Nghị định 154/2004/NĐ-CP về nghi thức Nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Số hiệu 154/2004/NĐ-CP
Ngày ban hành 09/08/2004
Ngày có hiệu lực 06/09/2004
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 154/2004/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2004

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 154/2004/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 8 NĂM 2004 VỀ NGHI THỨC NHÀ NƯỚC TRONG TỔ CHỨC MÍT TINH, LỄ KỶ NIỆM; TRAO TẶNG VÀ ĐÓN NHẬN DANH HIỆU VINH DỰ NHÀ NƯỚC, HUÂN CHƯƠNG, HUY CHƯƠNG, CỜ THI ĐUA CỦA CHÍNH PHỦ, BẰNG KHEN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Để thống nhất các quy định về nghi thức Nhà nước trong việc tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm; trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghi thức Nhà nước

Nghi thức Nhà nước quy định trong Nghị định này là hình thức, thủ tục tổ chức một buổi lễ mít tinh, lễ kỷ niệm; trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là buổi lễ) nhằm đảm bảo tính thống nhất, trang trọng, tôn vinh, giáo dục, khoa học, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

Điều 2. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm; trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ phải tuân thủ hình thức, thủ tục quy định trong Nghị định này.

2. Những hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước thực hiện theo Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về nghi lễ Nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài. Các ngày lễ khác chỉ tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm vào các năm tròn 5, chẵn 10; các năm lẻ tổ chức sinh hoạt nội bộ, gọn nhẹ, thiết thực, tiết kiệm.

3. Bộ Ngoại giao hướng dẫn hình thức, thủ tục trao tặng Huân chương, Huy chương đối với tổ chức quốc tế, người nước ngoài không thuộc đối tượng quy định tại Nghị định này.

Chương 2:

KHÁCH MỜI VÀ HÌNH THỨC TỔ CHỨC BUỔI LỄ

Điều 3. Khách mời

Tùy tính chất, quy mô buổi lễ, Ban Tổ chức mời khách trong phạm vi thích hợp. Khuyến khích mời số lượng khách gọn, thiết thực, phù hợp với mục đích, yêu cầu buổi lễ; tránh phô trương, hình thức, gây lãng phí, tốn kém về thời gian, tiền bạc. Hạn chế việc mời nhiều khách từ các địa phương về Trung ương và ngược lại.

Trường hợp khách mời là các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, việc mời khách phải thông qua cơ quan cấp trên trực tiếp và thực hiện theo quy định tại Điều 12 Quy định số 60-QĐ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2003 của Bộ Chính trị về tổ chức các chuyến đi công tác cơ sở, tham dự các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm, đại hội, hội nghị và tiếp các đoàn đại biểu trong nước của các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Điều 4. Trang trí buổi lễ

Buổi lễ được tổ chức trong hội trường hoặc ngoài trời.

1. Tổ chức trong hội trường:

Sân khấu hội trường được trang trí trang trọng theo những quy định sau:

a) Quốc kỳ hoặc Quốc kỳ và cờ Đảng treo trên phông hậu hoặc trên cột cờ về phía bên trái của sân khấu; Quốc kỳ ở bên phải, cờ Đảng ở bên trái (nhìn từ phía hội trường lên).

b) Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trên bục cao phía dưới ngôi sao hoặc ở phía dưới giữa ngôi sao và hình búa liềm theo chiều thẳng đứng. Trường hợp cờ được treo trên cột thì đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh chếch phía trước bên phải cột cờ (nhìn từ phía hội trường lên).

c) Tiêu đề buổi lễ kiểu chữ chân phương trên nền phông hậu về phía bên phải sân khấu.

d) Bàn Đoàn Chủ tịch: căn cứ vào tính chất của buổi lễ, Ban Tổ chức quyết định việc bố trí bàn Đoàn Chủ tịch buổi lễ.

Bàn Đoàn Chủ tịch được bố trí ở giữa sân khấu. Tùy theo số lượng thành viên Đoàn Chủ tịch, Ban Tổ chức quyết định số hàng (cao dần về phía sau) nhưng hàng sau cùng người ngồi không được che khuất tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiêu đề buổi lễ. Đoàn Chủ tịch được bố trí ngồi theo chức vụ quan trọng từ giữa ra hai bên, từ phía trước ra phía sau.

đ) Bục diễn giả có thể bố trí trên sân khấu (phía bên phải sân khấu) hoặc phía dưới trước sân khấu tùy theo điều kiện cụ thể của hội trường. Không đặt bục diễn giả che lấp tiêu đề trên phông hậu; không đặt hoa che lấp mặt người nói; mi-crô trên bục diễn giả được đặt ngay ngắn, thuận tiện cho người nói.

[...]