Quyết định 822/QĐ-TTg năm 2006 về việc chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình thành Vườn quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận do Thủ tướng chính phủ ban hành

Số hiệu 822/QĐ-TTg
Ngày ban hành 08/06/2006
Ngày có hiệu lực 23/06/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 822/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CHUYỂN KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN PHƯỚC BÌNH THÀNH VƯỜN QUỐC GIA PHƯỚC BÌNH, TỈNH NINH THUẬN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 1161/BNN-LN ngày 12 tháng 5 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận thành Vườn quốc gia Phước Bình trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, gồm các nội dung như sau:

1. Tên gọi: Vườn quốc gia Phước Bình.

2. Tổng diện tích tự nhiên: 19.814 ha.

Thuộc địa bàn xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Tọa độ địa lý: Từ 11058’32’’ đến 12010’00’’ vĩ độ Bắc.

Từ 108041’00’’ đến 108049’05’’ kinh độ Đông.

3. Mục tiêu và nhiệm vụ:

- Bảo tồn sinh cảnh rừng tự nhiên tiêu biểu, độc đáo của hệ sinh thái rừng vùng núi cao với các kiểu rừng: rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới; rừng hỗn hợp cây lá rộng và cây lá kim á nhiệt đới; rừng lá kim; rừng thưa cây họ dầu tiêu biểu cho kiểu rừng khô hạn của tỉnh Ninh Thuận.

- Phối hợp với Vườn quốc gia BiDoup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng để tạo thành một vùng bảo tồn thiên nhiên rộng lớn, góp phần cho việc bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì và phát triển các loài thực vật và động vật hoang dã ở vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục về rừng á nhiệt đới, rừng khô hạn, phát triển du lịch sinh thái và củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh Ninh Thuận và vùng Nam Trung Bộ.

- Góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá và lịch sử cách mạng của đồng bào các dân tộc địa phương, từng là chiến khu trong 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

- Góp phần nâng cao năng lực phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông Cái của tỉnh Ninh Thuận nhằm phục vụ các hoạt động sản xuất và đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của vùng Nam Trung Bộ.

4. Các phân khu chức năng: có 3 phân khu chức năng:

a) Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

- Diện tích là 10.766 ha, bao gồm 11 tiểu khu rừng, có số hiệu: 1; 2; 4A; 6; 7; 12A; 12B; 13; 17; 21 và tiểu khu 3.

- Chức năng và nhiệm vụ chủ yếu của phân khu này là bảo tồn các khu rừng nguyên sinh chưa bị tác động, nơi phân bố của các loài động, thực vật rừng đặc hữu và quý hiếm.

b) Phân khu phục hồi sinh thái.

- Diện tích 9.030 ha, bao gồm 9 tiểu khu: 4B; 5; 9; 11; 15; 18; 19; 23 và tiểu khu 24.

- Chức năng và nhiệm vụ chủ yếu của phân khu này là phục hồi các hệ sinh thái rừng, khôi phục sự đa dạng sinh học và các giá trị khác của khu rừng, phát triển du lịch sinh thái.

c) Phân khu hành chính - dịch vụ.

- Diện tích 18 ha, vị trí tại Tiểu khu 24.

- Chức năng của phân khu này là bố trí nơi làm việc của Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình.

Là trung tâm diễn giải môi trường, giới thiệu về Vườn quốc gia Phước Bình.

Nơi triển lãm, trưng bày các tiêu bản hoặc hình ảnh về các loài động vật, thực vật rừng, các hệ sinh cảnh tự nhiên và các sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Xây dựng phòng lưu trữ thông tin, giới thiệu về đa dạng sinh học và giáo dục về môi trường.

Nơi kết hợp các hoạt động tham quan du lịch sinh thái, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

5. Các Chương trình hoạt động:

- Chương trình bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

- Chương trình phục hồi sinh thái rừng.

- Chương trình phòng cháy chữa cháy rừng.

- Chương trình nghiên cứu khoa học.

- Chương trình phát triển du lịch sinh thái.

- Chương trình tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

- Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng đệm.

6. Vùng đệm của Vườn quốc gia:

Vườn quốc gia Phước Bình có vùng đệm nằm trên địa bàn của xã Phước Bình và xã Tân Tiến, huyện Bác Ái, tỉnh Bình Thuận, với tổng diện tích là 11.082 ha.

Điều 2. Tổ chức quản lý Vườn Quốc gia:

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện các nội dung sau đây:

1. Trực tiếp quản lý Vườn quốc gia Phước Bình.

2. Chỉ đạo lập Dự án đầu tư xây dựng Vườn quốc gia Phước Bình, Dự án đầu tư xây dựng vùng đệm của Vườn quốc gia Phước Bình và Dự án phát triển du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Phước Bình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đầu tư theo các quy định hiện hành của nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.

3. Phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định về cơ cấu tổ chức và biên chế của Vườn quốc gia Phước Bình theo các quy định hiện hành của nhà nước về quản lý rừng và các lĩnh vực khác có liên quan.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ;
- HĐND, UBND tỉnh Ninh Thuận;
- Văn phòng Trung ương Đảng
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tổng cục Du lịch;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: ĐP, KTTH, V.IV;
- Lưu: Văn thư, NN (5b). A.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng