Kết luận thanh tra 1192/KL-TTCP năm 2013 thực hiện Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và đa khoa khu vực liên huyện giai đoạn 2008-2010 theo Quyết định 47/2008/QĐ-TTg tại Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh: Điện Biên, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Tiền Giang, Vĩnh Long do Thanh tra Chính phủ ban hành

Số hiệu 1192/KL-TTCP
Ngày ban hành 27/05/2013
Ngày có hiệu lực 27/05/2013
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Ngô Văn Khánh
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị,Thể thao - Y tế

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1192/KL-TTCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 2013

 

KẾT LUẬN THANH TRA

VỀ VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, CẢI TẠO, NÂNG CẤP BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN VÀ ĐA KHOA KHU VỰC LIÊN HUYỆN GIAI ĐOẠN 2008-2010 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 47/2008/QĐ-TTG NGÀY 02/4/2008 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI BỘ Y TẾ VÀ UBND CÁC TỈNH: ĐIỆN BIÊN, LẠNG SƠN, THANH HÓA, ĐẮK NÔNG, TIỀN GIANG, VĨNH LONG

Thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2012 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 26/9/2012 Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2456/QĐ-TTCP về thanh tra việc thực hiện Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và đa khoa khu vực liên huyện giai đoạn 2008-2010 theo Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Y tế và UBND các tỉnh: Điện Biên, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Tiền Giang, Vĩnh Long;

Xét báo cáo kết quả thanh tra ngày 20/01/2013 của Đoàn thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ đã dự thảo Kết luận thanh tra;

Sau khi có ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý nội dung dự thảo Kết luận thanh tra (Văn bản số 844/VPCP-V.I ngày 06/5/2013 của Văn phòng Chính phủ), Tổng Thanh tra Chính phủ kết luận như sau:

I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ ĐỀ ÁN

Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và đa khoa khu vực liên huyện giai đoạn 2008 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02/4/2008 (sau đây gọi tắt là Đề án 47) với mục tiêu: Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế các bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện nhằm đưa các dịch vụ kỹ thuật y tế về gần dân; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, đồng thời giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tổng số bệnh viện được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị là 645 bệnh viện đa khoa huyện và đa khoa khu vực liên huyện. Thời gian thực hiện đến năm 2010. Tổng số vốn đầu tư thực hiện Đề án khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương huy động từ phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2008-2010 hỗ trợ các địa phương 14.000 tỷ đồng; Ngân sách hàng năm của các địa phương 2.200 tỷ đồng; Huy động từ các nguồn vốn hợp pháp 800 tỷ đồng; Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế được sử dụng trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách.

Tính đến 30/6/2012, Đề án đã được triển khai trên 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 591/645 bệnh viện tuyến huyện theo danh mục được phê duyệt tại Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg, trong đó có 145 bệnh viện đã hoàn thành đưa vào sử dụng, số bệnh viện được đầu tư còn lại đang trong giai đoạn thi công (kể cả nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới). Tổng số vốn đã giải ngân cho Đề án từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (tính đến 30/6/2012) 11.063,782 triệu đồng (phụ lục số 01).

II. KẾT QUẢ KIỂM TRA, XÁC MINH

1. Kiểm tra tại Bộ Y tế

1.1. Việc chủ trì, phối hợp với các địa phương đề xuất các bệnh viện cần được đầu tư, nâng cấp thuộc phạm vi của Đề án; xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm để thực hiện Đề án

a. Việc tổng hợp, đề xuất danh mục các bệnh viện thuộc Đề án:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 220/TB-VPCP ngày 02/11/2007 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế đã có văn bản số 8565/BYT-KH-TC ngày 14/11/2007 gửi các tỉnh đề nghị rà soát tình hình thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp bệnh viện theo Quyết định 225/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch phát triển hệ thống y tế địa phương, tình hình thực tế để đăng ký danh mục, nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát danh mục các dự án, quy mô theo quy hoạch đến năm 2010, xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1656/BYT-KH-TC ngày 13/3/2008 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02/4/2008.

Qua kiểm tra thấy, theo hướng dẫn tại Công văn số 8565/BYT-KH-TC nêu trên, nhiều địa phương đã đăng ký theo dự án được duyệt khi thực hiện Đề án 225 mà chưa xét đến quy hoạch phát triển hệ thống y tế địa phương, nên quy mô dự án không phù hợp với yêu cầu theo quy hoạch đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020. Sau khi Đề án 47 được phê duyệt, nhiều địa phương đã lập lại dự án đầu tư theo hướng tăng quy mô nhằm đáp ứng yêu cầu của Đề án nhưng không đảm bảo quy mô đã được duyệt theo danh mục của Đề án, kéo theo nhu cầu vốn đầu tư tăng so với đăng ký ban đầu.

b. Việc phân bổ tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ của Đề án giai đoạn 2008-2010 cho từng địa phương:

Bộ Y tế đã căn cứ vào danh mục các dự án được đầu tư, tổng hợp, rà soát báo cáo của các địa phương để xây dựng nguyên tắc hỗ trợ vốn; chủ trì, lấy ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án phân bổ 14.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ theo tỷ lệ hỗ trợ, mức phân bổ cho từng địa phương và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 07/5/2009; trong đó: Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, tỉnh mới chia tách có khó khăn như Bình Phước, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng: hỗ trợ 100%; các tỉnh có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương trên 50% hỗ trợ 30% nhu cầu; các tỉnh có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương dưới 50% hỗ trợ 60% nhu cầu; riêng thành phố Cần Thơ mới chia tách, tỷ lệ điều tiết thấp (chỉ có 4%) nên đề nghị hỗ trợ 80% như các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long; tỉnh Vĩnh Phúc có nguồn tăng thu ngân sách địa phương hàng năm lớn hỗ trợ 40% nhu cầu; các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng, miền Trung có tỷ lệ trợ cấp/chi cân đối ngân sách địa phương từ 35% trở lên hỗ trợ 80% nhu cầu, các tỉnh còn lại hỗ trợ 75% nhu cầu, riêng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận có nhiều huyện miền núi và đồng bào dân tộc hỗ trợ 90% nhu cầu; các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long: hỗ trợ 80% nhu cầu).

