Luật Đất đai 2024

Luật Điện ảnh 2022

Số hiệu 05/2022/QH15
Cơ quan ban hành Quốc hội
Ngày ban hành 15/06/2022
Ngày công báo Đã biết
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội
Loại văn bản Luật
Người ký Vương Đình Huệ
Ngày có hiệu lực Đã biết
Số công báo Đã biết
Tình trạng Đã biết

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 05/2022/QH15

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2022

LUẬT

ĐIỆN ẢNH

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Điện ảnh.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam và ở nước ngoài.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điện ảnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Điện ảnh là ngành nghệ thuật tổng hợp, áp dụng công nghệ nghe nhìn và các thủ pháp sáng tác để sản xuất phim.

2. Phim là tác phẩm điện ảnh, có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh; được ghi trên các chất liệu, bằng kỹ thuật số hoặc phương tiện kỹ thuật khác và được phổ biến đến người xem, bao gồm các loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và phim kết hợp nhiều loại hình.

Phim không bao gồm sản phẩm ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; sản phẩm ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.

3. Hoạt động điện ảnh bao gồm sản xuất phim, phát hành phim, phổ biến phim, quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh, lưu chiểu, lưu trữ phim, đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh.

4. Công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, sử dụng tài năng nghệ thuật, tiềm năng văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra tác phẩm điện ảnh và dịch vụ điện ảnh.

5. Cơ sở điện ảnh là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác do tổ chức, cá nhân thành lập, thực hiện hoạt động điện ảnh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Sản xuất phim là quá trình tạo ra một bộ phim từ xây dựng kịch bản phim đến khi hoàn thành phim.

7. Phát hành phim là việc trao đổi, mua, bán, cho thuê, xuất khẩu, nhập khẩu phim.

8. Phổ biến phim là việc đưa phim đến người xem thông qua các hình thức chiếu phim trong rạp chiếu phim, tại địa điểm chiếu phim công cộng, tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam, trên hệ thống truyền hình, không gian mạng và phương tiện nghe nhìn khác.

9. Phân loại phim là việc thẩm định nội dung phim, xếp loại phim để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến.

10. Kịch bản phim là toàn bộ nội dung phim thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác trên các chất liệu, bằng kỹ thuật số hoặc phương tiện kỹ thuật khác.

11. Chủ sở hữu phim là tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất, kỹ thuật để sản xuất phim, mua quyền sở hữu phim hoặc được tặng cho, thừa kế quyền sở hữu phim và hình thức khác theo quy định của pháp luật.

12. Phim Việt Nam là phim đã được phép phổ biến tại Việt Nam theo quy định của Luật này và có ít nhất hai trong ba yếu tố sau: đạo diễn có quốc tịch Việt Nam, có cơ sở điện ảnh Việt Nam tham gia sản xuất phim, có chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân Việt Nam.

13. Cung cấp dịch vụ sản xuất phim là hoạt động cung cấp phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, bối cảnh, nhân lực và hoạt động khác liên quan đến sản xuất phim.

14. Trường quay là nơi để thực hiện cảnh quay đáp ứng điều kiện về không gian, trang thiết bị kỹ thuật để dựng bối cảnh phù hợp với việc sản xuất phim, bao gồm trường quay trong nhà và trường quay ngoài trời.

15. Địa điểm chiếu phim công cộng là nhà hát, nhà văn hóa, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa, câu lạc bộ, cơ sở cung cấp dịch vụ lưu trú, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, vũ trường, cửa hàng, cửa hiệu, sân vận động, nhà thi đấu thể thao, quảng trường, phương tiện vận tải hành khách công cộng và phương tiện, địa điểm công cộng khác có tổ chức chiếu phim.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động điện ảnh

1. Xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của Nhân dân và hội nhập quốc tế.

2. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm tính nhân văn, thẩm mỹ và giải trí.

3. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do sáng tạo trong khuôn khổ của pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh.

4. Bảo đảm sự bình đẳng, cạnh tranh công bằng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh.

5. Phát triển công nghiệp điện ảnh phù hợp quy luật thị trường và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội đầu tư, hỗ trợ cho điện ảnh, ưu tiên vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn.

7. Tuân thủ quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp và có trách nhiệm xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh

1. Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

2. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:

a) Sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam;

b) Sáng tác kịch bản phim, phát hành, phổ biến phim, cung cấp kinh phí tổ chức, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phổ biến phim phục vụ vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn; phục vụ trẻ em, lực lượng vũ trang và nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại, giáo dục khác;

c) Tổ chức liên hoan phim quốc gia, liên hoan phim quốc tế, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam; giải thưởng phim và cuộc thi phim cấp quốc gia, quốc tế; liên hoan phim, chương trình phim, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài;

d) Nhận chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kịch bản phim, phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao để tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu, lưu trữ và phục vụ nhiệm vụ chính trị; biên tập, dịch, làm phụ đề phim để phục vụ hoạt động giới thiệu đất nước, con người Việt Nam;

đ) Phát triển hoạt động lý luận, phê bình điện ảnh; tuyên truyền, giới thiệu, định hướng thẩm mỹ điện ảnh;

e) Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động điện ảnh;

g) Xây dựng và quảng bá thương hiệu điện ảnh quốc gia;

h) Xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất - kỹ thuật, trường quay phục vụ sản xuất, phát hành, phổ biến, lưu chiểu và lưu trữ phim;

i) Xây dựng hệ thống hạ tầng thống kê, cơ sở dữ liệu ngành điện ảnh.

3. Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật.

4. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này và các hoạt động sau đây:

a) Sản xuất, phát hành và phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật số để phát triển điện ảnh;

b) Cung cấp dịch vụ tài chính, tín dụng, bảo lãnh, thế chấp quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm bảo hiểm để phát triển điện ảnh;

c) Tài trợ, hiến tặng cho hoạt động điện ảnh và quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh do tổ chức, cá nhân thành lập.

5. Chính phủ quy định chi tiết điểm d và điểm e khoản 2 Điều này.

Điều 6. Phát triển nguồn nhân lực điện ảnh

1. Nhà nước có chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển tài năng điện ảnh, ưu tiên hỗ trợ tài năng trẻ; đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực điện ảnh.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư, xây dựng một số cơ sở đào tạo, ngành đào tạo về điện ảnh đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ các cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật đào tạo chuyên ngành hoặc liên kết đào tạo điện ảnh ở trong nước và nước ngoài.

3. Nhà nước khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nguồn nhân lực điện ảnh phục vụ sản xuất, phát hành, phổ biến phim thông qua triển khai các chương trình, dự án của Nhà nước và hợp tác với nước ngoài; kết hợp đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh với nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ.

Điều 7. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh

Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội có trách nhiệm sau đây:

1. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật;

2. Tham gia xây dựng, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về điện ảnh;

3. Tham gia xúc tiến, quảng bá, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về điện ảnh; xây dựng môi trường hoạt động nghề nghiệp và kinh doanh lành mạnh cho hội viên; huy động các nguồn lực xã hội để triển khai hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật;

4. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp; vận động hội viên, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh thực hiện đúng quy định của pháp luật;

5. Phát hiện và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về điện ảnh.

Điều 8. Hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác đầu tư với cơ sở điện ảnh Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim theo quy định của pháp luật về đầu tư dưới hình thức sau đây:

a) Thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, trong đó, phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51 % vốn điều lệ;

b) Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

2. Nhà văn hóa, đơn vị chiếu phim, câu lạc bộ và hiệp hội chiếu phim công cộng, đội chiếu phim lưu động của Việt Nam không được phép tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

Điều 9. Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh

1. Nghiêm cấm hoạt động điện ảnh có nội dung sau đây:

a) Vi phạm Hiến pháp, pháp luật; kích động chống đối hoặc phá hoại việc thi hành Hiến pháp, pháp luật;

b) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, giá trị văn hóa Việt Nam; xúc phạm Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, Quốc ca;

c) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù, kì thị giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng phản động, tệ nạn xã hội; phá hoại văn hóa, đạo đức xã hội;

d) Xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

đ) Truyền bá, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan;

e) Kích động, xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; tuyên truyền, cổ súy cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bất hợp pháp;

g) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;

h) Kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, trừ trường hợp thể hiện các nội dung đó để phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, tôn vinh giá trị truyền thống, văn hóa;

i) Thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân;

k) Vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên;

l) Vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới, định kiến giới, phân biệt đối xử về giới.

2. Nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:

a) Phát hành, phổ biến phim trong rạp chiếu phim, trên hệ thống truyền hình và địa điểm chiếu phim công cộng mà không có Giấy phép phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh (sau đây gọi là Giấy phép phân loại phim) hoặc Quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình (sau đây gọi là Quyết định phát sóng);

b) Phổ biến phim trên không gian mạng mà không phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định của Luật này;

c) Thay đổi, làm sai lệch nội dung phim và kết quả phân loại phim đối với phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng;

d) Sản xuất, phát hành, phổ biến phim, lưu chiểu, lưu trữ phim không tuân thủ quy định của Luật này, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Phát hành, phổ biến phim đã có quyết định thu hồi Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng;

e) Sao chép phim khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu phim, trừ trường hợp Luật sở hữu trí tuệ có quy định khác;

g) Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng;

h) Thẩm định, cấp Giấy phép phân loại phim trái quy định của pháp luật.

Chương II

SẢN XUẤT PHIM

Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh sản xuất phim

1. Quyền của cơ sở điện ảnh sản xuất phim bao gồm:

a) Sản xuất, hợp tác sản xuất phim; cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

b) Tham gia sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước;

c) Tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim.

2. Nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh sản xuất phim bao gồm:

a) Bảo đảm sản xuất phim theo nội dung đã đăng ký kinh doanh, chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc được phê duyệt;

b) Thực hiện nội dung văn bản thẩm định kịch bản đối với phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước;

c) Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, y tế, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa và các vấn đề khác có liên quan theo quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất phim;

d) Gửi văn bản cam kết không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong trường hợp hợp tác sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài, nhận tài trợ từ tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất phim;

đ) Tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của nhà sản xuất phim, biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên và thành viên khác trong đoàn làm phim

1. Quyền của nhà sản xuất phim, biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên và thành viên khác trong đoàn làm phim bao gồm:

a) Sáng tạo nghệ thuật trong khuôn khổ của pháp luật;

b) Hưởng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ;

c) Được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến hoạt động điện ảnh.

2. Nghĩa vụ của nhà sản xuất phim, biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên và thành viên khác trong đoàn làm phim bao gồm:

a) Tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Thực hiện hợp đồng với cơ sở điện ảnh sản xuất phim trên cơ sở thỏa thuận và không trái quy định của pháp luật;

c) Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Điều 12. Hoạt động của trường quay

1. Tổ chức quản lý, điều hành hoặc hợp tác liên doanh, liên kết sản xuất phim.

2. Cung cấp dịch vụ sản xuất phim và dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất phim tại Việt Nam phải sử dụng dịch vụ sản xuất phim do cơ sở điện ảnh Việt Nam cung cấp.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ sản xuất phim với cơ sở điện ảnh Việt Nam;

b) Các phim sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này;

c) Trường hợp sử dụng dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam.

3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;

b) Kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt;

c) Văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài;

d) Văn bản cam kết không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này của tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam.

4. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam hoặc cơ sở điện ảnh Việt Nam cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài nộp 01 bộ hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện cấp Giấy phép; trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp kịch bản phải sửa nội dung do vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan hoặc hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thông tin theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được kịch bản đã sửa nội dung hoặc hồ sơ đã sửa đổi, bổ sung đầy đủ thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện cấp Giấy phép.

5. Trường hợp thay đổi nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều này sau khi đã được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc cơ sở điện ảnh Việt Nam phải thực hiện đề nghị cấp lại Giấy phép theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 4 Điều này; trừ trường hợp thay đổi nội dung quy định tại điểm a và điểm c khoản 3 Điều này thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện cấp Giấy phép.

6. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thu hồi Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam trong những trường hợp sau đây:

a) Vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này trong quá trình sản xuất phim:

b) Thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép là giả mạo;

c) Không thực hiện đúng nội dung Giấy phép.

Điều 14. Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước

1. Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước để phục vụ nhiệm vụ chính trị quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 của Luật này được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.

2. Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước là Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim;

b) Thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản, Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

4. Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước được huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để sản xuất phim.

5. Quyền sở hữu phim, quyền sở hữu trí tuệ đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều này.

Chương III

PHÁT HÀNH PHIM

Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phát hành phim

1. Quyền của cơ sở điện ảnh phát hành phim bao gồm:

a) Phát hành phim tại Việt Nam và nước ngoài;

b) Trao đổi, mua, bán, cho thuê, xuất khẩu, nhập khẩu phim theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phát hành phim bao gồm:

a) Bảo đảm phát hành phim theo nội dung đã đăng ký kinh doanh, chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc được phê duyệt;

b) Bảo đảm phim phát hành tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim phát hành.

Điều 16. Trao đổi, mua, bán, cho thuê phim

Tổ chức, cá nhân trao đổi, mua, bán, cho thuê phim theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 17. Xuất khẩu phim, nhập khẩu phim

1. Tổ chức, cá nhân chỉ được xuất khẩu phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng.

2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phim phải cam kết bằng văn bản về nội dung phim không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Người đứng đầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu phim chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim nhập khẩu để phổ biến phim; quản lý, sử dụng phim phục vụ hoạt động nghiên cứu, giáo dục, lưu trữ và lưu hành nội bộ.

4. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu phim.

Chương IV

PHỔ BIẾN PHIM

Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim

1. Quyền của cơ sở điện ảnh phổ biến phim bao gồm:

a) Phổ biến phim theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện quảng cáo phim và dịch vụ khác phục vụ người xem theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim bao gồm:

a) Bảo đảm phổ biến phim theo nội dung đã đăng ký kinh doanh, chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc được phê duyệt;

b) Chỉ được phổ biến phim có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng, trừ trường hợp tự thực hiện phân loại phim theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 của Luật này;

c) Bảo đảm điều kiện để phổ biến phim đối với từng hình thức phổ biến phim;

d) Thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

đ) Dừng việc phổ biến phim khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 19. Phổ biến phim trong rạp chiếu phim

1. Cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong rạp chiếu phim phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có rạp chiếu phim bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong rạp chiếu phim có quyền sau đây:

a) Từ chối phục vụ người xem trong trường hợp người xem sử dụng chất cấm, chất kích thích; mang vũ khí, vật liệu gây cháy, nổ, chất phóng xạ, chất độc hại, chất cấm, chất kích thích vào rạp chiếu phim; gây rối, mất trật tự tại rạp chiếu phim;

b) Ngăn chặn việc sao chép, ghi âm, ghi hình, truyền phát phim trái quy định của pháp luật;

c) Yêu cầu cá nhân vi phạm quy định tại điểm a và điểm b khoản này rời khỏi rạp chiếu phim, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền xử lý cá nhân vi phạm.

3. Cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong rạp chiếu phim phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:

a) Bảo đảm tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam, thời lượng và khung giờ chiếu phim cho trẻ em;

b) Bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim;

c) Miễn, giảm giá vé cho người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng khác theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện kết nối dữ liệu, chế độ báo cáo tình hình hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Khuyến khích cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong rạp chiếu phim phổ biến phim tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước trước buổi chiếu phim.

5. Chính phủ quy định chi tiết điểm a và điểm c khoản 3 Điều này.

Điều 20. Phổ biến phim trên hệ thống truyền hình

1. Cơ quan báo chí được phép phổ biến phim trên hệ thống truyền hình phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có giấy phép hoạt động truyền hình theo quy định của pháp luật về báo chí;

b) Có Quyết định phát sóng để phổ biến phim trên hệ thống truyền hình Việt Nam hoặc phổ biến phim trên gói dịch vụ truyền hình theo yêu cầu, trên dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên không gian mạng.

2. Cơ quan báo chí quy định tại khoản 1 Điều này phổ biến phim trên hệ thống truyền hình phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này và phải bảo đảm tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với phim nước ngoài, khung giờ phát sóng phim Việt Nam, thời lượng và khung giờ phát sóng phim cho trẻ em trên các kênh truyền hình trong nước theo quy định của Chính phủ.

3. Việc cấp và thu hồi Quyết định phát sóng do người đứng đầu cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình quyết định theo quy định của pháp luật.

4. Khuyến khích phổ biến phim Việt Nam sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước, phim do tổ chức, cá nhân tài trợ, hiến tặng.

Điều 21. Phổ biến phim trên không gian mạng

1. Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 18 của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định sau đây:

a) Không được phổ biến phim vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27 của Luật này;

c) Thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng;

d) Thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim; để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm quy định của Luật này;

đ) Cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ;

e) Gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số để phổ biến phim tại Việt Nam có trách nhiệm sau đây:

a) Triển khai các giải pháp kỹ thuật, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm;

b) Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm a và điểm d khoản 2 Điều này.

4. Tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông có trách nhiệm ngăn chặn truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện việc kiểm tra nội dung phim, phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với Bộ thông tin và truyền thông, Bộ Công an và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

6. Chính phủ quy định chi tiết các điểm b, c, d và đ khoản 2, điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Điều 22. Phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng

1. Tổ chức phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, y tế, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và các điều kiện khác có liên quan theo quy định của pháp luật;

b) Cung cấp danh mục phim chiếu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương nơi tổ chức đăng ký kinh doanh.

2. Tổ chức phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng phải thông báo bằng văn bản về nội dung, chương trình chiếu phim cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận được thông báo, nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức phổ biến phim được phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng; trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng địa điểm chiếu phim công cộng phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:

a) Tuân thủ quy định về hoạt động kinh doanh, điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, y tế, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Thay đổi thời gian, quy mô chiếu phim tại địa điểm chiếu phim công cộng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Khuyến khích tổ chức phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng phổ biến phim tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước trước buổi chiếu phim.

Điều 23. Phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn

1. Phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn là hoạt động thường xuyên theo kế hoạch hằng năm được chính quyền địa phương quyết định và đầu tư thiết bị phổ biến phim, phương tiện vận chuyển phù hợp với thực tế của từng địa phương.

2. Ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi phí tổ chức phổ biến phim ở vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm tối thiểu 50% chi phí tổ chức phổ biến phim ở vùng nông thôn.

3. Khuyến khích cơ sở điện ảnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp phim để phổ biến phim ở vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn.

Điều 24. Phổ biến phim tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam

Việc phổ biến phim tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam cho đối tượng không phải là cán bộ, nhân viên của tổ chức đó phải bảo đảm các quy định sau đây:

1. Thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

2. Thực hiện quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 18 và Điều 22 của Luật này.

Điều 25. Quảng cáo phim

1. Tổ chức, cá nhân được quảng cáo phim thông qua đoạn giới thiệu phim hoặc các thông tin liên quan đến bộ phim trước, trong quá trình sản xuất, phát hành, phổ biến phim theo quy định của pháp luật về quảng cáo và không được vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân không được chiếu toàn bộ nội dung phim để quảng cáo khi chưa có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng.

Điều 26. Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong phim

Việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong phim được thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 27. Cấp Giấy phép phân loại phim

1. Thẩm quyền cấp Giấy phép phân loại phim được quy định như sau:

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép phân loại phim phổ biến trong rạp chiếu phim; tại địa điểm chiếu phim công cộng; trên không gian mạng trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 của Luật này; tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam quy định tại Điều 24 của Luật này;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được cấp Giấy phép phân loại phim khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp có giá trị trong toàn quốc.

3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;

b) Bản sao văn bản chứng minh quyền sở hữu phim hoặc quyền sử dụng phim hợp pháp;

c) Bản phim hoàn chỉnh;

d) Bản thuyết minh phim bằng tiếng Việt đối với phim nước ngoài.

4. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép phân loại phim được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện cấp Giấy phép phân loại phim theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định; trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp phim phải điều chỉnh nội dung hoặc hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản phim đã điều chỉnh nội dung, 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đã sửa đổi, bổ sung đầy đủ thông tin, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện cấp Giấy phép.

Điều 28. Thay đổi nội dung phim và tên phim trong Giấy phép phân loại phim

1. Trường hợp thay đổi nội dung phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim, tổ chức, cá nhân phải thực hiện đề nghị cấp lại Giấy phép phân loại phim theo quy định tại Điều 27 của Luật này.

2. Trường hợp thay đổi tên phim mà không thay đổi nội dung phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim, tổ chức, cá nhân phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy phép phân loại phim.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, nếu không đồng ý, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 29. Thu hồi Giấy phép phân loại phim

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép phân loại phim quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này quyết định thu hồi Giấy phép phân loại phim trong những trường hợp sau đây:

a) Giấy phép phân loại phim được cấp không đúng quy định;

b) Thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim là giả mạo.

2. Cơ quan cấp Giấy phép phân loại phim, tổ chức, cá nhân bị thu hồi Giấy phép phân loại phim có trách nhiệm khắc phục vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này do mình gây ra.

Việc tiếp tục đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim sau khi đã khắc phục vi phạm thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Luật này.

Điều 30. Dừng phổ biến phim

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định dừng phổ biến phim là cơ quan cấp Giấy phép phân loại phim, cơ quan tiếp nhận thông báo về nội dung, chương trình chiếu phim tại địa điểm chiếu phim công cộng hoặc cơ quan thanh tra theo quy định của Chính phủ.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định dừng phổ biến phim bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do, thời điểm, thời hạn dừng phổ biến phim đối với một trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này;

b) Vì lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp.

3. Trường hợp có nhu cầu tiếp tục phổ biến phim, tổ chức gửi văn bản đề xuất việc tiếp tục phổ biến phim đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất việc tiếp tục phổ biến phim, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định và thông báo kết quả bằng văn bản đến tổ chức đã đề xuất việc phổ biến phim.

4. Tổ chức bị dừng phổ biến phim phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc dừng phổ biến phim và chịu trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Hội đồng thẩm định, phân loại phim

1. Thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại phim được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại phim của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại phim của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Người đứng đầu cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại phim của cơ quan báo chí.

2. Hội đồng thẩm định, phân loại phim có trách nhiệm tư vấn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi cấp Giấy phép phân loại phim, Quyết định phát sóng. Thành phần của Hội đồng thẩm định, phân loại phim bao gồm nhà chuyên môn điện ảnh, chuyên gia, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực liên quan, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới

3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định, phân loại phim.

Điều 32. Phân loại phim

1. Phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến như sau:

a) Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;

b) Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;

c) Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên;

d) Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;

đ) Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;

e) Loại C: Phim không được phép phổ biến.

2. Tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

Chương V

LƯU CHIỂU PHIM, LƯU TRỮ PHIM

Điều 33. Lưu chiểu phim

1. Cơ sở điện ảnh có phim được cấp Giấy phép phân loại phim theo quy định phải nộp lưu chiểu 01 bản phim cho cơ quan cấp Giấy phép phân loại phim. Đối với phim Việt Nam sử dụng ngân sách nhà nước phải nộp kịch bản và tài liệu kèm theo phim.

2. Thời hạn lưu chiểu phim Việt Nam là 12 tháng kể từ ngày phim được cấp Giấy phép phân loại phim; thời hạn lưu chiểu phim nhập khẩu theo quy định trong Giấy phép phân loại phim.

3. Hết thời hạn lưu chiểu, cơ quan nhận lưu chiểu phim có trách nhiệm sau đây:

a) Chuyển bản phim lưu chiểu không khóa mã, kịch bản và tài liệu kèm theo phim cho cơ sở lưu trữ phim đối với phim Việt Nam sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước;

b) Chuyển bản phim lưu chiểu cho cơ sở lưu trữ phim đối với phim Việt Nam sản xuất không sử dụng ngân sách nhà nước;

c) Trả lại bản phim lưu chiểu cho cơ sở nộp lưu chiểu đối với phim nhập khẩu.

4. Cơ sở điện ảnh phải mở mã khóa phim để đối chiếu, kiểm tra khi có yêu cầu của cơ quan cấp Giấy phép phân loại phim.

Điều 34. Lưu trữ phim

1. Cơ sở lưu trữ phim thuộc cơ quan văn hóa, thể thao và du lịch có trách nhiệm lưu trữ phim Việt Nam đã được cấp Giấy phép phân loại phim.

2. Cơ sở lưu trữ phim thuộc cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình có trách nhiệm lưu trữ phim của cơ quan, đơn vị.

3. Cơ sở lưu trữ phim thuộc Bộ, ngành lưu trữ phim lưu hành nội bộ; cơ quan nghiên cứu khoa học lưu trữ phim của cơ quan, đơn vị.

Điều 35. Quyền và trách nhiệm của cơ sở lưu trữ phim

1. Lưu trữ, cung cấp bản sao, in trích tư liệu cho chủ sở hữu phim và cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong hoạt động bảo quản, lưu trữ, phục hồi phim; khai thác phim theo thỏa thuận với chủ sở hữu phim.

3. Mua, nhận chuyển giao phim ở trong nước và nước ngoài có giá trị để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

4. Cung cấp dịch vụ lưu trữ; bán, cho thuê, phổ biến phim lưu trữ theo thỏa thuận với chủ sở hữu phim.

5. Bảo đảm an toàn bản phim, kịch bản và tài liệu kèm theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với phim lưu trữ tại cơ sở.

Điều 36. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu phim trong hoạt động lưu chiểu, lưu trữ

1. Được cơ sở lưu trữ phim bảo đảm an toàn bản phim, tư liệu, tài liệu kèm theo phim; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

2. Quyết định việc bán, cho thuê, phổ biến, sử dụng dịch vụ đối với phim lưu trữ.

3. Nộp lưu chiểu phim theo quy định tại Điều 33 của Luật này.

4. Mở mã khóa phim để đối chiếu, kiểm tra khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chương VI

QUẢNG BÁ, XÚC TIẾN PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH; QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH

Mục 1. QUẢNG BÁ, XÚC TIẾN PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH

Điều 37. Nội dung quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh

1. Quảng bá phim Việt Nam, môi trường hoạt động điện ảnh, hệ sinh thái sản xuất phim, bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

2. Xây dựng, quảng bá thương hiệu điện ảnh quốc gia, vùng, địa phương, doanh nghiệp; nghiên cứu, phát triển thị trường điện ảnh trong nước và nước ngoài.

3. Tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về điện ảnh, góp phần bảo đảm môi trường hoạt động điện ảnh an toàn, lành mạnh và văn minh.

4. Vận động, tìm kiếm cơ hội, huy động nguồn lực đầu tư phát triển điện ảnh; đa dạng hóa thể loại phim và nâng cao chất lượng phim Việt Nam.

Điều 38. Liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam

1. Cơ quan nhà nước ở trung ương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam theo các quy định sau đây:

a) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm về việc tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim;

b) Phim tham gia liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim phải được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng;

c) Thông báo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kế hoạch thực hiện ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày tổ chức và kết quả thực hiện chậm nhất là 05 ngày làm việc sau ngày kết thúc liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim.

2. Cơ quan, tổ chức Việt Nam không phải là cơ quan nhà nước ở trung ương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ và phải thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài, cơ quan ngoại giao, Cơ sở văn hóa nước ngoài khi tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép.

4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ trì tổ chức liên hoan phim quốc gia và liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam theo định kỳ.

5. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim quy định tại khoản 3 Điều này được quy định như sau:

a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim và cuộc thi phim bao gồm văn bản đề nghị cấp giấy phép theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định; đề án nêu rõ mục đích, ý nghĩa và tiêu chí, nội dung, cơ cấu tổ chức, kinh phí, phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện; điều lệ nêu rõ đối tượng tham dự, cơ cấu giải thưởng và thành phần ban giám khảo;

b) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức chương trình phim và tuần phim bao gồm văn bản đề nghị cấp giấy phép theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định; danh mục phim tham gia chương trình phim, tuần phim; bản sao Giấy phép phân loại phim.

6. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim được quy định như sau:

a) Cơ quan, tổ chức nộp 01 bộ hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ phải điều chỉnh nội dung hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đã điều chỉnh nội dung hoặc bổ sung đầy đủ thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện cấp giấy phép.

7. Trường hợp thay đổi nội dung quy định tại điểm a khoản 5 Điều này sau khi được cấp giấy phép, cơ quan, tổ chức phải thực hiện đề nghị cấp lại giấy phép theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều này. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện cấp giấy phép.

8. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thu hồi giấy phép trong những trường hợp sau đây:

a) Vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này trong quá trình tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim;

b) Thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép là giả mạo;

c) Không thực hiện đúng nội dung giấy phép.

Điều 39. Tổ chức chương trình phim, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình phim, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài theo kế hoạch.

2. Cơ quan, tổ chức khác tổ chức chương trình phim, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài thông báo bằng văn bản cho cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại hoặc địa bàn kiêm nhiệm về nội dung, kế hoạch tổ chức ít nhất là 20 ngày trước ngày tổ chức.

3. Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại hoặc địa bàn kiêm nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức chương trình phim, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài và thông báo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong trường hợp phát hiện thấy nội dung không phù hợp.

4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức chương trình phim, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài.

Điều 40. Phim tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam và nước ngoài

1. Phim tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam và nước ngoài là phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng.

2. Trường hợp thể lệ liên hoan phim, giải thưởng điện ảnh quốc tế quy định phim tham gia là phim đại diện quốc gia thì việc tuyển chọn phim do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định và tổ chức thực hiện.

Điều 41. Chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam

Tổ chức nước ngoài sản xuất phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Mục 2. QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH

Điều 42. Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

1. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 43. Mục đích của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

1. Hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ.

2. Hỗ trợ cho tác giả, dự án sản xuất phim, phim Việt Nam xuất sắc tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài.

3. Hỗ trợ các hoạt động khác để phát triển điện ảnh.

Điều 44. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

1. Không vì mục đích lợi nhuận; bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý.

2. Thực hiện thu, chi, quyết toán, công khai tài chính, tài sản và công tác kế toán theo quy định của pháp luật.

3. Chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước về các hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

4. Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, không trùng lặp với nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động sự nghiệp điện ảnh. Quỹ không hỗ trợ các dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước.

5. Số dư kinh phí năm trước của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

Chương VII

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐIỆN ẢNH

Điều 45. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về điện ảnh.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh và có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về điện ảnh, chiến lược, kế hoạch phát triển điện ảnh;

b) Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về điện ảnh;

c) Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động điện ảnh; hệ thống chỉ tiêu thống kê, cơ sở dữ liệu ngành điện ảnh;

d) Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực điện ảnh;

đ) Hợp tác quốc tế trong hoạt động điện ảnh; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh trong nước và nước ngoài;

e) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động điện ảnh;

g) Cấp, thu hồi giấy phép trong hoạt động điện ảnh; dừng phổ biến phim theo thẩm quyền;

h) Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động điện ảnh;

i) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động điện ảnh theo thẩm quyền.

Điều 46. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh của Bộ, cơ quan ngang Bộ

Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh.

Điều 47. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh tại địa phương; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, y tế, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường tại các địa điểm tổ chức sản xuất, phát hành và phổ biến phim.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này và các nhiệm vụ sau đây:

a) Xây dựng, ban hành, thực hiện kế hoạch phát triển điện ảnh phù hợp với thực tế tại địa phương;

b) Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ, thu hút nhằm tạo điều kiện phát triển điện ảnh tại địa phương;

c) Đầu tư phát triển điện ảnh; xây dựng, kiện toàn, củng cố tổ chức và hoạt động phát hành, phổ biến phim tại địa phương;

d) Tiếp nhận thông báo và trả lời thông báo đối với việc phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng trong phạm vi quản lý;

đ) Cấp, thu hồi Giấy phép phân loại phim, dừng phổ biến phim theo thẩm quyền;

e) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động điện ảnh theo thẩm quyền.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 48. Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 72/2020/QH14 và Luật số 03/2022/QH15

Sửa đổi, bổ sung mục 192 thuộc Phụ lục IV - Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 72/2020/QH14Luật số 03/2022/QH15 như sau:

192

Kinh doanh dịch vụ phổ biến phim

Điều 49. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

2. Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2009/QH12, Luật số 35/2018/QH14Luật số 61/2020/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 50. Quy định chuyển tiếp

1. Giấy phép phổ biến phim, Quyết định phát sóng được cấp theo quy định của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2009/QH12, Luật số 35/2018/QH14Luật số 61/2020/QH14 được tiếp tục thực hiện theo quy định trong Giấy phép phổ biến phim, Quyết định phát sóng.

Giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được cấp theo quy định của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2009/QH12, Luật số 35/2018/QH14Luật số 61/2020/QH14 thì tiếp tục có hiệu lực đến hết thời hạn ghi trong giấy phép.

2. Phim đã được cấp Giấy phép phổ biến phim hoặc Quyết định phát sóng nhưng chưa thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim đến người xem theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải bổ sung cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim đến người xem trong trường hợp tiếp tục phổ biến.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2022./.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Vương Đình Huệ

298
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tải về Luật Điện ảnh 2022
Tải văn bản gốc Luật Điện ảnh 2022

NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
---------------

Law No. 05/2022/QH15

Hanoi, June 15, 2022

 

LAW

ON CINEMATOGRAPHY OF VIETNAM

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly of Vietnam hereby promulgates the Law on Cinematography.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law provides for cinematographic activities; rights, tasks, and responsibilities of agencies, organizations, and individuals engaged in cinematographic activities; state management of cinematography.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Vietnamese agencies, organizations, and individuals engaged in cinematographic activities in Vietnam and abroad.

