CHÍNH
PHỦ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
105/2007/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2007
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ HOẠT ĐỘNG IN CÁC SẢN PHẨM KHÔNG PHẢI LÀ XUẤT BẢN PHẨM
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin,
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định về hoạt
động in (bao gồm chế bản in, in, gia công sau in) và hoạt động photocopy nhằm mục
đích kinh doanh.
2. Nghị định này áp dụng đối với
tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện một trong
các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp Điều ước quốc tế mà nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.
Điều 2. Cơ
sở in và sản phẩm in
1. Cơ sở in quy định tại Nghị
định này là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động in hoặc hoạt động photocopy
quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
Bộ phận sắp chữ, in và
photocopy để nhân bản công văn, giấy tờ và tài liệu nội bộ của cơ quan, tổ chức
không nhằm mục đích kinh doanh thì không phải là cơ sở in, nhưng người đứng đầu
cơ quan, tổ chức đó chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của bộ phận này theo quy
định của pháp luật.
2. Sản phẩm in quy định
tại Nghị định này được sản xuất bằng các thiết bị ngành in trên các loại vật liệu
khác nhau, không bao gồm: xuất bản phẩm, tiền, giấy tờ có giá, hoá đơn tài
chính, séc.
Điều 3.
Chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hoạt động in
Chính sách của Nhà nước khuyến
khích, hỗ trợ phát triển hoạt động in bao gồm:
1. Hỗ trợ đầu tư ứng dụng công
nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực in; hỗ trợ đầu tư cho cơ sở in phục vụ
nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và cơ sở in trên địa bàn thuộc diện ưu
tiên đầu tư của Nhà nước.
2. Hỗ trợ kinh phí cho việc đào
tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước cho đội ngũ
kỹ sư công nghệ in, cán bộ quản lý cơ sở in.
Điều 4. Những
hành vi bị cấm trong hoạt động in
1. Hoạt động in sản phẩm báo
chí, tem chống giả quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định này mà không có
Giấy phép hoạt động in.
2. Hoạt động in các sản phẩm mà
không có đủ các điều kiện nhận in quy định tại Điều 9 Nghị định này; in vượt
quá số lượng sản phẩm ghi trong hợp đồng in.
3. Hoạt động in, hoạt động
photocopy trái phép tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật công tác
theo quy định của pháp luật.
4. Hoạt động in, hoạt động
photocopy các sản phẩm mà pháp luật Việt Nam
cấm lưu hành.
5. Thêm, bớt, sửa chữa trái phép
bản mẫu đặt in; chuyển nhượng, sửa chữa, tẩy xoá trái phép các loại giấy phép
trong hoạt động in.
Chương 2:
HOẠT ĐỘNG IN
Điều 5. Điều
kiện hoạt động in
1. Hoạt động in là hoạt động sản
xuất, kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân hoạt động in phải có Giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số
08/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an
ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
2. Sau khi được
cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu
cơ sở in tham gia in sản phẩm là vàng mã, phải đăng ký loại vàng mã dự định in
với Sở Văn hoá - Thông tin sở tại.
3. Ngoài các
quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở in còn phải bảo đảm các điều kiện sau:
a) Phải có Giấy phép hoạt động
in khi tham gia hoạt động in sản phẩm báo chí, tem chống giả;
b) Phải có văn
bản thỏa thuận của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có thẩm quyền khi tham
gia in các sản phẩm: Chứng minh thư; hộ chiếu; văn bằng, chứng chỉ của hệ thống
giáo dục quốc dân;
c) Giám đốc hoặc chủ sở hữu cơ sở
in phải là công dân Việt Nam,
có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Việt Nam
khi cơ sở in tham gia in các sản phẩm quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều này .
Điều 6. Hồ
sơ xin cấp Giấy phép hoạt động in
1. Cơ sở in tham gia in sản phẩm
báo chí, tem chống giả phải có hồ sơ xin cấp Giấy phép hoạt động in gửi cơ quan
quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này.
2. Hồ
sơ xin cấp Giấy phép hoạt động in, gồm có:
a) Đơn xin cấp Giấy phép hoạt động
in ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức xin cấp Giấy phép hoạt động in; địa
chỉ cơ sở in; mục đích, sản phẩm chủ yếu;
b) Sơ yếu
lý lịch của giám đốc hoặc chủ sở hữu kèm theo bản sao có công chứng các văn bằng,
chứng chỉ (nếu có);
c) Tài liệu chứng minh về việc
có mặt bằng sản xuất; danh mục thiết bị in chính;
d) Bản sao
có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập cơ sở
in của cơ quan chủ quản;
đ) Bản cam kết thực hiện các điều
kiện về an ninh, trật tự có xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền.
Điều 7. Thẩm
quyền cấp Giấy phép hoạt động in
1. Cục Xuất bản
chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin
cấp Giấy phép hoạt động in đối với các cơ sở in của cơ quan, tổ chức thuộc
Trung ương.
Sở Văn hóa -
Thông tin chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) cấp Giấy
phép hoạt động in đối với các cơ sở in của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc địa
phương.
2. Trong thời hạn 7 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in có thẩm
quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp Giấy phép hoạt động in; trường hợp
không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
Điều 8. Bổ
sung chức năng hoạt động in
Cơ sở in đã có Giấy phép hoạt động
in xuất bản phẩm muốn bổ sung chức năng in sản phẩm khác quy định tại điểm a khoản
3 Điều 5 Nghị định này thì chỉ cần gửi công văn xin đổi Giấy phép hoạt động in,
kèm theo giấy phép hoạt động in đã được cấp đến cơ quan quản lý nhà nước về hoạt
động in đã cấp giấy phép đó.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận được công văn xin đổi Giấy phép hoạt động in của cơ sở in, cơ
quan quản lý nhà nước về hoạt động in có thẩm quyền phải cấp đổi Giấy phép hoạt
động in; trường hợp không cấp đổi giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
Điều 9. Điều
kiện nhận in
Các cơ sở hoạt động in chỉ được
nhận in khi bên đặt in có đủ các điều kiện sau:
1. Đối với sản
phẩm báo chí phải có Giấy phép hoạt động báo chí do Bộ
Văn hoá - Thông tin cấp (xuất trình một lần bản gốc và lưu bản sao tại cơ sở
in).
2. Đối với sản phẩm tem chống giả
và các sản phẩm in quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này thì phải có
bản mẫu do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
3. Đối với nhãn hàng hoá và bao
bì phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đúng ngành hàng, giấy giới thiệu
của cơ sở sản xuất đứng tên trên nhãn hàng hoá hoặc bao bì. Bản mẫu đưa in phải
có chữ ký của người đứng đầu và dấu của cơ sở sản xuất đứng tên đặt in.
Riêng đối với nhãn hàng hoá là
hoá dược, thuốc chữa bệnh còn phải có số đăng ký do Bộ Y tế (Cục Quản lý dược
Việt Nam)
hoặc Sở Y tế cấp theo thẩm quyền.
4. Các sản phẩm đặt in phải có hợp
đồng kinh tế theo quy định của pháp luật.
Điều 10.
In gia công cho nước ngoài
1. Cơ sở in được
nước ngoài đặt in gia công các sản phẩm của nước ngoài, gồm: vàng mã, báo chí,
sổ tiết kiệm, hộ chiếu, chứng minh thư, văn bằng chứng chỉ, tem chống giả phải
có hồ sơ xin cấp Giấy phép in gia công cho nước ngoài gửi cơ quan quản lý nhà
nước về hoạt động in có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này. Hồ sơ gồm:
a) Đơn xin cấp Giấy phép in
gia công cho nước ngoài ghi tên cơ sở in; tên, quốc tịch của tổ chức, cá nhân
nước ngoài đặt in; tên sản phẩm đặt in gia công; số lượng in; cửa khẩu xuất;
b) 02 (hai) bản sao mẫu sản phẩm
đặt in;
c) Bản sao có công chứng Giấy
phép hoạt động in hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Cục Xuất bản
chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin
cấp Giấy phép in gia công cho nước ngoài đối với các cơ sở in của cơ quan, tổ
chức thuộc Trung ương;
Sở Văn hoá -
Thông tin chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy
phép in gia công cho nước ngoài đối với các cơ sở in của cơ quan, tổ chức, cá
nhân thuộc địa phương.
3. Trong thời
hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Xuất bản hoặc Sở Văn hoá - Thông tin phải cấp giấy phép; trường hợp không
cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
Điều 11.
Nhập khẩu thiết bị ngành in
1. Việc nhập
khẩu thiết bị ngành in không phải xin phép, trừ máy photocopy màu. Cơ quan, tổ
chức có nhu cầu nhập khẩu máy photocopy màu phải có hồ sơ xin cấp Giấy phép nhập
khẩu gửi Cục Xuất bản (Bộ Văn hóa - Thông tin).
2. Hồ sơ xin cấp Giấy phép nhập
khẩu máy photocopy màu, gồm:
a) Công văn xin nhập khẩu ghi rõ
tên cơ quan, tổ chức, mục đích sử dụng và tên, ký hiệu của máy;
b) Bản sao quyết định thành lập
hoặc giấy tờ xác nhận tư cách pháp nhân của cơ quan, tổ chức xin nhập khẩu;
c) Ca-ta-lô của máy;
d) Quy chế quản lý và sử dụng
máy của cơ quan, tổ chức.
3. Trong thời
hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Xuất bản phải cấp giấy
phép; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
Điều 12.
Đăng ký thiết bị ngành in
1. Cơ quan, tổ
chức sử dụng thiết bị ngành in là máy photocopy màu phải đăng ký với Sở Văn hóa - Thông tin sở tại.
2. Khi thay đổi
chủ sở hữu thiết bị đã đăng ký, cơ quan, tổ chức tiếp nhận thiết bị phải đăng
ký lại với Sở Văn hóa - Thông tin sở tại.
3. Khi thanh lý thiết bị đã đăng
ký, cơ quan, tổ chức phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan quản lý đã đăng ký
thiết bị đó.
Điều
13. Trách nhiệm của cơ sở in khi có thay đổi trong quá trình hoạt động in
1. Đối với cơ sở in phải xin cấp
Giấy phép hoạt động in:
a) Khi thay đổi cơ quan chủ quản,
chia tách hoặc sáp nhập, thay đổi tên gọi, trụ sở thì cơ sở in phải làm thủ tục
đổi Giấy phép hoạt động in theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định này;
b) Khi thay đổi Giám đốc hoặc chủ
sở hữu thì trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày thay đổi, cơ sở in phải gửi
bổ sung hồ sơ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định này cho cơ quan cấp
Giấy phép hoạt động in.
2. Đối với cơ sở in không thuộc
loại phải xin cấp Giấy phép hoạt động in, khi có sự thay đổi trong quá trình hoạt
động in như quy định tại khoản 1 Điều này thì thực hiện theo quy định của Luật
Doanh nghiệp.
3. Khi tuyên bố phá sản, giải thể
thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày tuyên bố phá sản, giải thể cơ sở in phải nộp
lại Giấy phép hoạt động in cho cơ quan quản lý nhà nước đã cấp giấy phép đó.
Chương 3:
QUẢN
LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG IN
Điều 14.
Quản lý nhà nước về hoạt động
in
1. Bộ Văn hóa - Thông tin chịu trách nhiệm thống nhất quản lý
nhà nước về hoạt động in trong cả nước.
Cục Xuất bản giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động
in trong cả nước.
2. Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động in tại địa phương.
Sở Văn hóa - Thông tin giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động in tại địa phương.
Điều 15.
Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động in
1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch
phát triển ngành in.
2. Xây dựng văn bản quy phạm
pháp luật, chính sách về hoạt động in trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc
ban hành theo thẩm quyền.
3. Cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động
in.
4. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên
môn, nghiệp vụ về hoạt động in.
5. Quản lý công tác nghiên cứu
khoa học và ứng dụng công nghệ trong hoạt động in.
6. Quản lý hợp tác quốc tế trong
hoạt động in.
7. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết
khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động in.
8. Thực hiện công tác khen thưởng,
kỷ luật trong hoạt động in.
Điều 16. Chế
độ báo cáo
Cơ sở in có trách nhiệm báo cáo
về hoạt động của mình khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Điều 17.
Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động
in có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức
độ vi phạm mà bị đình chỉ in sản phẩm đang in, tạm đình chỉ hoạt động in, thu hồi
Giấy phép hoạt động in, bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu
trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của
pháp luật.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18.
Cấp lại Giấy phép hoạt động in
Cơ sở in thuộc loại phải xin cấp
Giấy phép hoạt động in quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định này đã
thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải làm thủ tục
xin cấp lại Giấy phép hoạt động in.
Điều 19.
Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 20.
Trách nhiệm thi hành
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này.
2. Bộ trưởng
Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn thi hành Nghị định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về phòng,
chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, VX.
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|