Kiểm tra thấy, phương án phân bổ được lập trên nguyên tắc vùng, miền dựa trên tình hình phát triển kinh tế mỗi khu vực để xác định tỷ lệ vốn hỗ trợ là phù hợp, đảm bảo tính khả thi của Đề án.

1.2. Việc xác định nhu cầu và xây dựng phương án phân bổ vốn hàng năm hỗ trợ các địa phương; thông báo tổng mức vốn, số lượng theo danh mục dự án; tổng hợp nhu cầu và lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế

a. Xác định nhu cầu và xây dựng phương án phân bổ vốn hàng năm hỗ trợ các địa phương; thông báo tổng mức vốn, số lượng theo danh mục dự án:

Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch vốn tổng thể cho Đề án là 14.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ (năm 2008 và 2009 là 10.000 tỷ đồng, năm 2010 là 4.000 tỷ đồng) Bộ Y tế đã rà soát nhu cầu vốn của từng địa phương và phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ đăng ký danh mục dự án và phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ theo từng địa phương; cụ thể:

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Năm

Phương án đăng ký

Kế hoạch được giao

Tỷ lệ được giao so với đăng ký (%)

Chênh lệch giảm so với đăng ký

1

2008

5.000.000

3.750.000

73,0

1.250.000

2

2009

6.250.000

3.000.000

46,4

3.250.000

3

2010

7.250.000

2.400.000

33,1

4.850.000

4

2011

4.850.000

1.800.000

37,1

3.050.000

5

2012

3.050.000

1.598.038

52,4

1.451.962

 

Cộng:

 

12.548.038

 

 

Như vậy, việc giao kế hoạch và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Đề án 47 hàng năm đều thấp hơn phương án phân bổ theo đăng ký của Bộ Y tế. Nếu tính đến năm 2010 (theo thời gian thực hiện Đề án), số vốn phân bổ cho Đề án còn thiếu 4.850.000 triệu đồng, chiếm 34,6%. Tính đến 30/6/2012, số vốn được phân bổ cho Đề án vẫn còn thiếu 1.451.962 triệu đồng. Theo tiến độ thực hiện Đề án, việc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ không đảm bảo kế hoạch vốn của Đề án. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc triển khai thực hiện Đề án bị chậm so với tiến độ được duyệt, việc kéo dài thời gian dẫn đến Đề án bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả thị trường và các thay đổi về chế độ chính sách làm nhu cầu vốn của Đề án tăng.

Thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tiến hành rà soát, phân loại các dự án thuộc Đề án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Tài chính. Trên cơ sở tổng hợp kết quả rà soát của các địa phương thấy: Nhu cầu vốn của 645 bệnh viện theo các quyết định phê duyệt dự án của UBND các tỉnh/thành phố là 37.703 tỷ đồng, tăng so với tổng mức đầu tư đã đăng ký là 20.703 tỷ đồng; trong đó số tăng do tăng quy mô là 1.510 tỷ đồng và tăng do thay đổi chế độ chính sách và biến động giá vật liệu là 19.193 tỷ đồng. Như vậy, ngoài số vốn còn thiếu so với kế hoạch vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ (1.451.962 triệu đồng), nhu cầu vốn của các dự án thuộc Đề án 47 hiện nay còn thiếu khoảng 20.703 tỷ đồng.

b. Tổng hợp nhu cầu và lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế:

Để từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các bệnh viện tuyến huyện, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo tăng chỉ tiêu tuyển sinh cử tuyển, đào tạo dài hạn cho các địa phương theo nhu cầu. Đối với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế theo hình thức ngắn hạn được tiếp nối với việc đào tạo theo Quyết định số 225/2005/QĐ-TTg từ năm 2005, việc đào tạo được tổ chức theo các hình thức: Mời cán bộ tuyến tỉnh, huyện về các bệnh viện Trung ương, cơ sở đào tạo để tập huấn; Tổ chức cho các cụm tỉnh ở những tỉnh có đủ điều kiện về thiết bị để thực hành; giao cho các tỉnh chủ động bố trí ngân sách địa phương để mở các lớp tập huấn đối với những chuyên khoa, kỹ thuật mà tỉnh có thể triển khai giảng dạy được; chuyển giao theo các gói kỹ thuật đối với một số bệnh viện.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện hạng I trực thuộc một số Sở Y tế đã tổ chức được 457 lớp học cho 12.700 học viên. Số cán bộ sau khi tham gia các khóa đào tạo của Bộ Y tế đã bước đầu góp phần vào việc nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng khám, chữa bệnh và bước đầu cũng đã phát huy hiệu quả các trang thiết bị y tế được đầu tư từ Đề án.

Tuy nhiên, một số địa phương không cử được đủ cán bộ tham gia các khóa đào tạo theo kế hoạch (do thiếu cán bộ chuyên môn, khi cử đi học sẽ ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của bệnh viện, do điều kiện địa lý…) nên các lớp học có thể không mở được do thiếu học viên hoặc không đạt được số học viên theo kế hoạch; một số đơn vị cử cán bộ tham gia khóa học không đúng đối tượng, không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, ảnh hưởng đến hiệu quả của khóa học; trình độ học viên trong lớp học không đồng đều dẫn đến kết quả đào tạo chưa cao; định mức chi quá thấp gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện, chưa khuyến khích được cán bộ đi học.

[...]