2. Foreign organizations and individuals engaged in cinematographic activities in Vietnam.

3. State management agencies of cinematography; agencies, organizations, and individuals related to cinematographic activities.

Article 3. Interpretation of terms

For the purpose of this Law, the following terms shall be construed as follows:

1. “Cinematography” is a general art industry that applies audio-visual technology and creative techniques to produce films.

2. “Film” means a cinematographic work whose content is expressed by consecutive moving images or images created by technical and technological devices and has audio (or not) and other effects according to the principles of cinematographic language. A film is recorded on materials used in the cinematographic industry or via digital methods or other means of digital equipment and disseminated to viewers, including feature films, documentaries, cartoons, and films of combined genres.

Films do not include recording products for disseminating news on radio, television, and the internet; art shows, video games, recording products that show the activity of one or more people and describe events and situations, or reality shows.

3. “Cinematographic activities” means activities of producing, distributing films, promoting the development of cinematography, submitting films for legal deposit and archive, and training the cinematographic personnel.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

5. "Cinematographic facilities” are enterprises, public service providers, and other organizations established by organizations or individuals engaged in cinematographic activities according to this Law and relevant laws.

6. “Film production” means the process of creating a film, from developing the script to completing the film. 

7. “Film distribution” means trading, purchasing, selling, leasing, exporting, or importing films.

8. “Film dissemination” means making films available to viewers via film screenings in cinemas, public screening venues, headquarters of diplomatic missions, foreign cultural agencies established in Vietnam, on television, the internet, and other audio-visual media. 

9. “Film rating” means the appraisal of film content, classification of films for appropriate dissemination according to viewers’ age, or prohibition against dissemination.

10. “Film script” is the entire content of a film expressed in writing or other characters on materials used in the cinematographic industry, via digital methods, or other means of technical equipment.

11. “Film owners" are organizations or individuals that financially invest in physical and technical facilities to produce films, buy film ownership, or are gifted or inherited films and other forms as prescribed by law.

12. “Vietnamese film” means a film permitted to disseminate in Vietnam according to this Law that has at least 2 of the following factors: the director has Vietnamese nationality, a Vietnamese cinematographic facility engaged in the film production, the owner or co-owner of the film is a Vietnamese organization or individual.

13. “Provision of film production services” means the provision of means, technical equipment, backgrounds, personnel, and other activities related to film production.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

15. “Public screening venues" are theatres, houses of culture, exhibition places, cultural centers, clubs, accommodation service establishments, catering establishments, disco clubs, shops, stores, stadiums, arenas, squares, public transportations, and other means or places where film screenings are held.

Article 4. Principles of cinematographic activities

1. Develop advanced Vietnamese cinematography imbued with national identity, meeting the People's demand for cultural and artistic enjoyment and international integration.

2. Preserve and promote cultural and traditional values, ensuring humanism, aesthetics, and entertainment.

3. Respect and ensure creative freedom within the framework of the law, and protect the intellectual property rights of organizations and individuals engaged in cinematographic activities.

4. Ensure equality and fair competition of organizations and individuals engaged in cinematographic activities and the development of the cinematographic industry.

5. Develop the cinematographic industry in compliance with market rules and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

6. Use the state budget and social resources to invest in and support cinematography in an effective, public, transparent, targeted, and focused manner, prioritizing the highlands, mountainous areas, borders, islands, ethnic minority areas, and rural areas.

7. Comply with regulations of the law, socio-ethical standards, and professional ethics and take responsibility for developing a healthy business culture.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. The State shall promulgate policies on the mobilization of resources, implement measures to ensure a safe environment for investment and business, develop the cinematographic market, and facilitate organizations and individuals engaged in cinematographic activities to develop a cinematographic industry in association with the socio-economic development and international integration.

2. The State shall invest in and support the following activities:

a) Film production implemented according to the plan to serve political tasks on the topics of history, revolution, leaders, notables, national heroes, children, highlands, mountainous areas, borders, islands, ethnic minority areas, and preservation and promotion of Vietnamese cultural values;

b) Compilation of film scripts, distribution and dissemination of films, provision of organization budget, technical means and equipment to disseminate films to highlands, mountainous areas, borders, islands, ethnic minority areas, and rural areas and children, armed forces, and other tasks of politic, society, diplomacy, and education;

c) Organization of national film festivals, international festivals, specialized or thematic film festivals, film programs, film weeks in Vietnam; film awards and film competitions at national and international levels; Vietnamese film festivals, film programs, and film weeks abroad.

d) Receive the transfer of ownership and rights to use film scripts and films with high ideological and artistic values for dissemination, education, research, archive, and political tasks; processes of editing, translating, and subtitling films to introduce Vietnam and its citizens;

dd) Development of film ratiocination and criticism; dissemination, introduction, and orientation of cinematographic aesthetics;

e) Research and application of scientific and technological achievements to cinematographic activities;

g) Development and promotion of the Vietnamese cinematographic brand;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

i) Development of a statistical infrastructure system and database of the cinematographic industry.

3. The State shall promulgate incentive policies on credit, tax, and land for organizations and individuals engaged in cinematographic activities as prescribed by law.

4. The State shall encourage organizations and individuals engaged in cinematographic activities prescribed in Clause 2 of this Article and the following activities:

a) Production, distribution, and dissemination of films; promotion of the development of cinematography; international cooperation, scientific research, technology transfer, provision of digital services for the development of cinematography;

b) Provision of services of finance, credit, guarantee, and mortgage of intellectual property rights and insurance products for the development of cinematography;

c) Provision of sponsorships and gifts for cinematographic activities and cinematographic development support funds established by organizations or individuals.

5. The Government of Vietnam shall elaborate Point d and Point e Clause 2 of this Article.

Article 6. Development of cinematographic personnel

1. The State shall promulgate policies to attract, provide training and advanced training, facilitate the development of cinematographic talents, especially young talents, and provide appropriate remuneration to improve the quality of cinematographic personnel.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. The State shall encourage training, advanced training, and technology transfer for the development of cinematographic personnel serving the production, distribution, and dissemination of films via the implementation of programs, projects of the State, and international cooperation; combine cinematographic personnel training with research and application of science and technology.

Article 7. Socio-political-vocational organizations and socio-vocational organizations of cinematography

Socio-political-vocational organizations and socio-vocational organizations of cinematography that are established and operate according to the Law on Associations of Vietnam shall:

1. Protect the rights and legal benefits of their members as prescribed by law;

2. Participate in developing, disseminating, and providing education in policies and laws on cinematography;

3. Participate in promoting and providing training and knowledge of cinematography; develop a healthy environment of professional activities and business for their members; mobilize social resources to implement cinematographic activities as prescribed by law;

4. Develop and organize the implementation of the code of professional ethics; mobilize their members, organizations, and individuals engaged in cinematographic activities to comply with the law;

5. Detect and request competent state agencies to handle violations of the Law on Cinematography of Vietnam.

Article 8. Foreign-invested cooperation in cinematographic activities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Establishment of foreign-invested organizations, capital contribution investment, share purchase, purchase of contributed capital, in which the foreign investor’s capital does not exceed 51% of the charter capital;

b) Agreement on cooperative business.

2. Houses of culture, cinema units, public cinema clubs and associations, and mobile cinema teams of Vietnam shall not participate in the agreement on cooperative business or joint ventures with foreign service providers.

Article 9. Prohibited contents and acts in cinematographic activities

1. Prohibition against contents that:

a) Violate the Constitution and laws; incite opposition to or sabotage the implementation of the Constitution and laws;

b) Disseminate contents that oppose the Socialist Republic of Vietnam; sabotage the great national unity bloc; damage the interests of Vietnam, its people, and cultural values; insult the National Flag, Communist Party of Vietnam Flag, National Emblem, and National Anthem;

c) Disseminate or incite invasive wars, cause hatred and discrimination among ethnic groups and the people of different countries; disseminate reactionary ideology and social crimes; sabotage social culture and ethics;

d) Distort the national history, deny revolutionary achievements; insult the nation, notables, and national heroes; inappropriately express or infringe the national sovereignty; slander and insult the reputation of agencies, organizations, and the honor and dignity of individuals;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

e) Incite and insult religions and belief; disseminate and promote illegal belief and religious activities

g) Disclose state secrets, personal secrets of an individual, and other secrets as prescribed by law;

h) Incite violence, criminal acts via by detailing measures, images, sounds, dialogues, scenes of beating, torture, murder in a brutal manner, and acts of insulting human dignity, unless such contents are used to criticize, denounce, or condemn crimes and uphold justice, honor traditional and cultural values;

i) Show details of lewd, depraved, incestuous images, sounds, and dialogues;

k) Violate legal rights and benefits of children and minors

l) Violate principles of gender equality, gender stereotypes, and gender discrimination.

2. Prohibition against acts of:

a) Distributing or disseminating films in cinemas, on television, and public screening venues without the Film Rating License of competent state agencies of cinematography or the Broadcast Decision of press agencies with television operation permits;

b) Disseminating films on the internet without classifying such films or displaying the results of film ratings as prescribed by this Law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) Producing, distributing, and disseminating films and submitting films for legal deposit and archive without compliance with this Law, the Law on Intellectual Property of Vietnam, and relevant laws;

dd) Distributing and disseminating films subject to revocation of Film Rating Licenses or Broadcast Decisions;

e) Making copies of films without the consent of their owners, unless otherwise prescribed by the Law on Intellectual Property of Vietnam;

g) Not notifying competent state agencies when disseminating films in public screening venues;

h) Appraising and issuing Film Rating Licenses contrary to the law.

Chapter II

FILM PRODUCTION

Article 10. Rights and tasks of cinematographic facilities that produce films

1. Cinematographic facilities that produce films may:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Participate in producing films with funding from the state budget;

c) Participate in film festivals, film awards, film competitions, film programs, and film weeks.

2. Cinematographic facilities that produce films shall:

a) Ensure the film production follows the registered business and assigned or approved functions and tasks;

b) Compile the contents of documents on script appraisal for films produced with funding from the state budget;

c) Ensure social security, order, and safety, health care, prevention and control of fire and explosion, environmental protection, cultural heritage protection, and relevant matters as prescribed by law during the film production;

d) Send a written commitment to not violate regulations prescribed in Article 9 of this Law to the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam in case of cooperation with foreign organizations or individuals in producing films or receiving sponsorships from foreign organizations or individuals to produce films;

dd) Comply with this Law and relevant laws.

Article 11. Rights and tasks of film producers, screenwriters, directors, cinematographers, actors, and other members of a film crew

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Be artistically creative within the framework of the law;

b) Enjoy intellectual property rights as prescribed by the Law on Intellectual Property of Vietnam;

c) Receive protection of legal rights and benefits regarding cinematographic activities.

2. Film producers, screenwriters, directors, cinematographers, actors, and other members of a film crew shall:

a) Comply with this Law and relevant laws;

b) Carry out the contract with cinematographic facilities that produce films based on agreement and compliance with the law;

c) Comply with the code of professional ethics and the code of conduct of people working in the field of art.

Article 12. Studio activities

1. Organization of management and operation or cooperation in conducting joint venture and joint production of films.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 13. Film production activities in Vietnam of foreign organizations and individuals

1. Foreign organizations and individuals that produce films in Vietnam shall use film production services provided by Vietnamese cinematographic facilities.

2. Foreign organizations and individuals that produce films in Vietnam shall ensure the following criteria:

a) Agreement documents or contracts to provide film production services with Vietnamese cinematographic facilities;

b) Films that use film production services in Vietnam do not violate regulations prescribed in Article 9 of this Law;

c) In the case of using filming services with the use of backgrounds in Vietnam, there must be a License to provide filming services with the use of backgrounds in Vietnam issued by the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam.

3. Applications for the License to provide filming services with the use of backgrounds in Vietnam for foreign organizations and individuals include:

a) A written request for the issuance of the License according to the form stipulated by the Minister of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam;

b) A summarized script of the film and a detailed script of the filming content with the use of backgrounds in Vietnam in Vietnamese;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) A written commitment not to violate regulations prescribed in Article 9 of this Law of the foreign organization or individual that use filming services with the use of backgrounds in Vietnam.

4. Procedures for issuance of License to provide filming services with the use of backgrounds in Vietnam for foreign organizations and individuals are as follows:

a) Foreign organizations and individuals that use filming services with the use of backgrounds in Vietnam or Vietnamese cinematographic facilities that provide filming services with the use of backgrounds in Vietnam for foreign organizations and individuals shall submit a dossier of applications via the National Public Service Portal or by post or directly to the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam;

b) Within 20 days after receiving the valid applications, the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam shall issue the License; in case of refusal, notify and provide written explanations.

In case the script is subject to amendments due to violation of regulations prescribed in Article 9 of this Law and relevant laws or the application is subject to amendments and supplements of information at the request of the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam, within 20 days after receiving the amended script or amended and supplemented application, the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam shall issue the License.

In case of changes to the contents prescribed in Points a, b, and c Clause 3 of this Article after receiving the License to provide filming services with the use of backgrounds in Vietnam, foreign organizations and individuals or Vietnamese cinematographic facilities shall apply for re-issuance of the License according to the procedures prescribed in Clause 4 of this Article; in case of changes only to the contents prescribed in Point a and Point c Clause 3 of this Article, within 5 working days after receiving the valid applications, the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam shall issue the License.

6. The Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam shall revoke the License to provide filming services with the use of backgrounds in Vietnam in the following cases:

a) Violation of regulations prescribed in Article 9 of this Law during film production;

b) Information in the application for the License is forged;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 14. Production of films with funding from the state budget

1. The production of film with funding from the state budget for political tasks prescribed in Point a Clause 2 Article 5 of this Law shall be done in the form of task assignment, ordering, or bidding.

2. Investors of projects on film production with funding from the state budget shall be Ministries, ministerial agencies, governmental agencies, central agencies of political organizations, socio-political organizations, social-political-vocational organizations, and People’s Committees of provinces.

3. Investors of projects on film production with funding from the state budget shall:

a) Conduct the process of selecting film production projects;

b) Establish the Script Appraisal Council and Film Production Project Selection Council according to regulations promulgated by the Minister of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam.

4. Investors of projects on film production with funding from the state budget may mobilize other legal sources of finance to produce films.

5. Film ownership and intellectual property rights for films with funding from the state budget shall comply with the Law on Intellectual Property of Vietnam and relevant laws.

6. The Government of Vietnam shall elaborate Clause 1 and Point a Clause 3 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

FILM DISTRIBUTION

Article 15. Rights and tasks of cinematographic facilities that distribute films

1. Cinematographic facilities that distribute films may:

a) Distribute films in Vietnam and abroad;

b) Trade, purchase, sell, lease, export, and import films according to the law.

2. Cinematographic facilities that distribute films shall:

a) Ensure the film distribution follows the registered business and assigned or approved functions and tasks;

b) Ensure the distributed films comply with this Law and relevant laws;

c) Take legal liability for the contents of distributed films.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Organizations and individuals shall trade, purchase, sell, or lease films according to this Law and relevant laws.

Article 17. Film exportation and importation

1. Organizations and individuals may only export films with Film Rating Licenses or Broadcast Decisions.

2. Organizations and individuals that import films must make written commitments to not violate regulations prescribed in Article 9 of this Law regarding film contents and submit them to the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam.

3. Heads of organizations and individuals that import films shall take legal liability for the contents of imported films to disseminate them; manage and use films for research, education, archive, and internal circulation.

4. The State shall encourage and facilitate organizations and individuals to participate in film exportation.

Chapter IV

FILM DISSEMINATION

Article 18. Rights and tasks of cinematographic facilities that disseminate films

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Disseminate films according to the law;

b) Promote films and provide other services for viewers according to the law.

2. Cinematographic facilities that disseminate films shall:

a) Ensure the film dissemination follows the registered business and assigned or approved functions and tasks;

b) Only distribute films with Film Rating Licenses or Broadcast Decisions, except for the case of self-rating of films as prescribed in Point b Clause 2 Article 21 of this Law;

c) Ensure the criteria for film dissemination for each form of film dissemination;

d) Show film rating and warning according to regulations promulgated by the Minister of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam;

dd) Terminate the dissemination of films at the written request of a competent state agency.

Article 19. Film dissemination in cinemas

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Such facilities are enterprises or public service providers established according to the law;

b) Such facilities have cinemas that meet technical standards as prescribed by the Minister of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam.

2. Cinematographic facilities that disseminate films in cinemas may:

a) Refuse to serve viewers when they use banned substances or stimulants; bring weapons, incendiary and explosive materials, radioactive substances, hazardous substances, or banned substances into the cinema; cause disorder and obstruction at the cinema;

b) Prevent the copying, recording, video recording, and spreading of films contrary to the law;

c) Request violating individuals prescribed in Point a and Point b of this Clause to leave the cinema and request competent agencies or persons to handle such individuals.

