Kế hoạch hành động 3619/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chỉ thị 689/CT-TTg và Công điện 732/CĐ-TTg về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài do tỉnh Bến Tre ban hành

Số hiệu 3619/KH-UBND
Ngày ban hành 10/08/2017
Ngày có hiệu lực 10/08/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Hữu Lập
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3619/KH-UBND

Bến Tre, ngày 10 tháng 08 năm 2017

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 689/CT-TTG NGÀY 18/5/2010 VÀ CÔNG ĐIỆN SỐ 732/CĐ-TTG NGÀY 28/5/2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ NGĂN CHẶN, GIẢM THIỂU VÀ CHẤM DỨT TÀU CÁ VÀ NGƯ DÂN VIỆT NAM KHAI THÁC HẢI SẢN TRÁI PHÉP Ở VÙNG BIỂN NƯỚC NGOÀI

Thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2010 và Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg và Công điện số 732/CĐ-TTg với những nội dung chủ yếu sau:

I. THỰC TRẠNG TÀU CÁ, NGƯ DÂN BẾN TRE VI PHẠM VÙNG BIỂN NƯỚC NGOÀI ĐỂ ĐÁNH BẮT THỦY SẢN

1. Khái quát tình hình đánh bắt thủy sản giai đoạn năm 2010 đến nay

Tàu cá toàn tỉnh đăng ký 3.917 chiếc, tổng công suất 1.290.000 cv. Tàu có công suất trên 90 cv là 2.198 chiếc, trong đó: có khả năng khai thác xa bờ 2.009 chiếc, chiếm tỷ trọng 51,29% tàu cá toàn tỉnh. Công suất bình quân tàu cá toàn tỉnh: 329 cv/chiếc; Công suất bình quân tàu khai thác xa bờ: 567 cv/chiếc. Sản lượng thủy sản khai thác hàng năm khoảng 200.000 tấn.

Hoạt động khai thác thủy sản ở Bến Tre có đặc trưng nghề lưới kéo. Tàu lưới kéo chiếm 74,57% về số lượng và 88,34% về tổng sản lượng khai thác.

Tàu cá Bến Tre hoạt động đánh bắt trên tất cả các vùng biển phía Nam, từ đảo Phú Quý đến vùng khơi phía Nam. Trong đó, vùng giáp ranh trên biển phía Đông Nam và Tây Nam là ngư trường khai thác chủ yếu của các đội tàu xa bờ.

Trong 10 năm gần đây, đầu tư trong lĩnh vực khai thác thủy sản phát triển khá mạnh và ổn định. Năng lực khai thác tăng bình quân 13,51%/năm, sản lượng thủy sản khai thác tăng bình quân 9,38%/năm. Tuy nhiên, chỉ số năng suất đánh bắt bình quân theo chiều hướng giảm, từ 191 kg/cv/năm còn 158 kg/cv/năm, phản ánh nguồn lợi thủy sản đang bị khai thác quá mức và suy giảm.

2. Tình hình vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt thủy sản

Thời gian gần đây, các nước trong khu vực tăng cường ban hành khung pháp lý và tổ chức thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo vệ chủ quyền vùng biển, kể cả các vùng chồng lấn, tranh chấp, áp dụng các biện pháp mạnh để bắt giữ, xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển đánh bắt thủy sản trái phép. