cơ chế đặc thù và chương trình, kế hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh; hợp tác quốc tế về công nghiệp an ninh; quản lý nhà nước về công nghiệp an ninh; quyền hạn và trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia các hoạt động liên quan đến công nghiệp an ninh của Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phát triển công nghiệp an ninh là việc đầu tư các nguồn lực và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật để phát triển tiềm lực quốc gia về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng và lưỡng dụng.

2. Lực lượng thực thi pháp luật khác là lực lượng ngoài lực lượng Công an nhân dân được pháp luật quy định sử dụng một số loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị, vật tư kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

3. Sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng là sản phẩm có tính năng đặc thù phục vụ công tác bí mật nghiệp vụ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật của lực lượng Công an nhân dân và lực lượng thực thi pháp luật khác.

4. Sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng là sản phẩm phục vụ công tác của lực lượng Công an nhân dân, lực lượng thực thi pháp luật khác và nhu cầu hợp pháp của xã hội.

Điều 4. Nguyên tắc xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh

1. Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu trang bị cho lực lượng Công an nhân dân và lực lượng thực thi pháp luật khác.

2. Gắn kết chặt chẽ và tận dụng tối đa năng lực của nền công nghiệp quốc gia và công nghiệp quốc phòng; không đầu tư trùng lặp, những gì công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng làm được thì các cơ sở công nghiệp an ninh không đầu tư và ngược lại. Ưu tiên các sản phẩm có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, bảo đảm bí mật, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

3. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trên cơ sở phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế; bảo đảm bí mật nhà nước về an ninh, quốc phòng.

4. Tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, quản lý, kinh doanh các sản phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý tài sản công và các quy định của pháp luật về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và cam kết của Việt Nam về giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 5. Tiêu chí sản phẩm công nghiệp an ninh và danh mục sản phẩm công nghiệp an ninh

1. Tiêu chí sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng, gồm:

a) Sản phẩm có tính năng đặc thù phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân và lực lượng thực thi pháp luật khác;

b) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch hoặc giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng theo quy định của pháp luật;

c) Được pháp luật quy định cụ thể về đối tượng được sử dụng, trường hợp sử dụng.

[...]