Nghị định 41/CP năm 1996 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Quốc phòng do Chính phủ ban hành
Số hiệu | 41/CP |
Ngày ban hành | 05/07/1996 |
Ngày có hiệu lực | 05/07/1996 |
Loại văn bản | Nghị định |
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Người ký | Võ Văn Kiệt |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/CP |
Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 1996 |
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỘ QUỐC PHÒNG
CHÍNH PHỦ
- Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
- Căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
- Căn cứ vào Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,
NGHỊ ĐỊNH
Bộ Quốc phòng thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ qui định tại Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Xây dựng chiến lược quốc phòng, kế hoạch phòng thủ đất nước và các kế hoạch sử dụng nhân lực, bảo đảm ngân sách, phương tiện kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn; chủ trì phối hợp với các Bộ và hướng dẫn ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện các vấn đề nói trên.
Nghiên cứu, kiến nghị các yêu cầu kết hợp kinh tế với Quốc phòng trong chiến lược, qui hoạch tổng thể và các chính sách lớn về kinh tế - xã hội trong cả nước, các qui hoạch kinh tế theo ngành, vùng lãnh thổ và các dự án lớn, quan trọng về kinh tế có liên quan đến quốc phòng; tham gia thẩm định các qui hoạch, kế hoạch và các dự án về kinh tế - xã hội do các ngành, các địa phương chuẩn bị có liên quan đến quốc phòng.
Nghiên cứu, kiến nghị các nhu cầu quốc phòng cần huy động trong thời chiến tổng hợp vào kế hoạch động viên nền kinh tế quốc dân.
2. Trình Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản pháp qui và các chính sách, chế độ về xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân, dân quân tự vệ.
Ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan hữu quan hướng dẫn việc thực hiện luật, pháp lệnh, các quyết định của Chủ tịch nước, của Hội đồng quốc phòng an ninh, các văn bản pháp qui của Chính phủ về lĩnh vực quốc phòng; chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện công tác quốc phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương
3. Thi hành các biện pháp để thực hiện lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và mọi biện pháp cần thiết khác để bảo vệ đất nước; phối hợp với các cơ quan Nhà nước liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện.
4. Thực hiện việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm: đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia theo qui định của pháp luật.
5. Thường xuyên nắm chắc tình hình liên quan đến Quốc phòng an ninh, xử lý và báo cáo với cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra.
6. Chỉ đạo việc tổ chức, trang bị, huấn luyện và các hoạt động của dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên; thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên theo qui định của pháp luật.
7. Chỉ đạo, hướng dẫn ủy ban nhân dân các cấp xây dựng khu vực phòng thủ và các phương án xử lý tình huống; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chỉ đạo các đơn vị quân đội và dân quân tự vệ chống địch tập kích và tham gia phòng chống các hoạt động phá hoại, gây rối, bạo loạn, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc; quản lý việc bảo vệ bí mật Nhà nước về quốc phòng.
8. Xây dựng kế hoạch khoa học công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng, phối hợp với các cơ quan Nhà nước tổ chức quản lý nội dung nghiên cứu khoa học, huy động lực lượng làm công tác khoa học công nghệ trong và ngoài quân đội để thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ quốc phòng.
9. Chủ trì phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương thực hiện công tác giáo dục quốc phòng theo qui định của Chính phủ và tham gia vận động phong trào nhân dân thực hiện nghĩa vụ quốc phòng.
10. Xây dựng và quản lý các cơ sở sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang thiết bị quân sự, các cơ sở quốc phòng kết hợp làm kinh tế trong các đơn vị quân đội nhân dân theo qui định của Chính phủ; xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, phối hợp với các cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp phát huy nền công nghiệp của đất nước kết hợp với xây dựng công nghiệp quốc phòng và triển khai việc chuẩn bị động viên công nghiệp phục vụ yêu cầu khi có chiến tranh.
11. Quản lý đất chuyên dùng cho quốc phòng theo qui định của pháp luật về đất đai và quản lý việc bảo vệ môi trường có liên quan đến quốc phòng.
12. Quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, khí tài, trang thiết bị kỹ thuật quân sự, chất nổ, vật liệu nổ trong quân đội và dân quân tự vệ; tham gia với Bộ Nội vụ quản lý việc trang bị vũ khí cho các tổ chức và cá nhân ngoài lực lượng vũ trang; phối hợp với cơ quan chức năng của Nhà nước quản lý chất nổ, vật liệu nổ công nghiệp do các xí nghiệp quốc phòng sản xuất.
13. Đào tạo, bổi dưỡng đôị ngũ sĩ quan, hạ sĩ quan chỉ huy, cán bộ nhân viên chuyên môn - kỹ thuật quân sự, cán bộ làm công tác quốc phòng ở các Bộ, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hôi và các tổ chức kinh tế. Sắp xếp, sử dụng và bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động trong lĩnh vực quân sự đối với cán bộ được huy động phục vụ quân đội.