Nghị định 143-CP năm 1977 Điều lệ về phạt vi cảnh do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 143-CP
Ngày ban hành 27/05/1977
Ngày có hiệu lực 31/05/1977
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Vi phạm hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 143-CP

Hà Nội, ngày 27 tháng 5  năm 1977

 

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ PHẠT VI CẢNH.

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào nghị quyết ngày 2 tháng 7 năm 1976 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ vào điều 73 của Hiến pháp năm 1959;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ. 

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo nghị định này bản Điều lệ về phạt vi cảnh. Bản điều lệ này có hiệu lực kể từ ngày công bố. 

Điều 2. – Hội đồng nhân dân các cấp, trên cơ sở và để thi hành bản Điều lệ về phạt vi cảnh có thể quy định cụ thể về những vấn đề của địa phương. Những quy định của Hội đồng người nhân dân các cấp không được trái với bản điều lệ này.

Điều 3. – Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội thương, Bộ Hải sản, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Văn hóa, Bộ Y tế và Bộ Tài chính, theo chức năng và quyền hạn của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành bản điều lệ này.

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

 

ĐIỀU LỆ

XỬ PHẠT VI CẢNH.
(ban hành kèm theo nghị định số 143-CP ngày 27-5-1977 của Hội đồng Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Mọi cơ quan Nhà nước, xí nghiệp, mọi tổ chức xã hội, mọi công dân có nghĩa vụ tuân theo các quy tắc về trật tự an toàn xã hội. Mọi người có nghĩa vụ và đều được khuyến khích góp phần vào việc xây dựng, củng cố trật tự an toàn xã hội.

Điều 2. - Những hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội mà có tính chất đơn giản, rõ ràng và hậu quả không nghiêm trọng, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức xử phạt bằng các biện pháp hành chính khác là phạm pháp vi cảnh và có thể bị xử lý bằng các hình thức sau đây:

Cảnh cáo;

Phạt tiền từ 1 đồng đến 10 đồng;

Phạt lao động công ích từ 1 ngày đến 3 ngày;

Phạt giam từ 1 ngày đến 3 ngày.

Điều 3. - Một người cùng một lúc mà phạm vào nhiều điều khoản quy định trong chương II của bản Điều lệ này, thì bị xét phạt riêng về từng hành vi, nhưng tổng hợp lại cũng không bị phạt quá mức tối đa nói trong điều 2.

Nhiều người cùng phạm vào một điều khoản quy định trong chương II của bản Điều lệ này, thì bị xét phạt riêng từng người, có phân biệt tùy theo tính chất và mức độ lỗi của mỗi người.

Điều 4. - Đối với những hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội xảy ra trong hoạt động của các cơ quan, xí nghiệp, hoặc của các tổ chức xã hội, thì phạt người có hành vi trực tiếp; nếu do lệnh của người chỉ huy, người  phụ trách thì phạt những người này.

Điều 5. - Đối với người vi phạm nhiều lần thì phạt nặng và có thể phạt tới mức tối đa về tiền, tối đa về số ngày phạt lao động công ích, hoặc tối đa về số ngày phạt giam.

Người bị phạt tiền mà có thái độ ngang bướng không chịu nộp phạt thì có thể bị chuyển sang phạt lao động công ích hoặc phạt giam; nếu bị phạt lao động công ích mà không chấp hành thì có thể bị chuyển sang phạt giam.

Điều 6. - Đối với người vi phạm dưới 14 tuổi thì giáo dục rồi báo cho cha mẹ hay người có trách nhiệm nuôi dạy biết, yêu cầu họ phải thi hành trách nhiệm quản lý và giáo dục con em họ.

Đối với người vi phạm từ 14 tuổi đến 16 tuổi thì nặng nhất là phạt tiền; đối với người vi phạm từ 16 tuổi đến 17 tuổi thì phạt như đối với người lớn. Trường hợp người vi phạm từ 14 tuổi đến 17 tuổi không có tài sản riêng, cha mẹ hay người có trách nhiệm nuôi dạy phải nộp tiền phạt thay.

Điều 7. - Người vi phạm phải sửa chữa hoặc bồi thường những thiệt hại vật chất do mình gây ra. Nếu người vi phạm thuộc các lứa tuổi nói ở điều 6 không có tài sản riêng thì cha mẹ hay người có trách nhiệm nuôi dạy phải bồi thường thay.

Việc bồi thường do hai bên thương lượng; nếu không thương lượng được thì đưa tổ hòa giải nhân dân ở cơ sở giải quyết hoặc đưa tòa án nhân dân cấp huyện phân xử.

[...]