Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị định 59-HĐBT năm 1989 về chế độ nhuận bút đối với các tác phẩm chính trị - xã hội, văn hoá - giáo dục, văn học - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 59-HĐBT
Ngày ban hành 05/06/1989
Ngày có hiệu lực 01/07/1989
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 59-HĐBT

Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 1989

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 59-HĐBT NGÀY 5-6-1989 VỀ CHẾ ĐỘ NHUẬN BÚT ĐỐI VỚI CÁC TÁC PHẨM CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, VĂN HOÁ - GIÁO DỤC, VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT, KHOA HỌC - KỸ THUẬT 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Nghị định số 142-HĐBT ngày 14-11-1986 về quyền tác giả;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Bộ trưởng Bộ Văn hoá,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Quy định chế độ nhuận bút cho các tác phẩm chính trị - xã hội, văn hoá - giáo dục, văn học - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật nhằm bảo đảm quyền lợi cho các tác giả, khuyến khích sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cao.

Điều 2. - Nhuận bút và đối tượng hưởng nhuận bút:

1. Nhuận bút là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm chính trị - xã hội, văn hoá - giáo dục, văn học - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật (dưới đây gọi chung là tác phẩm) trả cho tác giả hoặc các tác giả), theo quy định tại Nghị định số 142-HĐBT ngày 14-11-1986 về quyền tác giả.

2. Đối tượng hưởng nhuận bút là tác giả của tác phẩm được sử dụng dưới một trong các hình thức xuất bản, báo, tạp chí, công diễn, sản phẩm điện ảnh, vidéo; chương trình phát thanh, truyền hình.

3. Tác giả các tác phẩm đơn chiếc hoặc có đặc thù riêng như tranh, tượng nghệ thuật... không hưởng chế độ nhuận bút, mà được bên sử dụng trả tiền về quyền sử dụng tác phẩm, thông qua hợp đồng kinh tế.

Điều 3. - Những nguyên tắc của chế độ nhuận bút:

1. Việc trả nhuận bút phải bảo đảm hợp lý giữa lợi ích của tác giả, lợi ích của bên sử dụng tác phẩm và lợi ích của người hưởng thụ tác phẩm, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Mức nhuận bút căn cứ vào chất lượng, khối lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội của tác phẩm và thông qua hợp đồng kinh tế giữa tác giả và bên sử dụng tác phẩm.

3. Nhuận bút của một tác phẩm gồm:

a) Nhuận bút cơ bản trả công lao động sáng tạo ra tác phẩm, tương xứng với chất lượng, khối lượng của tác phẩm đó.

b) Nhuận bút số lượng trả thêm cho những tác phẩm được sử dụng với lượng xuất bản vượt quá số lượng chuẩn.

c) Nhuận bút tái bản trả cho những tác phẩm có giá trị được tái bản.

4. Tác phẩm thuộc các thể loại sáng tác, nghiên cứu được trả nhuận bút cơ bản cao hơn những tác phẩm biên soạn, dịch thuật, chuyển thể, cải biên, phóng tác, sưu tầm, tuyển chọn. Tác phẩm được dịch, chuyển thể, phóng tác, cải biên thì tác giả của tác phẩm nguyên bản được hưởng một phần trong tổng số nhuận bút.

Tác giả phần lời trong tranh truyện, ảnh truyện, bài hát, được hưởng một phần trong tổng số nhuận bút.

Tác giả sáng tác cho thiếu nhi, cho các dân tộc ít người được hưởng thêm nhuận bút khuyến khích.

Những đoạn trích không phải là tác phẩm hoàn chỉnh thì không hưởng nhuận bút.

5. Tác phẩm lưu hành nội bộ, không kinh doanh hưởng nhuận bút cơ bản thấp hơn tác phẩm tương đương có kinh doanh và không hưởng nhuận bút số lượng, nhuận bút tái bản. Mức nhuận bút do bên sử dụng tác phẩm thoả thuận với tác giả.

6. Tác phẩm được sử dụng ở thể loại nào được trả nhuận bút theo thể loại đó.

Điều 4. - Phương thức tính nhuận bút và quỹ nhuận bút:

a) Nhuận bút xuất bản phẩm:

- Nhuận bút cơ bản của xuất bản phẩm căn cứ vào chất lượng, thể loại tác phẩm và tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của giá bán lẻ nhân với số lượng chuẩn.

- Nhuận bút số lượng của tác phẩm tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của nhuận bút cơ bản của tác phẩm đó.

- Nhuận bút tái bản tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của nhuận bút cơ bản lần đầu. Khi tái bản, tác giả được hưởng nhuận bút số lượng.

[...]