3. Cinematographic facilities that disseminate films in cinemas shall perform tasks prescribed in Clause 2 Article 18 of this Law and shall:

a) Ensure the percentage of Vietnamese film screening sessions, Vietnamese film screening time frames, and duration and time frame of children’s films;

b) Ensure viewers are of the right age according to film ratings;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) Implement data connection and comply with regulations on submission of reports on operational status at the request of competent state agencies.

4. Cinematographic facilities that disseminate films in cinemas are encouraged to disseminate policies and laws of the State before the screening.

5. The Government of Vietnam shall elaborate Point a and Point c Clause 3 of this Article.

Article 20. Film dissemination on television

1. Press agencies permitted to disseminate films on television shall:

a) Have licenses to operate in the field of television as prescribed by the Law on Press of Vietnam;

b) Have Broadcast Decisions to disseminate films on the Vietnamese television system or disseminate films on on-demand television service packages and on-demand television services on the internet.

2. Press agencies prescribed in Clause 1 of this Article, when disseminating films on the television system, shall perform the tasks prescribed in Clause 2 Article 18 of this Law and ensure the broadcast time ratio of Vietnamese films to foreign films, broadcast time frames of Vietnamese films, and duration and broadcast time frames of children’s films on domestic television channels as prescribed by the Government of Vietnam.

3. Heads of press agencies with licenses to operate in the field of television shall decide on the issuance and revocation of Broadcast Decisions according to the law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 21. Film dissemination on the internet

1. Entities permitted to disseminate films on the internet are enterprises, public service providers, and organizations engaged in film dissemination as prescribed by this Law and relevant laws.

2. Entities that disseminate films on the internet as prescribed in Clause 1 of this Article shall perform tasks prescribed in Point c and Point d Clause 2 Article 18 of this Law, regulations of relevant laws, and shall:

a) Not disseminate films that violate regulations prescribed in Article 9 of this Law and relevant laws;

b) Before disseminating films on the internet, ensure conditions for the implementation of film rating according to regulations of the Government of Vietnam and take legal liability for the contents and results of film ratings; in case of incapacity to conduct film rating, request the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam or Agencies authorized by the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam to conduct the rating regarding films without Film Rating Licenses or Broadcast Decisions according to the procedures prescribed in Clause 3 and Clause 4 Article 27 of this Law;

c) Notify the list of films that will be disseminated and the results of film ratings to the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam before disseminating such films on the internet;

d) Adopt necessary technical measures and provide guidelines for parents or caretakers of children to control, manage, and ensure that children watch age-appropriate films disseminated on the internet and for service users to report films that violate this Law;

dd) Provide focal points and contact information to receive and process requests of state management agencies and feedback, complaints, and denunciations of service users;

e) Remove films that violate regulations prescribed in Article 9 of this Law and relevant laws at the written request of a competent state agency.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Implement technical solutions and cooperate with competent state management agencies in removing and preventing violating films;

b) Ensure the performance of tasks prescribed in Point a and Point d Clause 2 of this Article.

4. Organizations and enterprises that have telecommunications networks shall prevent the access of violating films at the request of competent state agencies.

5. The Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam shall organize personnel and technical means to inspect film contents, conduct film ratings, and display rating results of films disseminated on the internet; cooperate with the Ministry of Information and Communications of Vietnam, the Ministry of Public Security of Vietnam, and relevant state management agencies in implementing measures to prevent and handle acts of violation according to the law.

6. The Government of Vietnam shall elaborate Points b, c, d, and dd Clause 2 and Point a Clause 3 and Clause 4 of this Article.

Article 22. Film dissemination in public screening venues

1. Organizations that disseminate films at public screening venues shall:

a) Ensure social security, order, and safety, health care, prevention and control of fire and explosion, environmental protection, and relevant criteria according to the law;

b) Provide the list of screening films for competent state agencies at localities where organizations registered for business.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Organizations and individuals that manage and use public screening venues shall carry out tasks prescribed in Clause 2 Article 18 of this Law and shall:

a) Comply with regulations on business activities, criteria for social security, order, and safety, health care, prevention and control of fire and explosion, environmental protection, and relevant laws;

b) Change the time and scale of film screening at public screening venues at the request of competent state agencies.

4. Organizations that disseminate films at public screening venues are encouraged to disseminate policies and laws of the State before the screening.

Article 23. Dissemination of films for political tasks in highlands, mountainous areas, borders, islands, ethnic minority areas, and rural areas

1. The dissemination of films for political tasks in highlands, mountainous areas, borders, islands, ethnic minority areas, and rural areas is a regular activity according to annual plans decided and invested in by local authorities regarding film dissemination equipment and transportation suitable for actual situations of each locality.

2. The state budget shall ensure to provide 100% of the budget for film dissemination in highlands, mountainous areas, borders, islands, and ethnic minority areas and at least 50% in rural areas.

3. Cinematographic facilities are encouraged to apply information technology to the provision of films for dissemination in highlands, mountainous areas, borders, islands, ethnic minority areas, and rural areas.

Article 24. Film dissemination at diplomatic missions and foreign facilities of culture established in Vietnam

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Ensure compliance with international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;

2. Ensure the implementation of rights and tasks prescribed in Article 18 and Article 22 of this Law.

Article 25. Film promotion

1. Organizations and individuals may promote films via trailers or information related to the previous films during the process of production, distribution, and dissemination of films according to laws on advertising and shall not violate regulations prescribed in Article 9 of this Law.

2. Organizations and individuals shall not show the whole content of a movie for promotional purposes without Film Rating Licenses or Broadcast Decisions.

Article 26. Advertisements for products, goods, and services in movies

Product, goods, and service advertising in movies shall comply with regulations of laws on advertising and relevant laws.

Article 27. Issuance of Film Rating Licenses

1. Regulations on competency in issuing Film Rating Licenses:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) People’s Committees of provinces may issue Film Rating Licenses if they satisfy the requirements promulgated by the Minister of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam.

2. Film Rating Licenses issued by the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam and People’s Committees of provinces are valid nationwide.

3. Applications for the issuance of Film Rating Licenses include:

a) A written request for the issuance of the Film Rating License according to the form stipulated by the Minister of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam;

b) A copy of the document proving the legal ownership or rights to use the film;

c) The completed film;

d) The Vietnamese-dub version of the film for foreign films.

4. Procedures for the issuance of Film Rating Licenses:

a) Organizations and individuals shall submit a dossier of applications via the National Public Service Portal, by post, or directly to the competent state agency prescribed in Clause 1 of this Article;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

In case the film is subject to content adjustment or the application is subject to amendments or supplements of information at the request of competent state agencies prescribed in Clause 1 of this Article, within 15 days after receiving the adjusted film or 10 days after receiving the amended and supplemented application, competent state agencies shall issue the License.

Article 28. Changes to film contents and film names in Film Rating Licenses

1. In case of changes to the contents of films with Film Rating Licenses, organizations and individuals shall apply for the re-issuance of Film Rating Licenses as prescribed in Article 27 of this Law.

2. In case of changes only to the names of films with Film Rating Licenses, organizations and individuals shall send written notifications to competent state agencies that have issued such licenses.

Within 5 working days from the date the competent state agency receives the notifications, competent state agencies shall respond and provide explanations in writing in case of refusal.

Article 29. Revocation of Film Rating Licenses

1. State agencies competent to issue Film Rating Licenses prescribed in Clause 1 Article 27 of this Law shall revoke a Film Rating License when:

a) The issuance of the Film Rating License is contrary to regulations;

b) Information in the application for the Film Rating License is forged;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

The continuation of application for Film Rating Licenses after remedying the mentioned violations shall comply with regulations prescribed in Article 27 of this Law.

Article 30. Termination of film dissemination

1. State agencies competent to terminate film dissemination are agencies that issue Film Rating Licenses, agencies that receive notifications of the contents and screening programs at public screening venues, or inspectorates according to regulations of the Government of Vietnam.

2. Competent state agencies shall issue written decisions on the termination of film dissemination, which specify the reason, time, and period of termination of film dissemination for the following cases:

a) Violation of regulations prescribed in Article 9 of this Law;

b) Occurrence of matters of national defense and security or natural disasters, epidemics, or emergencies.

3. If organizations wish to continue the dissemination of films, send written requests for the continuation of film dissemination to competent state agencies for consideration and decision.

Within 5 working days after receiving the written request for the continuation of film dissemination, the competent state agency shall consider, decide, and notify the result in writing to the organization that proposed the film dissemination.

4. Organizations subject to termination of film dissemination shall disclose such matter on mass media regarding the termination and take on responsibilities for ensuring the benefits of relevant organizations and individuals as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. The competence in establishing Film Appraisal and Rating Boards is as follows:

d) The Minister of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam shall establish the Film Appraisal and Rating Board of the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam;

b) Chairmen of People’s Committees of provinces shall establish Film Appraisal and Rating Board of such provinces or centrally affiliated cities;

c) Heads of press agencies with licenses to operate in the field of television shall establish Film Appraisal and Rating Boards of such press agencies.

2. The Film Appraisal and Rating Board shall provide advisory services for competent state agencies before they issue Film Rating Licenses or Broadcast Decisions. The Appraisal and Rating Board composition includes cinematographic specialists, experts, and managers of relevant fields and shall ensure gender equality.

3. The Minister of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam shall stipulate the organization and operation of Film Appraisal and Rating Boards.

Article 32. Film rating

1. Films are rated according to their contents for appropriate dissemination according to viewers’ age or prohibition against dissemination as follows:

a) P rated: Films eligible for dissemination to viewers of all ages;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) T16 rated (16+): Films eligible for dissemination to viewers from 16 years old or older;

b) T13 rated (13+): Films eligible for dissemination to viewers from 13 years old or older;

dd) K rated: Films eligible for dissemination to viewers under 13 years old, provided that they are with their parents or guardians;

e) C rated: Films prohibited from disseminating.

2. The criteria for film rating apply to all of the forms of film dissemination stipulated by the Minister of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam.

Chapter V

SUBMISSION OF FILMS FOR LEGAL DEPOSIT AND ARCHIVE

Article 33. Legal deposit of films

1. A cinematographic facility that has a film with the Film Rating License according to regulations shall submit a copy of the film for legal deposit to the agency that issued the Film Rating License. Regarding a Vietnamese film with funding from the state budget, submit the script and relevant documents along with a copy of such film.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. At the end of the legal deposit period, legal deposit agencies shall:

a) Transfer the legal deposit film copy without password, its script, and attached documents to film archives for Vietnamese films produced using the state budget;

b) Transfer the legal deposit film copy to film archives of Vietnamese films produced without funding from the state budget;

c) Return the legal deposit film to the facility that submitted it regarding imported films.

4. Cinematographic facilities shall unlock the passwords of films for comparison and inspection at the request of agencies that issue Film Rating Licenses.

Article 34. Archive of films

1. Film archives of agencies of culture, sports, and tourism shall archive Vietnamese films with Film Rating Licenses.

2. Film archives of press agencies with licenses to operate in the field of television shall archive films of their agencies or units.

3. Film archives of Ministries or central authorities shall archive films for internal circulation; scientific research agencies shall archive films of their agencies or units.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Archive, provide copies, and print extracts for film owners and competent state agencies as prescribed by law.

2. Cooperate with domestic or foreign organizations and individuals in preserving, archiving, and restoring films; utilize films according to agreements with film owners.

3. Purchase and receive the transfer of domestic or foreign films with values for research, teaching, and learning.

4. Provide archive services; sell, lease, and disseminate archived films according to agreements with film owners.

5. Ensure the safety of films, their scripts, and attached documents according to technical standards.

6. Take legal liability to ensure the intellectual property rights regarding their archived films.

Article 36. Rights and tasks of film owners regarding legal deposit and archive

1. Receive the assurance of the safety of film copies, materials, and documents attached to such films and the assurance of intellectual property rights as prescribed by law from film archives.

2. Decide on the sale, lease, dissemination, and use of services regarding archived films.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Unlock the passwords of films for comparison and inspection at the request of competent state agencies.

Chapter VI

PROMOTION OF CINEMATOGRAPHIC DEVELOPMENT; CINEMATOGRAPHIC DEVELOPMENT SUPPORT FUND

Section 1. PROMOTION OF CINEMATOGRAPHIC DEVELOPMENT

Article 37. Contents of the promotion of cinematographic development should:

1. Promote Vietnamese films, cinematographic environment, film production ecosystem, cultural identity, Vietnam, and people of Vietnam.

2. Develop and promote cinematographic brands of Vietnam, regions, localities, and enterprises; research and develop the domestic and foreign cinematographic market.

3. Disseminate, improve the social awareness of cinematography, and contribute to the assurance of a safe, healthy, and civilized cinematographic environment.

4. Search for chances, mobilize resources for investment in cinematographic development, diversify film genres, and improve the quality of Vietnamese films.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. State agencies at central levels, political organizations, socio-political-vocational organizations, People's Committees of provinces may organize film festivals, specialized or thematic film festivals, film awards, film competitions, film programs, and film weeks in Vietnam according to the following regulations:

a) Heads of agencies or organizations shall take charge of organizing film festivals, specialized or thematic film festivals, film awards, film competitions, films programs, and film weeks;

b) Films that participate in film festivals, specialized or thematic film festivals, film awards, film competitions, film programs, and film weeks must have Film Rating Licenses or Broadcast Decisions;

c) The Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam must be informed of implementation plans at least 5 working days before the organization date and implementation results at least 5 working days after the end of film festivals, specialized or thematic film festivals, film awards, film competitions, film programs, and film weeks.

2. Vietnamese organizations and agencies that are not state agencies at central levels, political organizations, socio-political-vocational organizations, and People's Committees of provinces may organize film festivals, specialized and thematic film festivals, film awards, film competitions, film programs, and film weeks in Vietnam if they satisfy the criteria prescribed by the Government of Vietnam and comply with regulations prescribed in Clause 1 of this Article.

3. International organizations, foreign organizations, diplomatic missions, and foreign facilities of culture, when organizing film festivals, specialized or thematic film festivals, film awards, film competitions, film programs, and film weeks in Vietnam, must have licenses issued by the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam.

4. The Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam shall take charge and organize periodic national film festivals and international film festivals in Vietnam.

5. Applications for issuance of licenses to organize film festivals, specialized or thematic film festivals, film awards, film competitions, film programs, and film weeks prescribed in Clause 3 of this Article are as follows:

a) Applications for issuance of licenses to organize film festivals, specialized or thematic film festivals, film awards, and film competitions include written requests for issuance of licenses according to the form stipulated by the Minister of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam; plans that specify purposes, meanings, criteria, contents, organizational structure, budget, task assignment, and implementation; charters that specify participants, the structure of the award, and composition of judges;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

6. Procedures for issuance of licenses to organize film festivals, specialized or thematic film festivals, film awards, film competitions, film programs, and film weeks are as follows:

a) Agencies and organizations shall submit a dossier of applications via the National Public Service Portal, by post, or directly to the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam;

b) Within 15 days after receiving the valid application, the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam shall issue the license; in case of refusal, notify and provide written explanations.

In case the application is subject to amendments and supplements of information at the request of the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam, within 10 days after receiving the amended and supplemented application, the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam shall issue the license.

7. In case of changes to contents prescribed in Point a Clause 5 of this Article, after receiving licenses, agencies and organizations shall apply for re-issuance of licenses according to regulations prescribed in Clause 5 and Clause 6 of this Article. Within 5 working days after receiving the valid applications, the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam shall issue licenses.

8. The Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam shall revoke licenses in the following cases:

a) Violations of regulations prescribed in Article 9 of this Law during the organization of film festivals, specialized or thematic film festivals, film awards, film competitions, film programs, and film weeks;

b) Information in the application for the License is forged;

c) Failure to comply with the contents of the License.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. The Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam shall organize Vietnamese film programs and film weeks abroad according to the approved plan.

2. Other agencies and organizations that organize Vietnamese film programs and film weeks abroad shall send written notifications to Vietnamese diplomatic missions at corresponding countries or areas regarding the contents and organizational plans at least 20 days before the organization date.

3. Vietnamese diplomatic missions in corresponding countries or areas shall support, facilitate the organization of Vietnamese film programs and film weeks abroad, and inform the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam in case they find inappropriate content.

4. Heads of agencies and organizations shall take responsibility for the organization of Vietnamese film programs and film weeks abroad.

Article 40. Films that participate in film festivals, film awards, film competitions, film programs, and film weeks in Vietnam and abroad

1. Films that participate in film festivals, film awards, film competitions, film programs, and film weeks in Vietnam or abroad are films with Film Rating Licenses or Broadcast Decisions.

2. In case the rules of international film festivals and film awards stipulate that the participating films are national representative films, the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam shall stipulate and organize the film selection.

