Nghị định 104-LĐNĐ năm 1958 về phân cấp quản lý cho các Uỷ ban Hành chính khu, thành phố và tỉnh được quy định và lãnh đạo các mức tiền công ở địa phương do Bộ trưởng Bộ Lao Động ban hành.

Số hiệu 104-LĐNĐ
Ngày ban hành 31/12/1958
Ngày có hiệu lực 15/01/1959
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Văn Tạo
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 104-LĐNĐ

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1958 

 

NGHỊ ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ CHO CÁC UỶ BAN HÀNH CHÍNH KHU, THÀNH PHỐ VÀ TỈNH ĐƯỢC QUY ĐỊNH VÀ LÃNH ĐẠO CÁC MỨC TIỀN CÔNG Ở ĐỊA PHƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Căn cứ Nghị định số 182-TTg ngày 07 tháng 4 năm 1958 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc cải tiến chế độ tiền lương cho khu vực sản xuất;
Căn cứ Nghị định số 215-TTg ngày 26 tháng 4 năm 1958 của Thủ tướng Chính phủ quy định Bộ Lao động ban hành chế độ lao động áp dụng cho các công trình kiến thiết cơ bản;
Xét đặc điểm của từng địa phương về việc sử dụng nhân lực, tiền công và giá cả sinh hoạt có khó khăn,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: - Nay phân cấp quản lý cho Uỷ ban hành chính các Khu Tự trị Thái-Mèo, Khu Tự trị Việt bắc, Khu Hồng quảng, các thành phố Hà nội, Hải phòng và các tỉnh, được quy định và lãnh đạo các mức tiền công ở địa phương để áp dụng loại cho công nhân và lao động làm việc tạm thời hoặc theo thời vụ, công nhân bốc vác và vận chuyển tự do, công nhân, viên chức làm việc tại các xí nghiệp tư nhân.

Điều 2: - Để quản  lý giá tiền công đối với các loại công nhân lao động nói ở điều 1 được tốt, nhằm khuyến khích mọi người phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế, đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định được đầy đủ, nay thành lập ở các địa phương nói ở điều 1, một Hội đồng tiền công đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Uỷ ban hành chính địa phương.

Điều 3: - Thành phần Hội đồng tiền công có:

- 1 Uỷ viên Uỷ ban Hành chính khu, thành phố hoặc tỉnh làm Chủ tịch.

- Giám đốc Sở hoặc Trưởng ty, Trưởng phòng lao động làm uỷ viên thường trực, và một số Uỷ viên khác do Uỷ ban Hành chính địa phương chỉ định trong số các ông Thủ trưởng cơ quan của các ngành.

Điều 4: - Nhiệm vụ của Hội đồng tiền công:

a) Dựa vào tình hình sản xuất, giá cả sinh hoạt, tình hình nhân công của địa phương; dựa vào các chế độ tiền lương và chế độ lao động hiện hành, nghiên cứu vận dụng cho thích hợp với các loại công nhân, lao động làm việc tạm thời và theo thời vụ của các xí nghiệp, công, nông, lâm trường, cửa hàng v.v…

b) Nghiên cứu và đề nghị các mức thu nhập và giá cước làm khoán của công nhân bốc vác, vận chuyển và mức thu nhập của công nhân, viên chức làm việc ở các cơ sở tư doanh và công tư hợp doanh.

c) Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định về chế độ tiền lương và các chế độ lao động khác của Nhà nước ở các đơn vị trong địa phương; thường kỳ có sinh hoạt để kiểm điểm tình hình nhân công, giá cả và tiền công, bảo đảm nhu cầu sản xuất và kiến thiết, đồng thời bảo đảm quan hệ hợp lý giữa tiền công và sinh hoạt của địa phương, đề xuất chủ trương hoặc biện pháp giải quyết, đồng thời lập báo cáo gửi lên Thủ trưởng và Bộ Lao động.

Điều 5: - Tùy theo đặc điểm từng nơi, mức tiền công của địa phương áp dụng theo các loại công nhân, lao động làm việc tạm thời và theo thời vụ so với mức lương công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước cùng loại nghề và năng lực tương đương có thể bằng nhau, hoặc thấp hơn từ 1% đến 10%,; hoặc cao hơn từ 1% đến 10%, thì Uỷ ban hành chính có quyền quyết định để thi hành và báo cáo lên Bộ Lao động biết.

Nếu các mức lương của địa phương cao hoặc thấp hơn 10% so với tiền lương công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước thì Uỷ ban hành chính cần thỉnh thị Bộ Lao động cho ý kiến trước khi quyết định thi hành.

Điều 6: - Những chi tiết thi hành Nghị định này sẽ do một thông tư nói rõ thêm.

Điều 7: - Các ông Chủ tịch Uỷ ban hành chính Khu Tư trị, thành phố và các tỉnh, các ông Chánh văn phòng và Giám đốc phụ trách tiền lương Bộ Lao động chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
 
 


Nguyễn Văn Tạo