Luật đảm bảo quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân 1957

Số hiệu 103-SL/L.005
Ngày ban hành 20/05/1957
Ngày có hiệu lực 04/06/1957
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Hồ Chí Minh
Lĩnh vực Quyền dân sự

LUẬT

SỐ 103-SL/L.005 NGÀY 20-5-1957 ĐẢM BẢO QUYỀN TỰ DO THÂN THỂ VÀ QUYỀN BẤT KHẢ XÂM PHẠM ĐỐI VỚI NHÀ Ở, ĐỒ VẬT, THƯ TÍN CỦA NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

RA SẮC LỆNH

Nay ban bố luật quy định quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân đã được Quốc hội biểu quyết trong khoá họp thứ VI như sau:

LUẬT

ĐẢM BẢO QUYỀN TỰ DO THÂN THỂ VÀ QUYỀN BẤT KHẢ  XÂM PHẠM ĐỐI VỚI NHÀ Ở, ĐỒ VẬT, THƯ TÍN CỦA NHÂN DÂN

Chương 1:

NGUYÊN TẮC

Điều 1. Quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật và thư tín của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Không ai được xâm phạm các quyền ấy.

Điều 2. Việc bắt, giam người phạm đến pháp luật Nhà nước, việc khám người, nhà ở, đồ vật, thư tín phải theo thủ tục quy định dưới đây:

Chương 2:

VIỆC BẮT NGƯỜI PHẠM PHÁP

Điều 3. Ngoài những trường hợp phạm pháp quả tang và trường hợp khẩn cấp nói trong điều 4, bắt người phạm đến pháp luật Nhà nước phải có lệnh viết của cơ quan tư pháp từ cấp tỉnh hoặc thành phố trở lên nếu là thường dân phạm pháp, hoặc của toà án binh nếu là quân nhân phạm pháp, hay là thường dân phạm pháp có liên quan đến quân đội nhân dân.

Điều 4. Đối với những người phạm pháp quả tang, bất cứ người nào cũng có quyền bắt và phải giải ngay đến Uỷ ban Hành chính, Toà án nhân dân hoặc đồn công an nơi gần nhất.

Trong những trường hợp khẩn cấp, cơ quan công an có thể bắt giữ trước khi có lệnh viết của các cơ quan định trong điều 3, và phải báo cho các cơ quan đó biết.

Những trường hợp phạm pháp quả tang và trường hợp khẩn cấp là những trường hợp đặc biệt do luật quy định.

Chương 3:

VIỆC TẠM GIỮ, TẠM GIAM, TẠM THA

Điều 5. Người phạm pháp bị bắt phải được giải lên cơ quan tư pháp hoặc cơ quan công an từ cấp huyện trở lên trong hạn hai mươi bốn giờ kể từ lúc bắt.

Cơ quan tư pháp huyện hoặc công an huyện được tạm giữ can phạm trong hạn ba ngày kể từ lúc nhận can phạm để xét và hỏi cung, rồi phải quyết định tha hẳn, tạm tha, hoặc giải lên toà án nhân dân hoặc công an cấp trên.

Điều 6. Cơ quan tư pháp, công an từ cấp tỉnh hoặc thành phố trở lên hoặc toà án binh phải hỏi cung trong hạn ba ngày kể từ lúc nhận giữ can phạm, để quyết định việc tha hẳn, tạm tha hoặc tạm giam.

Lệnh tạm giam can phạm do cơ quan tư pháp từ cấp tỉnh hoặc thành phố trở lên hoặc toà án binh ký.

Điều 7. Thời hạn tạm giam không được quá:

- Hai tháng đối với các vụ thường phạm mà luật pháp quy định hình phạt từ năm năm tù trở xuống.

- Bốn tháng đối với các vụ phạm đến an toàn Nhà nước và các vụ thường phạm mà luật pháp quy định hình phạt trên năm năm tù.

- Nếu xét thật cần thiết cho cuộc điều tra thì cơ quan ra lệnh tạm giam có thể gia hạn một hoặc hai lần nữa. Đối với những vụ án phức tạp, cần phải điều tra lâu hơn, thì phải được sự chuẩn y của cơ quan tư pháp trung ương.

Điều 8. Trong trường hợp việc tạm giam không cần thiết cho cuộc điều tra nữa, hoặc việc tạm tha không gây nguy hiểm gì cho trật tự chung, thì cơ quan tư pháp hoặc toà án binh nào đã ra lệnh tạm giam có thể tự mình, hoặc căn cứ vào đơn xin của can phạm, ra lệnh tạm tha.

Đối với những can phạm già yếu, có bệnh nặng, hoặc phụ nữ có thai nghén, hoặc phụ nữ đang thời kỳ cho con bú, thì có thể cho tạm tha, và nếu cần sẽ giám thị tại chỗ ở.

Chương 4:

[...]