Article 41. Incentive regulations for foreign organizations using film production services in Vietnam

Foreign organizations producing films with the use of backgrounds in Vietnam or film production services provided by Vietnamese organizations may receive tax incentives according to laws on tax.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Section 42. Establishment of Cinematographic Development Support Fund

1. The Cinematographic Development Support Fund is an off-budget state financial fund supported by the State with charter capital, established and operated according to law; has independent financial capacity; has revenues and expenditure tasks that do not coincide with revenues and expenditure tasks of the state budget; has legal personality, separate seals, and accounts. The Prime Minister of Vietnam shall decide on the establishment and approve the Charter for organization and operation of the Cinematographic Development Support Fund.

2. The Government of Vietnam shall elaborate this Article.

Section 43. The Cinematographic Development Support Fund aims to:

1. Provide support for projects on experimental films, debut films, and films of young authors.

2. Provide support for authors, film production projects, and outstanding Vietnamese films that participate in film festivals, film awards, film competitions, film fairs, film programs, and film weeks abroad.

3. Provide support for other activities for cinematographic development.

Section 44. Operational principles of the Cinematographic Development Support Fund

1. Operate not for profits; preserve the charter capital and cover its own management costs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Submit to the state inspection and audit regarding its activities.

4. Ensure publicity, transparency, thrift, efficiency, proper use, and compliance with the law, not coinciding with the budget provided by the state for public activities of cinematography. The fund shall not provide support for film production projects funded by the state budget.

5. Transfer the remaining budget of the previous year to the following year for use.

Chapter VII

RESONSIBILITIES OF STATE MANAGEMENT OF CINEMATOGRAPHY

Article 45. Responsibilities of state management of cinematography of the Government of Vietnam and the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam

1. The Government of Vietnam shall perform the unified state management of cinematography.

2. The Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam shall assist the Government of Vietnam in performing state management of cinematography and shall:

a) Promulgate (or request competent state agencies to promulgate) and organize the implementation of policies and legislative documents on cinematography, strategies, and plans for cinematographic development;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Develop national standards and technical regulations in cinematographic activities; statistical target system and cinematographic database;

d) Provide training and advanced training and develop cinematographic personnel;

dd) Conduct international cooperation in cinematographic activities; promote cinematographic development in Vietnam and abroad;

e) Research and apply science and technology to cinematographic activities;

g) Issue and revoke licenses in cinematographic activities; terminate the dissemination of films according to entitlements;

h) Perform emulation and commendation work in cinematographic activities;

i) Inspect, settle complaints and denunciations, and handle law violations in cinematographic activities according to entitlements.

Article 46. Responsibilities of state management of cinematography of Ministries and ministerial agencies

Ministries and ministerial agencies shall, within their scope of tasks and entitlements, cooperate with the Ministry of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam in performing the state management of cinematography.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. People's Committees of all levels shall, within their scope of tasks and entitlements, perform the state management of cinematography in their areas; ensure social security, order, and safety, health care, prevention and control of fire and explosion, and environmental protection at locations of film production, distribution, and dissemination.

2. People's Committees of provinces shall, within their scope of tasks and entitlements, implement regulations prescribed in Clause 1 of this Article and shall:

a) Develop, issue, and implement plans for cinematographic development in accordance with local situations;

b) Promulgate or request competent to promulgate supportive and attractive policies to facilitate local development of cinematography;

c) Invest in cinematographic development; develop, complete, and consolidate the local organization and local activities of film distribution and dissemination;

d) Receive notifications and respond to them regarding the dissemination of films at public screening venues under their management;

dd) Issue and revoke Film Rating Licenses in cinematographic activities; terminate the dissemination of films according to entitlements;

e) Inspect, settle complaints and denunciations, and handle law violations in cinematographic activities according to entitlements.

Chapter VIII

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 48. Amendments to the Law on Investment of Vietnam No. 61/2020/QH14 amended by Law No. 72/2020/QH14 and Law No. 03/2022/QH15

Amendments to Section 192 of Appendix IV - List of conditional business lines promulgated with the Law on Investment of Vietnam No. 61/2020/QH14 amended by Law No. 72/2020/QH14 and Law No. 03/2022/QH15:

192

Film dissemination services

Article 49. Entry into force

1. This Law comes into force as of January 1, 2023.

2. The Law on Cinematography of Vietnam No. 62/2006/QH11 amended by Law No. 31/2009/QH12, Law No. 35/2018/QH14, and Law No. 61/2020/QH14 will expire when this Law comes into force.

Article 50. Transitional provisions

1. Film Dissemination Licenses and Broadcast Decisions issued according to the Law on Cinematography of Vietnam No. 62/2006/QH11 amended by Law No. 31/2009/QH12, Law No. 35/2018/QH14, and Law No. 61/2020/QH14 may continue to comply with regulations prescribed thereof.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Films with Film Dissemination Licenses or Broadcast Decisions have yet to implement warnings and show film ratings to viewers according to regulations stipulated by the Minister of Culture, Sports, and Tourism of Vietnam, within 1 year after the effective date of this Law, supplement the warnings and display of film ratings for viewers in case of dissemination continuation.

This Law was approved by the 15th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 3rd meeting on June 15, 2022./.

 

 

PRESIDENT OF THE NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM




Vuong Dinh Hue

 

Văn bản được hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản được hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản bị đính chính - [0]
[...]
Văn bản bị thay thế - [0]
[...]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
[...]
Văn bản được căn cứ - [0]
[...]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]
[...]
Văn bản đang xem
Luật Điện ảnh 2022
Số hiệu: 05/2022/QH15
Loại văn bản: Luật
Lĩnh vực, ngành: Thương mại,Văn hóa - Xã hội
Nơi ban hành: Quốc hội
Người ký: Vương Đình Huệ
Ngày ban hành: 15/06/2022
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày đăng: Đã biết
Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
[...]
Văn bản hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản đính chính - [0]
[...]
Văn bản thay thế - [0]
[...]
[...] Đăng nhập tài khoản TVPL Basic hoặc TVPL Pro để xem toàn bộ lược đồ văn bản
Điềm này được hướng dẫn bởi Điều 4, 5 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...
Điều 4. Nhận chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kịch bản phim, phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao để tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu, lưu trữ và phục vụ nhiệm vụ chính trị

1. Cơ quan, tổ chức Nhà nước nhận chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kịch bản phim, phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao để tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu, lưu trữ và phục vụ nhiệm vụ chính trị bằng các hình thức mua hoặc nhận tặng cho kịch bản phim, phim.

2. Cơ quan, tổ chức Nhà nước mua kịch bản phim, phim bao gồm:

a) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp.

3. Trình tự, thủ tục đánh giá tư tưởng, nghệ thuật kịch bản phim, phim nhận chuyển giao như sau:

a) Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này thành lập Hội đồng đánh giá tư tưởng, nghệ thuật kịch bản phim, phim. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận để đi đến thống nhất, Hội đồng có ít nhất từ 05 thành viên (là số lẻ) bao gồm:

- Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo cơ quan nhận chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kịch bản phim, phim;

- Các Ủy viên khác của Hội đồng gồm đại diện cơ quan nhận chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kịch bản phim, phim; biên kịch, đạo diễn, các nhà chuyên môn về điện ảnh có kinh nghiệm, uy tín nghề nghiệp và các chức danh khác phù hợp do cơ quan nhận chuyển giao lựa chọn;

- Thư ký của Hội đồng do cơ quan nhận chuyển giao quyết định.

b) Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá kịch bản phim, phim, chấm điểm theo thang điểm 10, bội số là 0,5 theo tiêu chí sau:

- Xuất sắc: Chấm các điểm 9,0 đến 10 đối với kịch bản phim, phim có nội dung tư tưởng sâu sắc, giá trị nhân văn cao, khái quát được những vấn đề lớn của đời sống xã hội, có phát hiện độc đáo về cuộc sống và con người; ngôn ngữ điện ảnh, kỹ thuật cao, đặc sắc;

- Tốt: Chấm các điểm 7,5 đến 8,5 đối với kịch bản phim, phim có nội dung tư tưởng tốt, có tính nhân văn và giá trị xã hội; ngôn ngữ điện ảnh, kỹ thuật tốt, tạo được sức hấp dẫn;

- Khá: Chấm các điểm 6,0 đến 7,0 đối với kịch bản phim, phim có nội dung tư tưởng tốt, có ý nghĩa xã hội nhất định; ngôn ngữ điện ảnh, kỹ thuật còn hạn chế;

- Trung bình: Chấm các điểm từ 5,5 trở xuống đối với kịch bản phim, phim có nội dung tư tưởng, ngôn ngữ điện ảnh, kỹ thuật còn nhiều hạn chế.

c) Điểm số của thành viên Hội đồng chấm cho kịch bản phim, phim là cơ sở để tư vấn cho người đứng đầu cơ quan nhận chuyển giao đánh giá tư tưởng, nghệ thuật kịch bản phim, phim.

d) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhận chuyển giao căn cứ vào tư vấn của Hội đồng tư vấn để quyết định mua hoặc nhận tặng cho kịch bản phim, phim và chỉ mua bản phim, phim theo tiêu chí đánh giá Khá trở lên (có số điểm trung bình cộng từ 6,0 trở lên).

đ) Việc định giá (nếu có) trước khi tiếp nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng kịch bản phim, phim để tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu, lưu trữ và phục vụ nhiệm vụ chính trị thực hiện trên cơ sở thoả thuận giữa tổ chức, cá nhân chuyển giao và cơ quan, tổ chức nhận chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kịch bản phim, phim.

4. Trường hợp nhận chuyển giao kịch bản phim, phim trong hoạt động quan hệ quốc tế do người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiếp nhận chuyển giao quyết định.

5. Trong trường hợp kịch bản phim, phim sử dụng ngôn ngữ, tiếng nước ngoài, cơ quan, tổ chức tiếp nhận chuyển giao có trách nhiệm tổ chức dịch, biên tập và làm phụ đề để sử dụng.

Điều 5. Dịch, biên tập và làm phụ đề phim để phục vụ hoạt động giới thiệu đất nước, con người Việt Nam

1. Cơ quan, tổ chức Nhà nước tổ chức thực hiện nhiệm vụ dịch, biên tập và làm phụ đề phim để phục vụ hoạt động giới thiệu đất nước, con người Việt Nam bao gồm:

a) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp.

2. Việc dịch, biên tập và làm phụ đề phim để phục vụ hoạt động giới thiệu đất nước, con người Việt Nam phải bảo đảm:

a) Hiệu quả, chất lượng và đúng mục đích;

b) Tuân thủ quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Xem nội dung VB
Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh
...
2. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:
...
d) Nhận chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kịch bản phim, phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao để tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu, lưu trữ và phục vụ nhiệm vụ chính trị; biên tập, dịch, làm phụ đề phim để phục vụ hoạt động giới thiệu đất nước, con người Việt Nam;
Điềm này được hướng dẫn bởi Điều 4, 5 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điềm này được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...
Điều 6. Đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động điện ảnh

1. Đầu tư công nghệ tiên tiến phục vụ các hoạt động điện ảnh và công tác quản lý nhà nước.

2. Số hóa phim, kịch bản, dữ liệu, tài liệu khác và xây dựng hệ thống hạ tầng lưu trữ của các cơ sở lưu trữ phim và các cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh.

3. Xây dựng, đầu tư hệ thống hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến phục vụ công tác lưu trữ, thống kê dữ liệu hoạt động điện ảnh.

4. Nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hệ thống dữ liệu lớn, thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với xu thế phát triển điện ảnh.

5. Hiện đại hóa công nghệ và đầu tư thiết bị kỹ xảo, thiết bị kỹ thuật đồng bộ chuyên dụng, bảo đảm đủ điều kiện sản xuất phim, phát hành, phổ biến phim theo công nghệ hiện đại.

Xem nội dung VB
Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh
...
2. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:
...
e) Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động điện ảnh;
Điềm này được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...
Điều 7. Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước

Phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước là sản phẩm văn hóa đặc thù, gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến khi hoàn thành. Việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước quy định như sau:

1. Đối với phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam thực hiện phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.

2. Đối với phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình:

a) Thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với các dự án sản xuất phim theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

b) Thực hiện phương thức đấu thầu đối với các dự án sản xuất phim theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị về đề tài bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.

Xem nội dung VB
Điều 14. Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước

1. Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước để phục vụ nhiệm vụ chính trị quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 của Luật này được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...

Điều 8. Quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước

Căn cứ kế hoạch sản xuất phim đã được phê duyệt và kết quả thẩm định kịch bản của Hội đồng thẩm định kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, chủ đầu tư và cơ quan quản lý dự án tổ chức lựa chọn dự án sản xuất phim như sau:

1. Đối với phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng:

a) Cơ sở điện ảnh sản xuất phim có kịch bản được tuyển chọn lập Hồ sơ dự án sản xuất phim gửi cơ quan quản lý dự án trình Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, gồm:

- Hồ sơ theo quy định của pháp luật về giao nhiệm vụ, đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.

- Hồ sơ chứng minh năng lực tài chính, kế hoạch, tiến độ sản xuất.

- Dự toán chi phí sản xuất phim (đối với phương thức giao nhiệm vụ) hoặc phương án giá đặt hàng sản xuất phim (đối với phương thức đặt hàng), bao gồm:

+ Tổng dự toán chi phí sản xuất phim;

+ Danh mục trang thiết bị kỹ thuật (nêu rõ mã ký hiệu, tính năng, thông số kỹ thuật) phục vụ dự án sản xuất phim (bao gồm trang thiết bị có sẵn và thuê, mướn);

+ Chi phí tiền công, tiền lương.

- Phương án phát hành, phổ biến phim.

- Văn bản cam đoan về quyền tác giả đối với kịch bản phim.

- Hồ sơ đối với phim truyện và phim kết hợp nhiều loại hình gồm có:

+ Kịch bản, kịch bản phân cảnh và phương án sản xuất phim;

+ Danh sách một số chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh gồm đạo diễn, biên kịch, quay phim, giám đốc sản xuất phim.

- Hồ sơ đối với phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình gồm có:

+ Kịch bản, kịch bản phân cảnh các cụm bối cảnh quay;

+ Danh sách một số chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh gồm đạo diễn, biên kịch, họa sĩ (đối với phim hoạt hình), quay phim, giám đốc sản xuất phim.

b) Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước do chủ đầu tư thành lập, tiếp nhận Hồ sơ và thực hiện thẩm định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Kết quả thẩm định của Hội đồng để tư vấn cho chủ đầu tư xem xét, quyết định lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, quyết định lựa chọn phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng; trong trường hợp lựa chọn phương thức đặt hàng, việc quyết định giá tối đa, giá cụ thể theo quy định của pháp luật về giá;

c) Cơ quan quản lý dự án ký hợp đồng đặt hàng sản xuất phim với cơ sở điện ảnh hoặc trình chủ đầu tư quyết định giao nhiệm vụ cho cơ sở điện ảnh có dự án sản xuất phim được lựa chọn.

2. Đối với phương thức đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và hồ sơ quy định như sau:

- Hồ sơ theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

- Hồ sơ chứng minh năng lực tài chính, kế hoạch, tiến độ sản xuất.

- Dự toán chi phí sản xuất phim bao gồm:

+ Tổng dự toán chi phí sản xuất phim;

+ Danh mục trang thiết bị kỹ thuật (nêu rõ mã ký hiệu, tính năng, thông số kỹ thuật) phục vụ dự án sản xuất phim (bao gồm trang thiết bị có sẵn và thuê, mướn);

+ Chi phí tiền công, tiền lương.

- Phương án phát hành, phổ biến phim và phương án phân chia lợi nhuận.

+ Dự kiến chi phí phát hành;

+ Dự kiến doanh thu phát hành.

- Văn bản cam đoan về quyền tác giả đối với kịch bản phim.

- Hồ sơ đối với phim truyện và phim kết hợp nhiều loại hình gồm có:

+ Kịch bản, kịch bản phân cảnh và phương án sản xuất phim;

+ Danh sách một số chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh gồm đạo diễn, biên kịch, quay phim, giám đốc sản xuất phim.

- Hồ sơ đối với phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình gồm có:

+ Kịch bản, kịch bản phân cảnh các cụm bối cảnh quay;

+ Danh sách một số chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh gồm đạo diễn, biên kịch, họa sĩ (đối với phim hoạt hình), quay phim, giám đốc sản xuất phim.


Xem nội dung VB
Điều 14. Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước
...
3. Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 9 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...
Điều 9. Tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam, thời lượng và khung giờ chiếu phim cho trẻ em trong hệ thống rạp chiếu phim

1. Phim Việt Nam phải được chiếu trong hệ thống rạp chiếu phim, đặc biệt vào các đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Phim Việt Nam được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ.

3. Tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp chiếu phim được thực hiện theo lộ trình sau:

a) Giai đoạn 1: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, bảo đảm đạt ít nhất 15% tổng số suất chiếu trong năm;

b) Giai đoạn 2: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026, bảo đảm đạt ít nhất 20% tổng số suất chiếu trong năm.

4. Giờ chiếu phim cho trẻ em dưới 13 tuổi tại rạp kết thúc trước 22 giờ, cho trẻ em dưới 16 tuổi kết thúc trước 23 giờ.

Xem nội dung VB
Điều 19. Phổ biến phim trong rạp chiếu phim
...
3. Cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong rạp chiếu phim phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:

a) Bảo đảm tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam, thời lượng và khung giờ chiếu phim cho trẻ em;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 9 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điềm này được hướng dẫn bởi Điều 10 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...
Điều 10. Miễn, giảm giá vé cho người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật

1. Người cao tuổi, người có công với cách mạng, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật được giảm ít nhất 20% giá vé xem phim khi trực tiếp sử dụng dịch vụ xem phim tại rạp chiếu phim.

2. Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn giá vé; người khuyết tật nặng được giảm tối thiểu 50% giá vé xem phim khi trực tiếp sử dụng dịch vụ xem phim tại rạp chiếu phim.

Xem nội dung VB
Điều 19. Phổ biến phim trong rạp chiếu phim
...
3. Cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong rạp chiếu phim phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:
...
c) Miễn, giảm giá vé cho người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng khác theo quy định của pháp luật;
Điềm này được hướng dẫn bởi Điều 10 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 11 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...
Điều 11. Tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với phim nước ngoài, khung giờ phát sóng phim Việt Nam, thời lượng và khung giờ phát sóng phim cho trẻ em trên các kênh có phát phim trên kênh truyền hình trong nước

1. Phim Việt Nam được phát sóng trên các kênh truyền hình trong nước phải được:

a) Tăng thời lượng chiếu vào các ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại;

b) Chiếu theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại.

2. Phim Việt Nam được ưu tiên phát sóng vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ.

3. Thời lượng phát sóng phim Việt Nam trên các kênh truyền hình được thực hiện theo lộ trình sau:

a) Giai đoạn 1: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, bảo đảm đạt ít nhất 15% thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với tổng thời lượng phát sóng phim trên các kênh truyền hình trong nước, loại trừ dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên không gian mạng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình;

b) Giai đoạn 2: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026, bảo đảm đạt ít nhất 20% thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với tổng thời lượng phát sóng phim trên các kênh truyền hình trong nước, loại trừ dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên không gian mạng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình.

4. Phim cho trẻ em được ưu tiên phát sóng vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ. Thời lượng phát sóng phim cho trẻ em dưới 16 tuổi đạt ít nhất 5% so với tổng số thời lượng phát sóng phim trên các kênh truyền hình trong nước.

Xem nội dung VB
Điều 20. Phổ biến phim trên hệ thống truyền hình
...
2. Cơ quan báo chí quy định tại khoản 1 Điều này phổ biến phim trên hệ thống truyền hình phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này và phải bảo đảm tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với phim nước ngoài, khung giờ phát sóng phim Việt Nam, thời lượng và khung giờ phát sóng phim cho trẻ em trên các kênh truyền hình trong nước theo quy định của Chính phủ.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 11 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 12 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...
Điều 12. Điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng

1. Điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng bao gồm:

a) Có hội đồng phân loại phim hoặc có phần mềm kỹ thuật hoặc có cơ chế để thực hiện việc phân loại phim theo quy định về phân loại phim của Việt Nam và chịu trách nhiệm về kết quả phân loại phim;

b) Có phương án sửa đổi, cập nhật kết quả phân loại phim khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Công cụ quản trị phải hỗ trợ việc phân loại phim theo từng tiêu chí và hiển thị linh hoạt ngay sau khi phim được cập nhật thay đổi về phân loại;

c) Có phương án kỹ thuật và quy trình thực hiện tạm dừng phổ biến, gỡ bỏ phim theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau khi có yêu cầu gỡ bỏ phim, bộ phận vận hành phải thực hiện quy trình để triển khai thao tác gỡ bỏ phim trên công cụ quản trị.

2. Hồ sơ đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng:

a) Tài liệu cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Báo cáo thuyết minh các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trình tự, thủ tục đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng:

a) Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng nộp 01 bộ hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận báo cáo, trả lời bằng văn bản và đăng tải công khai tên doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện phân loại phim trên không gian mạng trên Hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng; trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Trường hợp thay đổi nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng có trách nhiệm gửi thông báo những nội dung thay đổi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, nếu không đồng ý, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp thay đổi nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng phải thực hiện lại trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Trường hợp doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện thực hiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng có kết quả phân loại phim không phù hợp với kết quả do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện khi kiểm tra:

a) Thực hiện sửa đổi, cập nhật kết quả phân loại phim theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Được coi là chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim khi kết quả phân loại, hiển thị kết quả phân loại không phù hợp với kết quả phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quá 05 lần trong vòng 01 tháng đối với Loại P, Loại T18, Loại T16, Loại T13 và 02 lần trong 06 tháng đối với Loại C thì phải thực hiện phân loại phim theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Luật Điện ảnh;

Sau thời hạn 03 tháng, thực hiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này để tiếp tục triển khai phân loại phim.

Xem nội dung VB
Điều 21. Phổ biến phim trên không gian mạng
...
2. Chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 18 của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định sau đây:
...
b) Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27 của Luật này;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 12 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 13 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...
Điều 13. Thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng

Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim thông qua Hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi phổ biến phim trên không gian mạng.

Xem nội dung VB
Điều 21. Phổ biến phim trên không gian mạng
...
2. Chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 18 của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định sau đây:
...
c) Thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 13 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 14 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...
Điều 14. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng

1. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phải thiết lập các biện pháp kỹ thuật cần thiết để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em có khả năng dùng các biện pháp kỹ thuật đó để kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phù hợp với độ tuổi bằng một trong các biện pháp sau:

a) Xây dựng cơ chế tài khoản đa người dùng bao gồm tài khoản dành riêng cho đối tượng trẻ em, trong đó: các tài khoản phải có mật khẩu bảo vệ, có cơ chế xác nhận khi chuyển tài khoản, có cơ chế báo cáo cho chủ tài khoản về lịch sử xem và hành vi của tài khoản trẻ em;

b) Khi truy cập phim gắn nhãn không dành cho trẻ em được truy cập sẽ có thông báo hiển thị xác nhận về độ tuổi truy cập;

c) Biện pháp có tính chất tương tự khác.

2. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phải thiết lập các biện pháp kỹ thuật cần thiết, hiển thị phần báo cáo nội dung không phù hợp trong màn hình trình chiếu nội dung hoặc nội dung không phù hợp với phân loại độ tuổi người dùng được dán nhãn để người sử dụng dịch vụ khiếu nại, phản ánh, báo cáo phim vi phạm đối với chính doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khi người sử dụng dịch vụ có lý do để phản hồi trong các trường hợp sau:

a) Có nội dung và hành vi vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh;

b) Biện pháp kỹ thuật quy định tại khoản 1 Điều này vi phạm quy định pháp luật có liên quan;

c) Các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng.

3. Trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết:

a) Công khai hướng dẫn cách sử dụng các biện pháp kỹ thuật tại khoản 1 và 2 Điều này trên các ứng dụng hoặc trang thông tin điện tử phổ biến phim trên không gian mạng của mình;

b) Bảo đảm các biện pháp kỹ thuật quy định tại khoản 1 và 2 Điều này phải rõ ràng, minh bạch, dễ sử dụng;

c) Xử lý phản ánh, khiếu nại, báo cáo của người sử dụng dịch vụ chậm nhất trong 48 giờ kể từ khi nhận được phản ánh, khiếu nại, báo cáo nếu phản ánh, khiếu nại, báo cáo có căn cứ cụ thể, rõ ràng và kèm theo thông tin liên hệ của người sử dụng dịch vụ.

Xem nội dung VB
Điều 21. Phổ biến phim trên không gian mạng
...
2. Chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 18 của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định sau đây:
...
d) Thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim; để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm quy định của Luật này;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 14 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 15 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...
Điều 15. Cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước

1. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phải cung cấp các thông tin sau cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

a) Tên doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức;

b) Đầu mối liên hệ: tên cơ quan, tổ chức hoặc người đại diện tại Việt Nam, địa chỉ email, điện thoại liên hệ.

2. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng sau khi tiếp nhận yêu cầu phải thực hiện dừng, gỡ bỏ phim vi phạm chậm nhất trong 24 giờ đối với các phim có nội dung bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan, trong vòng 03 đến 05 ngày đối với các nội dung vi phạm khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Xem nội dung VB
Điều 21. Phổ biến phim trên không gian mạng
...
2. Chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 18 của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định sau đây:
...
đ) Cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 15 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 16 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...
Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số trong việc gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm

1. Triển khai các giải pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm chậm nhất trong 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Các nội dung của phim vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Xem nội dung VB
Điều 21. Phổ biến phim trên không gian mạng
...
3. Tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số để phổ biến phim tại Việt Nam có trách nhiệm sau đây:

a) Triển khai các giải pháp kỹ thuật, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 16 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 17 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...
Điều 17. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông

Tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông phải bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

1. Trường hợp phát hiện phim phổ biến trên không gian mạng có nội dung vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyền yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn truy cập phim vi phạm pháp luật. Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các vi phạm đã được xử lý theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thời gian hoàn thành chậm nhất không quá 03 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu.

3. Các nội dung của phim vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Xem nội dung VB
Điều 21. Phổ biến phim trên không gian mạng
...
4. Tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông có trách nhiệm ngăn chặn truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 17 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 18 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...
Điều 18. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương tiếp nhận thông báo về việc chiếu phim công cộng

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận thông báo của các nhà hát, nhà văn hóa, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa, câu lạc bộ, sân vận động, nhà thi đấu thể thao, quảng trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận thông báo của các cơ sở cung cấp dịch vụ lưu trú, các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, vũ trường, cửa hàng, cửa hiệu và địa điểm công cộng khác.

Xem nội dung VB
Điều 22. Phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng
...
2. Tổ chức phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng phải thông báo bằng văn bản về nội dung, chương trình chiếu phim cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận được thông báo, nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức phổ biến phim được phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng; trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 18 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 19 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...
Điều 19. Điều kiện cơ quan, tổ chức Việt Nam tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam

Cơ quan, tổ chức Việt Nam quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Điện ảnh khi tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Có đăng ký kinh doanh hoặc có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động điện ảnh hoặc được cấp có thẩm quyền giao hoặc được phê duyệt tổ chức.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm hoạt động điện ảnh. Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa đáp ứng được điều kiện này thì phải kết hợp với cơ quan, tổ chức tại khoản 1 Điều này có người đứng đầu đáp ứng đủ tiêu chuẩn có ít nhất 05 năm kinh nghiệm hoạt động điện ảnh.

3. Có năng lực tài chính bảo đảm cho công tác tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam.

4. Có đề án tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam gửi cùng thông báo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 38 Luật Điện ảnh.

Xem nội dung VB
Điều 38. Liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam
...
2. Cơ quan, tổ chức Việt Nam không phải là cơ quan nhà nước ở trung ương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ và phải thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 19 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 20 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
...
Điều 20. Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

1. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đại diện chủ sở hữu.

2. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được hình thành từ các nguồn sau:

a) Vốn điều lệ của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh do ngân sách nhà nước cấp. Việc cấp vốn thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ;

b) Huy động đóng góp tự nguyện, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn thu nhập hợp pháp khác;

c) Tiền lãi từ tiền gửi của Quỹ tại ngân hàng;

d) Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Xem nội dung VB
Điều 42. Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
...
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 20 Nghị định 131/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điểm này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư 17/2022/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 15/02/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định các mẫu văn bản trong hoạt động điện ảnh.
...
Điều 2. Các mẫu văn bản trong hoạt động điện ảnh

Ban hành kèm theo Thông tư này phụ lục các mẫu văn bản trong hoạt động điện ảnh:

1. Phụ lục I: Mẫu đơn đề nghị

a) Mẫu số 01: Đơn đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam;

b) Mẫu số 02: Đơn đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim;

c) Mẫu số 03: Đơn đề nghị cấp Giấy phép tổ chức liên hoan phim/liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề/giải thưởng phim/cuộc thi phim tại Việt Nam;

d) Mẫu số 04: Đơn đề nghị cấp Giấy phép tổ chức chương trình phim/tuần phim tại Việt Nam.
...
PHỤ LỤC I MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Mẫu số 01 ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP CUNG CẤP DỊCH VỤ QUAY PHIM SỬ DỤNG BỐI CẢNH TẠI VIỆT NAM
...
Mẫu số 02 ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP PHÂN LOẠI PHIM
...
Mẫu số 03 ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP TỔ CHỨC LIÊN HOAN PHIM/LIÊN HOAN PHIM CHUYÊN NGÀNH, CHUYÊN ĐỀ/
GIẢI THƯỞNG PHIM/CUỘC THI PHIM TẠI VIỆT NAM
...
Mẫu số 04 ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH PHIM/TUẦN PHIM TẠI VIỆT NAM

Xem nội dung VB
Điều 13. Hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài
...
3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
Điểm này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư 17/2022/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 15/02/2023
Điểm này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 2 Phụ lục II Thông tư 17/2022/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 15/02/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định các mẫu văn bản trong hoạt động điện ảnh.
...
Điều 2. Các mẫu văn bản trong hoạt động điện ảnh

Ban hành kèm theo Thông tư này phụ lục các mẫu văn bản trong hoạt động điện ảnh:
...
2. Phụ lục II: Mẫu Giấy phép phân loại phim
...
PHỤ LỤC II MẪU GIẤY PHÉP PHÂN LOẠI PHIM

Xem nội dung VB
Điều 27. Cấp Giấy phép phân loại phim
...
3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
Điểm này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 2 Phụ lục II Thông tư 17/2022/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 15/02/2023
Xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực Điện ảnh được hướng dẫn bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2023
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều, mục của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo
...
4. Sửa đổi, bổ sung Mục 1 Chương II như sau:

“Mục 1 HÀNH VI VI PHẠM VỀ ĐIỆN ẢNH

Điều 6. Vi phạm quy định về nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh
...
Điều 7. Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh
...
Điều 8. Vi phạm quy định về sản xuất phim
...
Điều 9. Vi phạm quy định về phát hành phim
...
Điều 10. Vi phạm quy định về phổ biến phim
...
Điều 10a. Vi phạm quy định về lưu chiểu, lưu trữ phim, liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim

Xem nội dung VB
LUẬT ĐIỆN ẢNH
Xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực Điện ảnh được hướng dẫn bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2023
Tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định kịch bản phim được hướng dẫn bởi Thông tư 19/2022/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 20/02/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định kịch bản phim sử dụng ngân sách nhà nước.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Chương II TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 3. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng
...
Điều 4. Thành lập Hội đồng
...
Điều 5. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng
...
Điều 6. Hoạt động của Hội đồng
...
Điều 7. Quyền và trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên, Thường trực Hội đồng và Thư ký Hội đồng
...
Điều 8. Cho thôi, miễn nhiệm và thay thế thành viên Hội đồng
...
Điều 9. Tiêu chí đánh giá, chấm điểm, xếp loại kịch bản
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Tổ chức thực hiện
...
Điều 11. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 12. Hiệu lực thi hành
...
Phụ lục 1 PHIẾU THẨM ĐỊNH KỊCH BẢN
...
Phụ lục 2 BIÊN BẢN HỌP Hội đồng thẩm định kịch bản phim (truyện/tài liệu, khoa học/ hoạt hình)
...
Phụ lục 3 V/v …...………..

Xem nội dung VB
Điều 31. Hội đồng thẩm định, phân loại phim
...
3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định, phân loại phim.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 11/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 21/11/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định, phân loại phim.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định, phân loại phim (sau đây gọi là Hội đồng) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép phân loại phim, cơ quan cấp quyết định phát sóng để phổ biến phim trên hệ thống truyền hình; Hội đồng thẩm định, phân loại phim của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhà chuyên môn điện ảnh là người có bằng đại học trở lên ngành, chuyên ngành điện ảnh.

2. Phim ngắn là phim truyện và phim kết hợp nhiều loại hình có thời lượng dưới 60 phút.

Chương II TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH, PHÂN LOẠI PHIM

Điều 4. Chức năng của Hội đồng

Hội đồng có chức năng thẩm định, phân loại phim để tư vấn cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi là cơ quan cấp giấy phép), cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình (sau đây gọi là cơ quan cấp quyết định phát sóng) trước khi cấp Giấy phép phân loại phim, Quyết định phát sóng theo quy định tại Điều 31 Luật Điện ảnh.

