Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị định 13-CP năm 1994 về Quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và các khu vực hàng hải ở Việt Nam

Số hiệu 13-CP
Ngày ban hành 25/02/1994
Ngày có hiệu lực 25/02/1994
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 2 năm 1994

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 13/CP NGÀY 25-2-1994 BAN HÀNH BẢN QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI TẠI CẢNG BIỂN VÀ CÁC KHU VỰC HÀNG HẢI Ở VIỆT NAM 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ Luật Hàng hải Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. - Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và các khu vực Hàng hải ở Việt Nam.

Điều 2. - Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký; các quy ước trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3. - Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

QUYCHẾ

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI TẠI CẢNG BIỂN VÀ KHU VỰC HÀNG HẢI Ở VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Nghị định số 13-CP ngày 25-2-1994 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bản quy chế này quy định việc mở cảng, mở luồng và chế độ hoạt động của tầu thuyền các loại tại cảng biển hoặc các khu vực hàng hải ở Việt Nam, nhằm bảo đảm các điều kiện an toàn hàng hải, vệ sinh - trật tự, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do tầu biển gây ra ở những nơi đó.

Cảng biển nói ở Quy chế này là các thương cảng bao gồm cả các cảng chuyên dụng, được mở ra để tàu biển ra vào hoạt động.

Điều 2. Các quy định của Quy chế này được áp dụng bắt buộc đối với mọi người, mọi phương tiện hoạt động tại các cảng biển, cơ sở sửa chữa đóng tàu biển, vùng neo đậu tránh bão, luồng dành cho tàu biển, và các khu vực hàng hải đã được Cục Hàng hải Việt Nam công bố cho phép tầu biển vào hoạt động.

Điều 3.

1. Khi hoạt động tại cảng biển hoặc các khu vực hàng hải ở Việt Nam, mọi tổ chức, cá nhân đều phải tôn trọng chủ quyền của Nhà nước Việt Nam và chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật Việt Nam về hàng hải, hải quan, an ninh - biên phòng, vệ sinh - kiểm dịch, bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hoá và các quy định có liên quan khác.

2. Các cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước tại cảng biển hoặc các khu vực hàng hải thực hiện các hoạt động nghiệp vụ theo quy định hiện hành.

Điều 4. Giám đốc Cảng vụ căn cứ Quy chế này và những điều kiện đặc thù tại khu vực thuộc phạm vi trách nhiệm để ban hành các quy định cụ thể, nhằm mục đích bảo đảm các điều kiện an toàn hàng hải, vệ sinh - trật tự, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do tầu biển gây ra, sau khi được Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chấp thuận.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ VIỆC MỞ, ĐÓNG CỬA CÁC CẢNG BIỂN VÀ LUỒNG DÀNH CHO TẦU BIỂN

Điều 5. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm công bố việc mở, đóng cửa các cảng biển và luồng dành cho tầu biển theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Điều 6.

1. Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đã được cấp giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực khai thác cảng biển tại Việt Nam đều có thể xin được mở cảng biển, sau đây được gọi chung là Chủ đầu tư.

2. Thủ tục xin mở cảng biển được tiến hành theo trình tự sau:

[...]