Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị định 159/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

Số hiệu 159/2007/NĐ-CP
Ngày ban hành 30/10/2007
Ngày có hiệu lực 24/11/2007
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 159/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 10  năm 2007

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ RỪNG, BẢO VỆ RỪNG VÀ QUẢN LÝ LÂM SẢN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nghị định này không áp dụng đối với gỗ và các lâm sản khác từ nước ngoài nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam (kể cả trường hợp lô hàng gỗ nhập khẩu hợp pháp nhưng có chênh lệch về khối lượng, số lượng khi đo, đếm).

Hành vi nhập khẩu gỗ trái quy định hiện hành của Nhà nước; lợi dụng hồ sơ nhập khẩu để khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép gỗ rừng tự nhiên trong nước phải bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này.

2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài (sau đây còn gọi là người vi phạm) có hành vi vô ý hoặc cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản chưa gây thiệt hại hoặc đã gây thiệt hại đến rừng, lâm sản, môi trường rừng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng các quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Về một số thuật ngữ được sử dụng trong Nghị định

1. Lâm sản là sản phẩm khai thác từ thực vật rừng, động vật rừng, sinh vật rừng và các bộ phận của chúng.

Gỗ nêu tại Nghị định này bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp.

2. Thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IIA; động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB, IIB là những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của Chính phủ.

3. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bao gồm:

a) Tang vật là lâm sản bị người vi phạm xâm hại.

b) Phương tiện là loại đồ vật, công cụ, phương tiện vận chuyển được người vi phạm sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép có thể là: các loại xe cơ giới đường bộ, xe mô tô, xe đạp, xe thô sơ và xe súc vật kéo; tàu thuỷ, ca-nô, bè mảng, thuyền, các phương tiện khác tham gia giao thông đường thuỷ.

4. Phương tiện bị người vi phạm hành chính chiếm đoạt trái phép là trường hợp phương tiện của chủ sở hữu hợp pháp bị người vi phạm lấy cắp, cướp, cưỡng đoạt, lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để công khai chiếm đoạt (công nhiên chiếm đoạt) hoặc các hành vi trái pháp luật khác tước đoạt quyền chiếm hữu, quản lý, sử dụng của chủ sở hữu hợp pháp phương tiện đó.

5. Tang vật, phương tiện được coi là bị người vi phạm sử dụng trái phép thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện cho cá nhân, tổ chức khác thuê, mượn hoặc thuê người khác điều khiển phương tiện đó để sử dụng vào mục đích chính đáng, nhưng người được thuê, được mượn phương tiện hoặc người được thuê điều khiển phương tiện đó đã tự ý sử dụng vào việc vận chuyển lâm sản trái phép.

b) Chủ sở hữu hợp pháp đối với phương tiện của mình hoặc cá nhân, tổ chức đang quản lý hợp pháp đối với phương tiện thuê của cá nhân, tổ chức khác giao cho người lao động của mình để quản lý, điều khiển, sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh hợp pháp nhưng người lao động đã tự ý sử dụng các phương tiện đó vào việc vận chuyển lâm sản trái phép.

6. Vi phạm có tổ chức là trường hợp có hai người trở lên cấu kết chặt chẽ với nhau, cố ý cùng thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

[...]