Nghị định 232-HĐBT năm 1992 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 232-HĐBT
Ngày ban hành 25/06/1992
Ngày có hiệu lực 25/06/1992
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Vi phạm hành chính

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 232-HĐBT

Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 1992

 

NGHỊ ĐỊNH

CUẢ HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 232-HĐBT NGÀY 25-6-1992 QUY ĐỊNH VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HẢI QUAN 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính ngày 30 tháng 11 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh hải quan ngày 20 tháng 2 năm 1990;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan thì bị xử phạt như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng; nếu tái phạm thì bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với các vi phạm:

a) Nộp hoặc xuất trình thiếu, hoặc không đúng thời hạn các giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định của Nhà nước về thủ tục hải quan.

b) Nộp hoặc xuất trình cho hải quan giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá quá hạn.

2. Phạt tiền từ trên 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với các vi phạm:

a) Niêm phong hải quan đã bị mất hoặc không còn nguyên vẹn khi xuất trình cho hải quan kiểm tra hàng hoá, hành lý, bưu kiện, bưu phẩm xuất khẩu, nhập khẩu trong trường hợp không có dụng ý thêm bớt hoặc đánh tráo.

b) Từ chối xuất trình bản lược khai hàng hoá, sổ nhật ký hành trình, giấy phép xuất cảnh, nhập cảnh của phương tiện vận tải theo quy định của pháp luật hiện hành khi có yêu cầu kiểm tra của nhân viên hải quan.

c) Từ chối mở nơi để hàng hoá, hành lý, ngoại hối, tiền Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu; buồng máy, buồng của người làm việc và những nơi khác trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khi có yêu cầu kiểm tra của nhân viên hải quan.

d) Từ chối kiểm tra hải quan đối với hàng hoá, hành lý, ngoại hối, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu để ở các kho chuyên dụng của các tổ chức kinh doanh, vận tải, giao nhận xuất nhập khẩu.

e) Chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, mượn đường Việt Nam từ chối làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp lệnh hiện hành.

3. Phạt tiền từ trên 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với các vi phạm:

a) Tẩy xoá, sửa chữa thêm bớt làm sai nội dung thực của giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tờ khai hải quan hoặc giấy tờ khác liên quan đến việc làm thủ tục hải quan.

b) Vận chuyển hàng hoá, hành lý, bưu kiện, bưu phẩm quá cảnh, mượn đường Việt Nam không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp.

4. Phạt tiền từ trên 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với các vi phạm:

a) Xếp dỡ, chuyển tải, sang mạn, sang toa, cắt toa hàng hoá, hành lý, bưu kiện, bưu phẩm xuất khẩu, nhập khẩu (kể cả hàng quá cảnh, mượn đường) trong trường hợp chưa hoàn thành thủ tục hải quan, hoặc đã hoàn thành thủ tục hải quan, nhưng còn chịu sự giám sát hải quan mà không được cơ quan hải quan cho phép.

b) Tầu, thuyền vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan khi di chuyển trong nội thuỷ lãnh hải Việt Nam mà không đăng ký và không có giấy phép của hải quan cấp tỉnh trở lên.

5. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với các vi phạm:

a) Cố ý phá niêm phong hải quan để thêm bớt, đánh tráo hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

b) Tự ý thay đổi bao bì hàng hoá, hành lý, bưu kiện, bưu phẩm xuất khẩu, nhập khẩu đã kiểm tra hải quan.

c) Hàng hoá, hành lý tạm xuất, tạm nhập không đúng với giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tờ khai hải quan.

d) Cố ý khai sai loại hàng, phẩm cấp hàng, trị giá hàng, nước sản xuất hàng hoặc dùng thủ đoạn khác để lẩn tránh nghĩa vụ nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo luật định.

e) Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, hành lý vượt định mức về số lượng trị giá theo quy định của Nhà nước, nhưng khai báo ít để trốn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

g) Hàng hoá, hành lý tạm xuất mà không tái nhập, tạm nhập mà không tái xuất hoặc quá thời hạn ghi trên giấy phép.

[...]