Nghị định 25/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Trọng tài Thương mại

Số hiệu 25/2004/NĐ-CP
Ngày ban hành 15/01/2004
Ngày có hiệu lực 06/02/2004
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25/2004/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 1 năm 2004

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 25/2004/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 01 NĂM 2004 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Trọng tài thương mại ngày 25 tháng 02 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Trọng tài thương mại (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh) về thẩm quyền của Trọng tài thương mại; trình tự, thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động, lập chi nhánh, văn phòng đại diện của Trung tâm Trọng tài; lệ phí tòa án liên quan đến trọng tài; xử lý vi phạm và quản lý nhà nước về trọng tài.

Điều 2. Thẩm quyền của Trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại quy định tại khoản 3 Điều 2 của Pháp lệnh mà các bên tranh chấp là cá nhân kinh doanh hoặc tổ chức kinh doanh.

Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài, nếu trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp các bên có thỏa thuận trọng tài.

Điều 3. Khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Nhà nước khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo quy định của Pháp lệnh và Nghị định này, tạo điều kiện phát triển hoạt động trọng tài thương mại phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chương 2:

THÀNH LẬP, ĐĂNG KÝ VÀ CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG TRUNG TÂM TRỌNG TÀI, CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA TRUNG TÂM TRỌNG TÀI

Điều 4. Thành lập Trung tâm Trọng tài

1. Trung tâm Trọng tài được thành lập tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.

Các Trung tâm Trọng tài đã được thành lập theo quy định của pháp luật trước ngày Pháp lệnh có hiệu lực được tiếp tục hoạt động theo quy định của Pháp lệnh và Nghị định này.

2. Việc thành lập Trung tâm Trọng tài không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của Điều này phải căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo đảm các điều kiện thành lập Trung tâm Trọng tài theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh.

3. Các quy định của Điều này không ảnh hưởng đến việc các bên tranh chấp thành lập Hội đồng Trọng tài theo quy định tại Điều 26 của Pháp lệnh.

Điều 5. Trình tự, thủ tục thành lập Trung tâm Trọng tài

1. Các sáng lập viên có đủ điều kiện làm Trọng tài viên theo quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh gửi hai bộ hồ sơ đề nghị thành lập Trung tâm Trọng tài đến Bộ Tư pháp.

Hồ sơ gồm các giấy tờ sau đây:

a) Đơn xin phép thành lập Trung tâm Trọng tài có các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 14 của Pháp lệnh, có thỏa thuận về việc cử một sáng lập viên làm Chủ tịch Trung tâm và có chữ ký của tất cả các sáng lập viên;

b) Sơ yếu lý lịch, bản sao có công chứng hoặc chứng thực hợp lệ bằng tốt nghiệp đại học, giấy tờ xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc đã qua thực tế công tác theo ngành học từ năm năm trở lên của các sáng lập viên;

c) Điều lệ của Trung tâm Trọng tài;

d) Văn bản giới thiệu của Hội Luật gia Việt Nam.

2. Trong thời hạn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập và phê chuẩn Điều lệ của Trung tâm Trọng tài; đồng thời có công văn thông báo kèm theo bản sao Giấy phép thành lập Trung tâm Trọng tài cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Tư pháp), nơi Trung tâm Trọng tài đặt trụ sở. Trong trường hợp từ chối, Bộ Tư pháp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Mẫu Giấy phép thành lập Trung tâm Trọng tài do Bộ Tư pháp ban hành.

[...]