Nghị định 139/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động về dạy nghề

Số hiệu 139/2006/NĐ-CP
Ngày ban hành 20/11/2006
Ngày có hiệu lực 11/01/2007
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 139/2006/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2006 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀUCỦA LUẬT GIÁO DỤC VÀ BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ DẠY NGHỀ

 CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dụcBộ luật Lao động về mục tiêu, chương trình dạy nghề; tổ chức, hoạt động dạy nghề; doanh nghiệp với hoạt động dạy nghề; tuyển sinh và hợp đồng học nghề; thi, kiểm tra và thẩm quyền cấp bằng, chứng chỉ nghề; chính sách đối với dạy nghề; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề.

Điều 2. Các trình độ dạy nghề

Các trình độ dạy nghề bao gồm:

1. Trình độ sơ cấp nghề;

2. Trình độ trung cấp nghề;

3. Trình độ cao đẳng nghề.

Điều 3. Xã hội hoá dạy nghề

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển dạy nghề; thực hiện đa dạng hoá các loại hình cơ sở dạy nghề và có chính sách ưu tiên đầu tư cho dạy nghề; khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư nguồn lực, tham gia phát triển dạy nghề.

Điều 4. Liên thông trong dạy nghề và liên thông giữa các trình độ dạy nghề với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân

1. Liên thông trong dạy nghề và liên thông giữa các trình độ dạy nghề với các trình độ đào tạo khác nhằm tạo điều kiện để người học được sử dụng kết quả học tập đã tích luỹ trong quá trình học tập hoặc làm việc khi chuyển sang học ngành, nghề, trình độ đào tạo, hình thức học tập khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Việc liên thông được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm cho người học không phải học lại những kiến thức, kỹ năng đã tích luỹ được trong quá trình học tập hoặc làm việc.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc thực hiện liên thông trong dạy nghề.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc thực hiện liên thông giữa các trình độ dạy nghề với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.

5. Căn cứ vào chương trình khung và quy định việc thực hiện liên thông của người có thẩm quyền quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, người đứng đầu cơ sở dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo bảo đảm liên thông; công nhận chuyển đổi kết quả học tập trong từng trường hợp cụ thể.

Chương 2:

MỤC TIÊU, CHƯƠNG TRÌNH DẠY NGHỀ  

Điều 5. Mục tiêu dạy nghề

1. Mục tiêu của dạy nghề là đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất và dịch vụ, có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có đạo đức nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, sức khỏe nhằm tạo điều kiện cho người học nghề có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

2. Dạy nghề ở từng trình độ phải bảo đảm mục tiêu quy định tại khoản 1 Điều này và mục tiêu cụ thể sau:

a) Dạy nghề trình độ sơ cấp nhằm trang bị cho người học nghề năng lực thực hành một nghề đơn giản hoặc năng lực thực hành một số công việc của một nghề;

[...]