Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị định 227-CP năm 1979 về bản quy định về chính sách và biện pháp nhằm khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu do Hội đồng Chính phủ ban hành.

Số hiệu 227-CP
Ngày ban hành 21/06/1979
Ngày có hiệu lực 06/07/1979
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

*******

Số: 227-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 1979

 

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH VÀ BIỆN PHÁP NHẰM KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU

Căn cứ vào nghị quyết của Đại hội lần thứ IV của Đảng và các nghị quyết của Ban chấp hành trung ương Đảng;
Để cụ thể hóa các nghị quyết, quyết định và chỉ thị của Chính phủ đã ban hành nhằm tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa;
Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Ngoại thương;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 11 tháng 5 năm 1979.

Điều 1: - Nay ban hành kèm theo nghị định này bản Quy định về chính sách và biện pháp nhằm khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu.

Điều 2: - Các điều quy định trong các văn bản ban hành trước đây trái với bản quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3: - Các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

VỀ CHÍNH SÁCH VÀ BIỆN PHÁP NHẰM KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU
(Ban hành kèm theo Nghị định số 227-CP ngày 21-06-1979 của Hội đồng Chính phủ)

Căn cứ vào nghị quyết của Đại hội lần thứ IV của Đảng và các nghị quyết  của Ban chấp hành trung ương Đảng;

Để cụ thể hóa nghị quyết của Hội đồng Chính phủ số 280-CP ngày 12-10-1977 và các quyết định, chỉ thị, thông tư đã được ban hành nhằm tăng nhanh nguồn xuất khẩu, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa;

Hội đồng Chính phủ quy định dưới đây chính sách và biện pháp nhằm khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu.

I. ĐẦU TƯ ĐỂ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU

Điều 1: - Nhằm phát huy mạnh mẽ tiềm lực kinh tế, mau chóng tạo ra nhiều nguồn hàng xuất khẩu chủ lực, Nhà nước tăng cường đầu tư vào các ngành sản xuất, trước hết là nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khai thác các khoáng sản có trữ lượng lớn, các ngành công nghiệp nhẹ, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và gia công hàng xuất khẩu trên nguyên tắc hiệu suất đầu tư tương đối cao, thời gian xây dựng và mở rộng cơ sở tương đối nhanh.

Điều 2: - Nhà nước chú trọng đầu tư theo chiều sâu bằng cách bổ sung thiết bị, hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, mở rộng hoặc cải tạo những xí nghiệp hiện có, đồng thời đầu tư theo chiều rộng bằng việc xây dựng các cơ sở chuyên sản xuất hàng xuất khẩu với khối lượng lớn, chất lượng cao, chú trọng tạo nên những mặt hàng xuất khẩu chủ lực có thị trường ổn định và lâu dài. Coi trọng trước hết việc phát triển nông nghiệp nhiệt đới, lâm nghiệp, việc khai thác hải sản và những nguồn khoáng sản có trữ lượng tương đối dồi dào, những ngành công nghiệp và thủ công nghiệp có kỹ thuật truyền thống hoặc có điều kiện đào tạo nhanh công nhân.

Điều 3: - Trong việc đầu tư vào các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, phải đầu tư đồng bộ trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, chú trọng các khâu từ sản xuất đến vận chuyển, chế biến; trong công nghiệp, chú trọng cả khâu sản xuất chính và các khâu phụ trợ; đi đôi với việc phát triển sản xuất các sản phẩm, phải đầu tư về cả phương tiện đóng gói và bao bì, kho bảo quản hàng hóa, đặt biệt là kho chuyên dùng; chú trọng phát triển vận tải để phục vụ xuất khẩu.

Điều 4: - Nguồn vốn đầu tư, tùy theo ngành sản xuất và loại sản phẩm, có thể là vốn trong nước hoặc vốn bằng ngoại tệ bao gồm vốn vay nợ, vốn đầu tư của nước ngoài qua hình thức hợp tác kinh tế. Nếu đầu tư bằng vốn vay nợ, thì đơn vị sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm thanh toán toàn bộ số ngoại tệ vay bằng hàng xuất khẩu của mình trong một thời hạn nhất định. (Trong trường hợp một phần hàng của cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu được dùng để đáp ứng nhu cầu trong nước, thì sẽ xem xét riêng). Ngân hàng ngoại thương chịu trách nhiệm huy động vốn vay ngắn hạn và trung hạn của nước ngoài vào mục đích đầu tư cho xuất khẩu. Các tổ chức ngoại thương cần nghiên cứu mở rộng hình thức hợp tác gia công để nhập các thiết bị, nguyên liệu, vật liệu và thanh toán bằng các sản phẩm xuất khẩu.

Đối với những cơ sở xây dựng mà thời hạn trả nợ có thể dài hơn, thì phải dùng hình thức hợp tác kinh tế với nước ngoài theo chương II trong Điều lệ đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam.

Điều 5: - Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ chủ quản và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm căn cứ vào phương hướng phát triển nền kinh tế quốc dân, phương hướng xuất khẩu, xác định chủ trương đầu tư nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong kế hoạch ngắn hạn và kế hoạch dài hạn.

Điều 6: - Ban xuất khẩu của Hội đồng Chính phủ thành lập theo quyết định số 178-TTg ngày 15-04-1977 (do đồng chí Bộ trưởng Bộ Ngoại thương làm trưởng ban) có trách nhiệm nghiên cứu và kiến nghị với Chính phủ các dự án, chủ trương và biện pháp cụ thể về đầu tư để đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu.

II. CUNG ỨNG NGUYÊN LIỆU VÀ VẬT TƯ NHẬP KHẨU CHO CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU

Điều 7: - Để bảo đảm thực hiện kế hoạch sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, Nhà nước sẽ cung ứng cho các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu các nguyên liệu và vật tư cần thiết. Nếu các nguyên liệu và vật tư đó chưa được sản xuất ở trong nước, thì Nhà nước sẽ bảo đảm nguồn hàng nhập khẩu.

Điều 8: - Các đơn vị được bảo đảm cung ứng tư liệu sản xuất (nói trong điều 7) là:

- Các cơ sở quốc doanh được giao chỉ tiêu xuất khẩu;

- Các hợp tác xã trồng cây xuất khẩu theo quy định, kế hoạch của Nhà nước và bán sản phẩm cho Nhà nước trên cơ sở hợp đồng kinh tế hai chiều;

- Các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trên cơ sở hợp đồng kinh tế hai chiều, nếu được giao nguyên liệu, phải bán lại toàn bộ sản phẩm cho tổ chức ngoại thương.

Điều 9:- Trong trường hợp việc nhập khẩu các vật tư không bảo đảm yêu cầu chung của sản xuất, thì các đơn vị được giao nhiệm vụ sản xuất hàng xuất khẩu (nói trong điều 8) sẽ được ưu tiên cung ứng các vật tư kể trên.

Điều 10: - Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, và các Bộ quản lý ngành kinh tế-kỹ thuật có trách nhiệm cân đối các vật tư cho kế hoạch sản xuất hàng xuất khẩu (kể cả vật tư nhập khẩu) và phải bảo đảm ngoại tệ cần thiết để nhập các vật tư đó.

[...]