Nghị định 12/2005/NĐ-CP về việc tổ chức và hoạt động của Thanh tra Cơ yếu Chính phủ

Số hiệu 12/2005/NĐ-CP
Ngày ban hành 03/02/2005
Ngày có hiệu lực 02/03/2005
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 2 năm 2005

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 12/2005/NĐ-CP NGÀY 03 THÁNG 02 NĂM 2005 VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA CƠ YẾU CHÍNH PHỦ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Cơ yếu ngày 04 tháng 4 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Xét đề nghị của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí, chức năng của Thanh tra Cơ yếu Chính phủ

Thanh tra Cơ yếu Chính phủ (sau đây gọi tắt là Thanh tra Cơ yếu) là cơ quan thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ; thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước về cơ yếu theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Mục đích hoạt động của Thanh tra Cơ yếu

Hoạt động của Thanh tra Cơ yếu nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về cơ yếu; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cơ yếu, bảo đảm an toàn thông tin quốc gia và bí mật mật mã; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 3. Đối tượng của Thanh tra Cơ yếu

1. Tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Ban Cơ yếu Chính phủ.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực cơ yếu, mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.

3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có tham gia hoạt động liên quan đến mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động của Thanh tra Cơ yếu

Hoạt động của Thanh tra Cơ yếu phải tuân theo pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Chương 2:

TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA CƠ YẾU

Điều 5. Tổ chức của Thanh tra Cơ yếu

1. Thanh tra Cơ yếu được tổ chức ở Ban Cơ yếu Chính phủ. Thanh tra Cơ yếu có trách nhiệm giúp Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ (sau đây gọi tắt là Trưởng ban) quản lý nhà nước về công tác thanh tra; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về cơ yếu trong phạm vi quản lý nhà nước của Ban Cơ yếu Chính phủ và theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra Cơ yếu có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra và các Thanh tra viên.

Chánh Thanh tra Cơ yếu do Trưởng ban bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra.

Phó Chánh Thanh tra Cơ yếu do Trưởng ban bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra Cơ yếu. Phó Chánh Thanh tra được giao phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Thanh tra Cơ yếu có cấp phòng, số lượng không quá 4 phòng.

4. Thanh tra Cơ yếu có con dấu riêng.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Cơ yếu

[...]