Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư liên tịch 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT
Ngày ban hành 21/05/2012
Ngày có hiệu lực 04/07/2012
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,Bộ Y tế
Người ký Bùi Hồng Lĩnh,Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI – BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT

Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2012

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC KHAI BÁO, ĐIỀU TRA, THỐNG KÊ VÀ BÁO CÁO TAI NẠN LAO ĐỘNG

Căn cứ Bộ luật lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động và Nghị định số 110/2002/NÐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế và Nghị định số 22/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2010 sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ;

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động của các bên có liên quan ở trong nước và ở nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động (sau đây gọi tắt là cơ sở):

1. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (trừ các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang);

2. Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu tại các công trình ở nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại các công trình đó;

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế có sử dụng lao động hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc Thoả thuận quốc tế mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ký kết có quy định khác.

Điều 3. Tai nạn lao động

1.Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, bao gồm:

a) Tai nạn lao động xảy ra trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

b) Tai nạn lao động xảy ra trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ khác theo sự phân công của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động uỷ quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở cho phép (nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, cho con bú, tắm rửa, đi vệ sinh).

2. Những trường hợp tai nạn được coi là tai nạn lao động xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý, bao gồm:

a) Tai nạn xảy ra đối với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở;

b) Tai nạn xảy ra cho người lao động Việt Nam trong khi thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài do người sử dụng lao động giao (tham dự hội nghị, hội thảo, học tập ngắn hạn, nghiên cứu thực tế).

Điều 4. Phân loại tai nạn lao động

1. Tai nạn lao động chết người là tai nạn mà người bị nạn chết ngay tại nơi xảy ra tai nạn hoặc chết trên đường đi cấp cứu; chết trong thời gian cấp cứu; chết trong thời gian đang điều trị; chết do tái phát của chính vết thương do tai nạn lao động gây ra (theo kết luận tại biên bản khám nghiệm pháp y).

2. Tai nạn lao động nặng là tai nạn mà người bị nạn bị ít nhất một trong những chấn thương được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Tai nạn lao động nhẹ là tai nạn mà người bị nạn không thuộc quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 5. Khai báo tai nạn lao động

1. Khi xảy ra tai nạn đối với người lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi quản lý của cơ sở hoặc khi thực hiện công việc, nhiệm vụ khác theo sự phân công của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động uỷ quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc (người lao động, người quản lý) phải báo ngay cho người sử dụng lao động biết.

[...]