Điều 5. Thành lập Hội đồng

1. Các Hội đồng thẩm định, phân loại phim

a) Hội đồng thẩm định, phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình;

b) Hội đồng thẩm định, phân loại phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, phim ngắn;

c) Hội đồng thẩm định, phân loại phim tham gia liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam và nước ngoài;

d) Hội đồng thẩm định, phân loại phim trên không gian mạng;

đ) Hội đồng thẩm định, phân loại phim trên hệ thống truyền hình Việt Nam, trên gói dịch vụ truyền hình theo yêu cầu, trên dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên không gian mạng thuộc cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình cung cấp nội dung đó.

2. Thẩm quyền thành lập Hội đồng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Điện ảnh.

3. Cơ quan cấp giấy phép, cơ quan cấp quyết định phát sóng có thể tổ chức một hoặc nhiều Hội đồng cho mỗi loại hình phim phù hợp với số lượng phim theo yêu cầu thực tế.

Điều 6. Tổ chức của Hội đồng

1. Thành phần của Hội đồng gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, bao gồm đại diện cơ quan cấp giấy phép hoặc cơ quan cấp quyết định phát sóng, nhà chuyên môn điện ảnh, chuyên gia, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực liên quan, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Điện ảnh.

a) Đối với Hội đồng quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 5 Thông tư này, Chủ tịch Hội đồng là nhà chuyên môn điện ảnh, Phó Chủ tịch Hội đồng là đại diện cơ quan cấp giấy phép, cơ quan được ủy quyền hoặc được phân cấp cấp giấy phép;

b) Đối với Hội đồng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư này, 2/3 Ủy viên Hội đồng là nhà chuyên môn điện ảnh;

c) Đối với Hội đồng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư này, thành phần Hội đồng bao gồm đại diện cơ quan cấp phép, nhà chuyên môn điện ảnh, chuyên gia, đại diện các cơ quan tuyên giáo, an ninh, ngoại giao và các cơ quan khác có liên quan;

d) Trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan cấp giấy phép, cơ quan cấp quyết định phát sóng sau khi thống nhất với Chủ tịch Hội đồng có thể mời chuyên gia các lĩnh vực liên quan khác tham gia để tham khảo ý kiến. Chuyên gia tham gia thẩm định hưởng thù lao theo quy định hiện hành.

2. Thường trực Hội đồng gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và 01 Ủy viên Hội đồng là đại diện cơ quan cấp giấy phép, cơ quan cấp quyết định phát sóng.

3. Trường hợp Hội đồng chỉ có 03 thành viên, thành phần Hội đồng bao gồm Chủ tịch và các Ủy viên, không có thường trực Hội đồng.

4. Thư ký Hội đồng làm nhiệm vụ giúp việc cho Hội đồng, do cơ quan cấp giấy phép cử, làm việc theo nhiệm kỳ của Hội đồng. Thư ký Hội đồng có thể là thành viên Hội đồng.

5. Số lượng thành viên của Hội đồng

a) Hội đồng quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 5 Thông tư này có ít nhất 07 (bảy) thành viên, số lượng thành viên là số lẻ;

b) Hội đồng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư này có ít nhất 03 (ba) thành viên, số lượng thành viên là số lẻ;

c) Hội đồng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông tư này có ít nhất 05 (năm) thành viên, số lượng thành viên là số lẻ.

6. Nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng là 02 (hai) năm.

Điều 7. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng

1. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thảo luận công khai, quyết định theo đa số kết quả thẩm định của các thành viên Hội đồng.

2. Buổi làm việc thẩm định, phân loại phim của Hội đồng hợp lệ phải có trên 1/2 tổng số thành viên tham dự, trong đó phải có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch.

3. Kết luận thẩm định, phân loại phim của Hội đồng phải được từ 2/3 số thành viên trở lên có mặt đồng ý, được lưu trong Biên bản thẩm định, phân loại phim của Hội đồng do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch (được ủy quyền) ký.

Trường hợp thành viên Hội đồng thuộc thành phần tham gia sản xuất phim trình thẩm định, phân loại thì không tham gia thẩm định, phân loại phim đó.

4. Cơ quan cấp giấy phép, cơ quan cấp quyết định phát sóng tổ chức và mời Hội đồng họp để đánh giá hoạt động của Hội đồng ít nhất 01 (một) lần/năm.

5. Phiếu thẩm định, phân loại phim của thành viên Hội đồng được lưu cùng hồ sơ thẩm định, phân loại phim. Hồ sơ lưu tại cơ quan cấp giấy phép, cơ quan cấp quyết định phát sóng.

6. Hội đồng thẩm định, phân loại phim phổ biến trên không gian mạng hoạt động theo hình thức tập trung hoặc không tập trung với 100% tổng số thành viên của Hội đồng tham dự thẩm định. Các thành viên Hội đồng thẩm định, phân loại phim gửi Phiếu thẩm định, phân loại phim theo mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này cho Thư ký Hội đồng để tổng hợp.

7. Hội đồng làm việc theo hình thức tập trung thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này. Hội đồng làm việc theo hình thức không tập trung thực hiện theo khoản 4, 5 và 6 Điều này.

8. Cơ quan cấp giấy phép, cơ quan cấp quyết định phát sóng đảm bảo tổ chức, hoạt động của các Hội đồng.

Điều 8. Quyền, trách nhiệm của Hội đồng

1. Quyền, trách nhiệm của Hội đồng

a) Tuân thủ các nguyên tắc hoạt động của Hội đồng theo Điều 7 Thông tư này, thực hiện việc thẩm định, phân loại phim theo tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo và các quy định pháp luật liên quan;

b) Thành viên Hội đồng được hưởng thù lao theo quy định hiện hành.

2. Quyền, trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng

a) Chủ trì buổi thẩm định, phân loại phim;

b) Chủ trì thảo luận, kết luận và ký Biên bản thẩm định, phân loại phim;

c) Ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi thẩm định, phân loại phim trong trường hợp vắng mặt;

d) Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng (được ủy quyền) là người phát ngôn chính thức của Hội đồng;

đ) Thực hiện các quyền, trách nhiệm của Ủy viên Hội đồng quy định tại khoản 4 Điều này.

3. Quyền, trách nhiệm của Phó Chủ tịch Hội đồng

a) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi thẩm định, phân loại phim và là người phát ngôn của Hội đồng (trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt và được ủy quyền);

b) Thực hiện các quyền, trách nhiệm của Ủy viên Hội đồng quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Quyền, trách nhiệm của Ủy viên Hội đồng

a) Thẩm định, phân loại phim và đề nghị mức phân loại, tiêu chí đánh giá vào Phiếu thẩm định, phân loại phim;

b) Tham gia đầy đủ các buổi thẩm định, phân loại phim, trường hợp vắng mặt phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch (được ủy quyền);

c) Thực hiện bảo mật thông tin, tài liệu liên quan công tác thẩm định, phân loại phim theo quy định của pháp luật. Ủy viên Hội đồng không được công bố nội dung thảo luận, nội dung bộ phim và ý kiến kết luận của Hội đồng khi chưa được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng;

d) Không sử dụng chức danh Ủy viên Hội đồng trong các hoạt động khác ngoài phạm vi hoạt động của Hội đồng.

5. Quyền, trách nhiệm của thường trực Hội đồng

a) Cung cấp cho Hội đồng thông tin liên quan đến phim đề nghị cấp phép;

b) Kiểm tra lại phim biên tập, chỉnh sửa theo ý kiến và ủy quyền của Hội đồng.

Điều 9. Cho thôi, miễn nhiệm và thay thế thành viên Hội đồng

Trong nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng, cơ quan thành lập Hội đồng quyết định cho thôi, miễn nhiệm và thay thế thành viên Hội đồng trong các trường hợp sau:

1. Thành viên Hội đồng có văn bản của cá nhân đề nghị xin thôi không tham gia Hội đồng.

2. Thành viên Hội đồng vắng mặt không có lý do chính đáng 03 (ba) buổi làm việc liên tiếp của Hội đồng.

3. Thành viên Hội đồng vi phạm nguyên tắc hoạt động, quyền và trách nhiệm của Hội đồng quy định tại Điều 7 và 8 Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 10. Các mẫu văn bản

Ban hành kèm theo Thông tư này các Phụ lục về mẫu phiếu thẩm định, phân loại phim; mẫu biên bản thẩm định, phân loại phim; mẫu Giấy phép phân loại phim và mẫu Quyết định không cho phép phổ biến phim đối với Hội đồng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 5 Thông tư này. Đối với Hội đồng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông tư này, các mẫu phiếu, biên bản thẩm định, phân loại phim và mẫu quyết định phát sóng do cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình quyết định.

1. Phụ lục I: Mẫu phiếu thẩm định, phân loại phim

a) Mẫu số 01: Phiếu thẩm định, phân loại phim Việt Nam;

b) Mẫu số 02: Phiếu thẩm định, phân loại phim nhập khẩu;

c) Mẫu số 03: Phiếu thẩm định, phân loại phim tham gia liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam và nước ngoài;

d) Mẫu số 04: Phiếu thẩm định, phân loại phim trên không gian mạng.

2. Phụ lục II: Mẫu Biên bản thẩm định, phân loại phim

a) Mẫu số 01: Biên bản thẩm định, phân loại phim Việt Nam;

b) Mẫu số 02: Biên bản thẩm định, phân loại phim nhập khẩu;

c) Mẫu số 03: Biên bản thẩm định, phân loại phim tham gia liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam và nước ngoài;

d) Mẫu số 04: Biên bản thẩm định, phân loại phim trên không gian mạng.

3. Phụ lục III: Mẫu Giấy phép phân loại phim và Mẫu Quyết định không cho phép phổ biến phim.

a) Mẫu Giấy phép phân loại phim;

b) Mẫu Quyết định không cho phép phổ biến phim.

Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Điều khoản chuyển tiếp

Các Hội đồng thẩm định, phân loại phim đã thành lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ và thực hiện theo các quy định tại Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022 và Thông tư này.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 21 tháng 11 năm 2023.

2. Bãi bỏ Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 09 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim, Thông tư số 12/2015/TT-BVHTTDL ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL và Thông tư số 08/2010/TT-BVHTTDL ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định phim của đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình.

3. Bãi bỏ khoản 2 Điều 2 Thông tư số 17/2022/TT-BVHTTDL ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định các mẫu văn bản trong hoạt động điện ảnh và Phụ lục II Mẫu giấy phép phân loại phim ban hành kèm Thông tư số 17/2022/TT-BVHTTDL ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị cơ quan, đơn vị, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Điện ảnh) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
...
PHỤ LỤC I MẪU PHIẾU THẨM ĐỊNH, PHÂN LOẠI PHIM

Mẫu số 01 PHIẾU THẨM ĐỊNH, PHÂN LOẠI PHIM VIỆT NAM
...
Mẫu số 02 PHIẾU THẨM ĐỊNH, PHÂN LOẠI PHIM NHẬP KHẨU
...
Mẫu số 03 PHIẾU THẨM ĐỊNH, PHÂN LOẠI PHIM THAM GIA LIÊN HOAN PHIM, LIÊN HOAN PHIM CHUYÊN NGÀNH, CHUYÊN ĐỀ, GIẢI THƯỞNG PHIM, CUỘC THI PHIM, CHƯƠNG TRÌNH PHIM, TUẦN PHIM TẠI VIỆT NAM VÀ NƯỚC NGOÀI
...
Mẫu số 04 PHIẾU THẨM ĐỊNH, PHÂN LOẠI PHIM NHẬP KHẨU
...
PHỤ LỤC II MẪU BIÊN BẢN THẨM ĐỊNH, PHÂN LOẠI PHIM

Mẫu số 01 BIÊN BẢN THẨM ĐỊNH, PHÂN LOẠI PHIM VIỆT NAM
...
Mẫu số 02 BIÊN BẢN THẨM ĐỊNH, PHÂN LOẠI PHIM NHẬP KHẨU
...
Mẫu số 03 BIÊN BẢN THẨM ĐỊNH, PHÂN LOẠI PHIM THAM GIA LIÊN HOAN PHIM, LIÊN HOAN PHIM CHUYÊN NGÀNH, CHUYÊN ĐỀ, GIẢI THƯỞNG PHIM, CUỘC THI PHIM, CHƯƠNG TRÌNH PHIM, TUẦN PHIM TẠI VIỆT NAM VÀ NƯỚC NGOÀI
...
Mẫu số 04 BIÊN BẢN THẨM ĐỊNH, PHÂN LOẠI PHIM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
...
PHỤ LỤC III MẪU GIẤY PHÉP PHÂN LOẠI PHIM VÀ MẪU QUYẾT ĐỊNH KHÔNG CHO PHÉP PHỔ BIẾN PHIM

Mẫu số 01 GIẤY PHÉP PHÂN LOẠI PHIM
...
Mẫu số 02 QUYẾT ĐỊNH KHÔNG CHO PHÉP PHỔ BIẾN PHIM

Xem nội dung VB
Điều 31. Hội đồng thẩm định, phân loại phim
...
3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định, phân loại phim.
Tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định kịch bản phim được hướng dẫn bởi Thông tư 19/2022/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 20/02/2023
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 11/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 21/11/2023
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 2, Điều 3 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 20/05/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo.
...
Điều 2. Mức phân loại phim

Mức phân loại phim theo tiêu chí phân loại quy định tại Điều 3 Thông tư này được xếp từ thấp đến cao như sau:

1. Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;

2. Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;

3. Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;

4. Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên;

5. Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;

6. Loại C: Phim không được phép phổ biến.

Điều 3. Tiêu chí phân loại phim

1. Tiêu chí phân loại phim bao gồm:

a) Tiêu chí về chủ đề, nội dung;

b) Tiêu chí về bạo lực;

c) Tiêu chí về khỏa thân, tình dục;

d) Tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện;

đ) Tiêu chí về kinh dị;

e) Tiêu chí về ngôn ngữ thô tục;

g) Tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

2. Việc đánh giá phân loại phim theo quy định tại Điều 2 Thông tư này dựa trên các nguyên tắc chung sau đây:

a) Bảo vệ trẻ em và các đối tượng khác dễ bị tổn thương đối với các nội dung không phù hợp hoặc có thể có tác động tiêu cực;

b) Căn cứ cách thể hiện, các tình huống và bối cảnh cụ thể, tính tương tác, tần suất, thời lượng, mức độ chi tiết của hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, lời thoại và mức độ tác động của bộ phim đối với người xem, trong đó tầm quan trọng của bối cảnh và mức độ tác động đến người xem là những yếu tố ưu tiên trong việc phân loại phim;

c) Tùy vào nội dung, phim được cân nhắc phân loại ở mức thấp hơn khi có các tình tiết:

- Khi được miêu tả bằng lời nói thay vì hình ảnh;

- Hình ảnh có mức độ tác động thấp.

d) Tùy vào nội dung, phim được cân nhắc phân loại ở mức cao hơn khi có các tình tiết:

- Chứa nhiều chi tiết hơn, bao gồm cả việc quay cận cảnh và quay chậm;

- Sử dụng các kỹ thuật tạo điểm nhấn như kỹ thuật ánh sáng, phối cảnh và độ phân giải;

- Sử dụng các hiệu ứng đặc biệt như ánh sáng và âm thanh, độ phân giải, màu sắc, kích thước của hình ảnh, đặc điểm và tông màu;

- Được tả thực, thay vì cách điệu;

- Khuyến khích tương tác;

- Mức độ tác động cộng hưởng của nhiều tiêu chí phân loại.

đ) Trường hợp phim ở giữa các mức phân loại, thì phim có cách xử lý tình huống và kết quả thể hiện thông điệp giáo dục, nhân văn, ca ngợi các giá trị đạo đức, xã hội, tác động tích cực tới người xem sẽ được xem xét phân loại ở mức thấp hơn.

3. Tiêu chí về chủ đề, nội dung của phim được xác định dựa trên các nguyên tắc chung quy định tại khoản 2 Điều này và mục đích, tính chất, cách xử lý tình huống như sau:

a) Mức độ tác động đến việc hình thành cảm xúc, tư tưởng, thẩm mỹ, khả năng hiểu biết và việc chấp nhận về chủ đề, nội dung đối với từng nhóm người xem theo độ tuổi;

b) Không gây nhận thức sai lệch về các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, quan hệ gia đình, xã hội; dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; quyền trẻ em, phân biệt đối xử và các chủ đề nhạy cảm, ngụ ý, ẩn dụ.

