Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Kế hoạch 155/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 155/KH-UBND
Ngày ban hành 13/07/2023
Ngày có hiệu lực 13/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Mạnh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 155/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 13 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI MIỀN NÚI, VÙNG SÂU, VÙNG XA ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tuyên truyền, phổ biến và triển khai kịp thời, hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh.

- Cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; làm cơ sở kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ hàng năm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thương mại, dịch vụ miền núi, vùng sâu, vùng xa đến năm 2025 phải có trọng tâm, trọng điểm, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã - hội của tỉnh và phù hợp với quy hoạch tỉnh.

- Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện kế hoạch; lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm và giai đoạn.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa phù hợp với phong tục tập quán và quy mô sản xuất của từng địa phương; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực miền núi của tỉnh với các vùng miền khác, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của các huyện thuộc chương trình đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 4,55%/năm.

- Phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào hệ thống phân phối trong, ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu. Phấn đấu trên 70% sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

- Khuyến khích, phát triển thương nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã,… tham gia hoạt động thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa mỗi năm tăng trung bình 8% - 10% đến năm 2025.

- Tổ chức các hội nghị tập huấn, lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức về hoạt động xúc tiến thương mại, quản lý chợ, an toàn vệ sinh thực phẩm, thương mại điện tử, hội nhập quốc tế cho các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn các huyện của tỉnh khoảng từ 2-3 đợt/năm.

III. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi

- Chương trình được thực hiện trên địa bàn 05 huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Na Hang, Chiêm Hoá, Hàm Yên (theo Quyết định 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ).

- Thời gian thực hiện: Đến hết năm 2025.

2. Đối tượng

- Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

- Các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia vào hoạt động quản lý, thực hiện Chương trình.

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện, thụ hưởng và quản lý các dự án, đề án, nhiệm vụ thuộc Kế hoạch quy định tại Quyết định 1162/QĐ-TTg.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Xây dựng và triển khai cơ chế chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa

[...]