Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị quyết 301-NQ/UBTVQH về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 301-NQ/UBTVQH
Ngày ban hành 25/06/1996
Ngày có hiệu lực 10/07/1996
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 301-NQ/UBTVQH

Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 1996

 
 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ vào Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Điều 12 của Luật tổ chức Quốc hội;
Căn cứ vào Tờ trình của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và ý kiến của các thành viên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

1- Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

2- Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ bảo đảm thực hiện Quy chế này.

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi);
Căn cứ vào Pháp lệnh về giám sát và hướng dẫn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân;
Căn cứ vào Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở mỗi cấp;
Quy chế này quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

Chương 1:

ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Điều 1. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật, chính sách và tham gia vào việc quản lý nhà nước.

Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ tham dự đầy đủ các kỳ họp Hội đồng nhân dân, chấp hành nội quy kỳ họp. Đại biểu nào không tham dự được kỳ họp phải có lý do, ở Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), ở Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) thì thông qua Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, ở Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) thì báo cáo với Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

Đại biểu Hội đồng nhân có nhiệm vụ tham dự các phiên họp của Hội đồng nhân dân, các buổi thảo luận ở Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, các cuộc họp của Ban của Hội đồng nhân dân mà đại biểu là thành viên, tham gia các hoạt động khác của Hội đồng nhân dân. Đại biểu nào không tham dự được phải có lý do và phải báo cáo với Chủ toạ.

Điều 2.

1- Khi nhận được thông báo dự kiến về thời gian họp và chương trình kỳ họp do Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, ở cấp xã thì do Chủ tịch Hội đồng nhân dân gửi đến, đại biểu Hội đồng nhân dân phải nghiên cứu tài liệu, tiếp xúc cử tri, tham gia các hoạt động của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân chuẩn bị cho kỳ họp Hội đồng nhân dân.

2- Trong kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm:

a) Tham gia thảo luận và quyết định chương trình làm việc của kỳ họp Hội đồng nhân dân;

b) Thảo luận tại phiên họp toàn thể và thảo luận ở Tổ đại biểu về các vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp;

c) Biểu quyết thông qua những vấn đề thuộc nội dung chương trình kỳ họp.

Ý kiến phát biểu của đại biểu Hội đồng nhân dân phải được ghi vào biên bản của kỳ họp.

Điều 3.

1- Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người bị chất vấn và nội dung chất vấn. Người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời về những vấn đề mà đại biểu chất vấn.

2- Trong thời gian Hội đồng nhân dân họp, việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo trình tự sau đây:

a) Đại biểu Hội đồng nhân dân gửi chất vấn đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, ở cấp xã thì gửi đến Chủ tịch Hội đồng nhân dân;

b) Thường trực Hội đồng nhân dân, ở cấp xã thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyển chất vấn đến cơ quan hoặc người bị chất vấn;

c) Cơ quan hoặc người bị chất vấn trả lời trước Hội đồng nhân dân những vấn đề mà đại biểu chất vấn.

Nội dung trả lời chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, nêu rõ đúng, sai và đề ra biện pháp khắc phục.

[...]