Nghị định 119/2010/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 105/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

Số hiệu 119/2010/NĐ-CP
Ngày ban hành 30/12/2010
Ngày có hiệu lực 20/02/2011
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 119/2010/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 105/2006/NĐ-CP NGÀY 22 THÁNG 9 NĂM 2006 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005 được sửa đổi, bổ sung ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ như sau:

1. Sửa đổi Điều 1 như sau:

“Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ về việc xác định hành vi xâm phạm, tính chất và mức độ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xác định thiệt hại, yêu cầu và giải quyết yêu cầu xử lý xâm phạm, xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, giám định sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.”

2. Sửa đổi Khoản 1 Điều 14 như sau:

Điều 14. Yếu tố xâm phạm quyền đối với giống cây trồng

1. Yếu tố xâm phạm quyền đối với giống cây trồng có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

a) Sử dụng vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ để thực hiện các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 186 của Luật Sở hữu trí tuệ mà không được phép của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng;

b) Sử dụng vật liệu nhân giống của các giống cây trồng quy định tại Điều 187 của Luật Sở hữu trí tuệ;

c) Sử dụng tên của một giống cây trồng cùng loài hoặc loài gần với loài của giống được bảo hộ mà tên này trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên của giống cây trồng được bảo hộ;

d) Quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này cũng áp dụng đối với vật liệu thu hoạch nếu chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng chưa có Điều kiện hợp lý để thực hiện quyền của mình đối với vật liệu nhân giống của cùng giống đó.”

3. Sửa đổi Khoản 1 Điều 23 như sau:

“Điều 23. Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm

1. Người yêu cầu xử lý xâm phạm phải gửi kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm các tài liệu, chứng cứ sau đây để chứng minh yêu cầu của mình:

a) Chứng cứ chứng minh là chủ thể quyền nếu người yêu cầu là chủ sở hữu hoặc người được chuyển giao, được thừa kế, kế thừa quyền sở hữu trí tuệ;

b) Chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm đã xảy ra; chứng cứ nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan;

c) Các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh yêu cầu của mình.”

4. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 2 Điều 24 như sau:

Điều 24. Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền

1. Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng, quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng đã được đăng ký, chứng cứ chứng minh chủ thể quyền là một trong các loại tài sản sau đây:

a) Bản sao Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, Bằng bảo hộ giống cây trồng, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan nộp kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định;

[...]