Nghị định 17-HĐBT thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 17-HĐBT
Ngày ban hành 17/01/1992
Ngày có hiệu lực 01/02/1992
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17-HĐBT

Hà nội, ngày 17 tháng 01 năm 1992 

 

NGHỊ ĐỊNH

CUẢ HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ  17-HĐBT NGàY 17-1-1992 VỀ THI HÀNH LUẬT BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG  

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;

Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 19 tháng 8 năm 1991;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp;

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. - Luật bảo vệ và phát triển rừng điều chỉnh những quan hệ chủ yếu tác động trực tiếp đến rừng, gồm rừng tự nhiên và rừng trồng trên đất lâm nghiệp. Rừng tự nhiên bao gồm rừng gỗ và rừng tre, nứa ở các cấp tuổi khác nhau, kể cả rừng non đang được phục hồi. Rừng trồng bao gồm rừng trồng bằng vốn của Nhà nước hoặc bằng vốn không phải của Nhà nước, do các tổ chức, cá nhân gây trồng trên đất lâm nghiệp.

Những dải cây, hàng cây, cây lâm nghiệp trồng tập trung hoặc trồng phân tán trên đất không phải đất lâm nghiệp, không kể bằng nguồn vốn nào đều không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Đối với đất lâm nghiệp, Luật Bảo vệ và phát triển rừng chỉ điều chỉnh khi có liên quan trực tiếp đến rừng.

Đối với việc chế biến, lưu thông tiêu thụ lâm sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng chỉ điều chỉnh khi cần xác định nguồn gốc lâm sản có liên quan trực tiếp đến việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng.

Những hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác các loại tài nguyên trong phạm vi đất lâm nghiệp đều phải tuân theo những quy định có liên quan của Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 2.- Nhà nước thống nhất quản lý rừng, đất trồng bằng phương pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và các chế độ, thể lệ.

Nhà nước thực hiện việc phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng, đất trồng rừng từ trung ương đến cơ sở.

Nhà nước giao rừng, đất trồng rừng cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế để quản lý, bảo vệ, xây dựng và sản xuất, kinh doanh ổn định lâu dài.

Điều 3. - Rừng tự nhiên, rừng được gây trồng bằng vốn của Nhà nước đã giao hoặc chưa giao cho tổ chức, cá nhân nào quản lý, sử dụng đều thuộc sở hữu Nhà nước.

Rừng làng, rừng bản thuộc quyền sở hữu công cộng của làng, bản theo quy định của pháp luật. Khi làng, bản đó chuyển đi nơi khác, thì Nhà nước thu hồi và bồi hoàn thoả đáng.

Rừng do tổ chức, cá nhân gây trồng bằng vốn của mình thì sản phẩm thực vật rừng trên đất được giao quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân đã bỏ vốn. Khi chủ rừng là tổ chức bị giải thể, là cá nhân bị chết mà không có người thừa kế, thì rừng, đất trồng rừng đó thuộc sở hữu Nhà nước.

Điều 4.- Nhà nước chủ trương mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế về nhiều mặt trong lĩnh vực lâm nghiệp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào việc gây trồng rừng, chế biến, tiêu thụ lâm sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển lâm nghiệp xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Nhà nước khuyến khích và cải tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước để phát triển lâm nghiệp.

Bộ Lâm nghiệp xây dựng trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành những chính sách nói trên.

Chương 2:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ RỪNG, ĐẤT TRỒNG RỪNG

Điều 5. - Bộ Lâm nghiệp chịu trách nhiệm trước Hội đồng Bộ trưởng thực hiện việc thống nhất quản lý Nhà nước về rừng, đất trồng rừng trong cả nước, nội dung gồm:

1. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện việc điều tra, phúc tra, xác định các loại rừng, phân định ranh giới rừng, đất trồng rừng trên bản đồ tỷ lệ 1/10.000 và trên thực địa đến đơn vị hành chính cấp xã; theo dõi diễn biến tình hình tài nguyên rừng trong cả nước và ở từng địa phương.

2. Xây dựng chiến lược phát triển lâm nghiệp, quy hoạch các vùng lâm nghiệp các hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, rừng giống trong phạm vi cả nước; Lập kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn trình Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt và tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện.

3. Thực hiện việc phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng, đất trồng rừng từ trung ương đến cơ sở.

[...]