4. Tiêu chí về bạo lực được xác định dựa trên các nguyên tắc chung quy định tại khoản 2 Điều này và mục đích, tính chất, cách xử lý tình huống được miêu tả, cụ thể:

a) Tính thực tế của các tình huống, sự hiện diện của trẻ em, phụ nữ trong các cảnh bạo lực, các cảnh ngược đãi động vật;

b) Các cảnh khuyến khích bạo lực, các nhân vật tự thỏa mãn trong đau đớn, tôn vinh, phô trương bạo lực;

c) Bạo lực vô cớ, những nội dung khiến người xem cho rằng nạn nhân thích thú với bạo lực hoặc khuyến khích người xem bắt chước;

d) Hành vi bạo lực thể hiện trong phim được miêu tả hài hước, cường điệu hoặc giả tưởng; mục đích miêu tả nhằm lên án hành vi bạo lực, kết quả thể hiện sự tích cực, phê phán, loại trừ cái ác, cái xấu;

đ) Miêu tả chi tiết hành vi phạm tội và bạo lực có sử dụng các loại hung khí; những hình ảnh gây đau đớn, chảy máu, nhẫn tâm đối với nạn nhân.

5. Tiêu chí về khỏa thân, tình dục được xác định dựa trên các nguyên tắc chung quy định tại khoản 2 Điều này và mục đích, tính chất, cách xử lý tình huống được miêu tả, cụ thể:

a) Chủ đề, nội dung, hình ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục không nhằm mục đích khiêu dâm hay tấn công tình dục trừ trường hợp lên án, phê phán hành vi này; có mục đích hoặc thông điệp giáo dục, phù hợp với nội dung phim;

b) Các hành vi có mục đích hoặc tạo cảm hứng kích thích hoạt động tình dục;

c) Các hành động bạo lực tình dục bao gồm hiếp dâm và bạo lực tình dục ép buộc, có sự tham gia của nhóm nhân vật; nhấn mạnh các yếu tố nỗi đau, sự sợ hãi của nạn nhân, tập trung vào các hình ảnh nạn nhân bị chế ngự, bất lực, sự thích thú của kẻ tấn công;

d) Cách thể hiện hình ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục như dàn dựng trực tiếp, trực diện hoặc gián tiếp bằng âm thanh, ngôn ngữ, cử chỉ, hiệu ứng hình ảnh;

đ) Miêu tả các hoạt động tình dục từ hành động ôm hôn, nhưng không miêu tả chi tiết;

e) Tần suất thể hiện hình ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục;

g) Độ tuổi của nhân vật trong các cảnh tình dục;

h) Mức độ tác động của hoạt động tình dục đến người xem.

6. Tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện được xác định dựa trên các nguyên tắc chung quy định tại khoản 2 Điều này và mục đích không nhằm hướng dẫn sản xuất, sử dụng trái phép, quảng cáo, tiếp thị, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc mục đích vi phạm pháp luật khác trừ trường hợp lên án, phê phán hành vi này và phù hợp với nội dung phim.

7. Tiêu chí về kinh dị được xác định dựa trên các nguyên tắc chung quy định tại khoản 2 Điều này và mục đích, tính chất, cách xử lý tình huống được miêu tả, cụ thể:

a) Các yếu tố gây căng thẳng, kích thích hoặc tạo cảm giác đe dọa, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe người xem;

b) Mức độ tác động của hiệu ứng âm thanh, hình ảnh kinh dị một cách chân thực, kích thích và liên tục;

c) Sắc thái và không khí chung của toàn bộ phim, thời lượng và tần suất của các cảnh kinh dị.

8. Tiêu chí về ngôn ngữ thô tục được xác định dựa trên các nguyên tắc chung quy định tại khoản 2 Điều này và mục đích, tính chất, cách xử lý tình huống được miêu tả, cụ thể:

a) Cử chỉ thô lỗ, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục, lăng mạ, tục tĩu, nói bậy, bao gồm cả tiếng lóng;

b) Mức độ thô tục của ngôn ngữ, bối cảnh được sử dụng, tính nhạy cảm của cộng đồng, văn hóa và xã hội liên quan đến việc sử dụng hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục;

c) Lời thoại có khả năng kích động mối quan tâm đến hoạt động lạm dụng tình dục;

d) Ngôn ngữ phân biệt đối xử, vi phạm quyền con người, thuần phong mỹ tục.

9. Tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước được xác định dựa trên các nguyên tắc chung quy định tại khoản 2 Điều này và mức độ tác động đến người xem, cụ thể:

a) Miêu tả chi tiết bằng hình ảnh hoặc ngôn ngữ về các kỹ thuật phạm tội, bạo lực, hướng dẫn sử dụng các loại hung khí dễ dàng tiếp cận như dao kéo, vật nhọn, đồ vật có thể gây tổn thương, sát thương trừ trường hợp lên án hành vi này và phù hợp với nội dung phim;

b) Miêu tả một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, bao gồm sự khuyến khích hoặc kích thích các hành động có thể khiến người xem bắt chước như: sử dụng ma túy, vũ khí, hành vi tự sát, tự làm hại bản thân, bạo lực học đường, hoặc các hành động vi phạm pháp luật khác;

c) Mức độ tác động đến người xem một cách có ý thức hoặc vô thức.

10. Nội dung tiêu chí phân loại phim thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
...
PHỤ LỤC TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI PHIM

Xem nội dung VB
Điều 32. Phân loại phim

1. Phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến như sau:

a) Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;

b) Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;

c) Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên;

d) Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;

đ) Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;

e) Loại C: Phim không được phép phổ biến.

2. Tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 2, Điều 3 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 20/05/2023
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 20/05/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo.
...
Điều 4. Thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo

1. Nguyên tắc thực hiện hiển thị mức phân loại phim

a) Phim phải được hiển thị mức phân loại phim trong quá trình phổ biến, trừ phim phân loại P;

b) Việc hiển thị mức phân loại phim phải bảo đảm cung cấp được thông tin về mức phân loại phim, và nội dung cảnh báo trong khoảng thời gian đủ để người xem tiếp nhận được thông tin;

c) Đối với phim được phổ biến trong rạp chiếu phim; tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam; phim được phổ biến trên các phương tiện công cộng và các phương tiện nghe nhìn khác: cơ sở điện ảnh phải hiển thị mức phân loại phim bằng các hình thức sau: trên màn hình chiếu phim, website, ứng dụng bán vé trực tuyến, quầy vé trực tiếp và các hình thức phù hợp khác;

d) Đối với phim được phổ biến trên truyền hình và trên không gian mạng: cơ sở điện ảnh phải hiển thị mức phân loại phim ở thư mục giới thiệu/hiển thị chương trình trên giao diện màn hình của thiết bị để người nghe, người xem đưa ra quyết định nghe, xem phim cung cấp trên dịch vụ, đảm bảo mức phân loại phim được hiển thị rõ ràng và nổi bật;

Mức phân loại phim phải được hiển thị ở góc trái hoặc góc phải phía trên màn hình trong suốt thời gian phổ biến phim, bảo đảm không chồng lấn với biểu tượng của dịch vụ hoặc các biểu tượng khác;

2. Nguyên tắc thực hiện cảnh báo

a) Việc hiển thị cảnh báo phải được thực hiện trước và trong quá trình phổ biến phim;

b) Việc hiển thị cảnh báo phải được thực hiện bằng một trong các phương thức hoặc kết hợp nhiều phương thức phù hợp, bao gồm nhưng không giới hạn: lời nói, chữ viết;

c) Đối với phim được phổ biến trong rạp chiếu phim; tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam; phim được phổ biến trên các phương tiện công cộng và các phương tiện nghe nhìn khác: hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói trước khi bắt đầu phổ biến phim; vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim.

d) Đối với phim được phổ biến trên truyền hình và trên không gian mạng: hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói chậm nhất trong 03 giây ngay sau khi bắt đầu phổ biến phim; vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim; hiển thị tối đa 03 lần trong quá trình phổ biến phim đối với phim có thời lượng từ 20 phút trở lên.

3. Nội dung hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo

a) Nội dung hiển thị là mức phân loại phim theo quy định tại Điều 2 Thông tư này;

b) Nội dung cảnh báo là các tiêu chí phân loại phim theo quy định tại Điều 3 Thông tư này gồm: Chủ đề, nội dung; Bạo lực; Khỏa thân, tình dục; Ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; Kinh dị; Ngôn ngữ thô tục; Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Trường hợp trong phim xuất hiện cả 07 tiêu chí phân loại, thì thực hiện cảnh báo đầy đủ các tiêu chí.

Xem nội dung VB
Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim
...
2. Nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim bao gồm:
...
d) Thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 20/05/2023
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 20/05/2023
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo.
...
Điều 4. Thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo

1. Nguyên tắc thực hiện hiển thị mức phân loại phim

a) Phim phải được hiển thị mức phân loại phim trong quá trình phổ biến, trừ phim phân loại P;

b) Việc hiển thị mức phân loại phim phải bảo đảm cung cấp được thông tin về mức phân loại phim, và nội dung cảnh báo trong khoảng thời gian đủ để người xem tiếp nhận được thông tin;

c) Đối với phim được phổ biến trong rạp chiếu phim; tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam; phim được phổ biến trên các phương tiện công cộng và các phương tiện nghe nhìn khác: cơ sở điện ảnh phải hiển thị mức phân loại phim bằng các hình thức sau: trên màn hình chiếu phim, website, ứng dụng bán vé trực tuyến, quầy vé trực tiếp và các hình thức phù hợp khác;

d) Đối với phim được phổ biến trên truyền hình và trên không gian mạng: cơ sở điện ảnh phải hiển thị mức phân loại phim ở thư mục giới thiệu/hiển thị chương trình trên giao diện màn hình của thiết bị để người nghe, người xem đưa ra quyết định nghe, xem phim cung cấp trên dịch vụ, đảm bảo mức phân loại phim được hiển thị rõ ràng và nổi bật;

Mức phân loại phim phải được hiển thị ở góc trái hoặc góc phải phía trên màn hình trong suốt thời gian phổ biến phim, bảo đảm không chồng lấn với biểu tượng của dịch vụ hoặc các biểu tượng khác;

2. Nguyên tắc thực hiện cảnh báo

a) Việc hiển thị cảnh báo phải được thực hiện trước và trong quá trình phổ biến phim;

b) Việc hiển thị cảnh báo phải được thực hiện bằng một trong các phương thức hoặc kết hợp nhiều phương thức phù hợp, bao gồm nhưng không giới hạn: lời nói, chữ viết;

c) Đối với phim được phổ biến trong rạp chiếu phim; tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam; phim được phổ biến trên các phương tiện công cộng và các phương tiện nghe nhìn khác: hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói trước khi bắt đầu phổ biến phim; vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim.

d) Đối với phim được phổ biến trên truyền hình và trên không gian mạng: hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói chậm nhất trong 03 giây ngay sau khi bắt đầu phổ biến phim; vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim; hiển thị tối đa 03 lần trong quá trình phổ biến phim đối với phim có thời lượng từ 20 phút trở lên.

3. Nội dung hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo

a) Nội dung hiển thị là mức phân loại phim theo quy định tại Điều 2 Thông tư này;

b) Nội dung cảnh báo là các tiêu chí phân loại phim theo quy định tại Điều 3 Thông tư này gồm: Chủ đề, nội dung; Bạo lực; Khỏa thân, tình dục; Ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; Kinh dị; Ngôn ngữ thô tục; Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Trường hợp trong phim xuất hiện cả 07 tiêu chí phân loại, thì thực hiện cảnh báo đầy đủ các tiêu chí.

Xem nội dung VB
Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim
...
2. Nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim bao gồm:
...
d) Thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 20/05/2023
Điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hướng dẫn bởi Thông tư 17/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 01/03/2024
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

2. Thông tư này áp dụng đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cấp Giấy phép phân loại phim.

Điều 2. Điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở điện ảnh có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh sản xuất hoặc nhập khẩu khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có Hội đồng thẩm định, phân loại phim đáp ứng quy định tại Thông tư số 11/2023/TT-BVHTTDL ngày 05 tháng 10 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định, phân loại phim;

b) Có cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật chiếu phim phù hợp với các định dạng phim bảo đảm phục vụ hoạt động thẩm định, phân loại phim;

c) Có kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để tổ chức, cá nhân thực hiện đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình do cơ sở điện ảnh có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh sản xuất hoặc nhập khẩu khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này;

b) Năm trước liền kề (tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12), các cơ sở điện ảnh có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh sản xuất ít nhất 10 phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình đã được cấp Giấy phép phân loại phim và được phép phổ biến.

Điều 3. Thông báo đủ điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim

Hàng năm, từ ngày 01 đến ngày 15 tháng 01, khi đáp ứng đủ điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Thông tư này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện như sau:

1. Gửi Thông báo đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Điện ảnh) về việc đủ điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim (theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc đủ điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim.

3. Sau 07 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc thông báo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được cấp Giấy phép phân loại phim đến hết ngày 31 tháng 01 của năm sau liền kề.

Điều 4. Không bảo đảm điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không đủ điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim khi chưa thực hiện việc thông báo quy định tại Điều 3 Thông tư này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không đủ điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất từ năm trước liền kề đến thời điểm kiểm tra phát hiện có một trong các trường hợp sau đây:

a) Các điều kiện thực tế không đúng theo Thông báo quy định tại Điều 3 Thông tư này;

b) Cấp Giấy phép phân loại phim không đúng quy định 02 lần liên tiếp trong thời gian 06 tháng đối với Loại P, Loại T18, Loại T16, Loại T13, Loại K;

c) Cấp Giấy phép phân loại phim không đúng quy định 01 lần đối với Loại C.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa thông báo theo quy định tại Điều 3 Thông tư này và 15 ngày kể từ ngày Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kết luận trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo bằng văn bản về việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không đủ điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim.

4. Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không đủ điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được tiếp tục cấp Giấy phép phân loại phim như sau:

a) Sau 07 ngày làm việc kể từ ngày đã khắc phục đối với quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 2 và thực hiện thông báo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Thông tư này;

b) Đã khắc phục việc không thực hiện thông báo theo quy định tại Điều 3 Thông tư này;

c) Sau 06 tháng kể từ ngày Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thông báo đối với quy định tại điểm b khoản 2 Điều này và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thông báo theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Thông tư này;

d) Sau 12 tháng kể từ ngày Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo đối với quy định tại điểm c khoản 2 Điều này và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thông báo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Thông tư này.

5. Trong thời gian Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không đủ điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim theo thông báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phân loại phim đã tiếp nhận được xử lý như sau:

a) Đối với hồ sơ Hội đồng thẩm định, phân loại phim chưa thực hiện thẩm định, phân loại thì cơ quan tiếp nhận trả lại hồ sơ, phí thẩm định và phân loại phim cho tổ chức, cá nhân;

b) Đối với hồ sơ Hội đồng thẩm định, phân loại phim đã thực hiện thẩm định, phân loại phim thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiếp tục việc cấp Giấy phép phân loại phim theo quy định.

Điều 5. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Kiểm tra thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất việc bảo đảm các điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim.

2. Thông báo bằng văn bản về việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không đủ điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim.

3. Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử hoặc các phần mềm, ứng dụng của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Cục Điện ảnh) danh sách phim được cấp Giấy phép phân loại, mức phân loại, hiển thị cảnh báo; cập nhật danh sách khi có thay đổi.

Điều 6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Bảo đảm đúng và đủ các điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim.

2. Thông báo việc đủ điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim quy định tại Điều 3 Thông tư này và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi có thông báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không đủ điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim.

3. Gửi báo cáo kết quả hoạt động cấp Giấy phép phân loại phim (bao gồm báo cáo về danh sách phim được cấp Giấy phép phân loại, mức phân loại, hiển thị cảnh báo kèm theo bản sao Giấy phép phân loại phim) về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Điện ảnh) trước ngày 20 hàng tháng, hàng quý và trước ngày 10 tháng 12 hàng năm nếu phát sinh hoạt động thẩm định, phân loại phim.

4. Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh danh sách phim được cấp Giấy phép phân loại, mức phân loại, hiển thị cảnh báo; cập nhật danh sách khi có thay đổi.

5. Trường hợp kết luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi kiểm tra khác với kết quả phân loại phim của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thu hồi Giấy phép phân loại phim theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Điện ảnh và thực hiện cấp lại Giấy phép phân loại phim theo kết luận của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

6. Chịu trách nhiệm về việc cấp Giấy phép phân loại phim không đúng quy định của pháp luật và xử lý, khắc phục các hậu quả liên quan (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2024.

2. Năm 2024, thời điểm tính đủ điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim quy định tại Điều 3 Thông tư này kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2024.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

1. Ủy ban nhân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động cấp Giấy phép phân loại phim chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Điện ảnh) để được hướng dẫn, giải quyết theo quy định./.
...
PHỤ LỤC THÔNG BÁO Về việc đủ điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim

Xem nội dung VB
Điều 27. Cấp Giấy phép phân loại phim

1. Thẩm quyền cấp Giấy phép phân loại phim được quy định như sau:
...
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được cấp Giấy phép phân loại phim khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hướng dẫn bởi Thông tư 17/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 01/03/2024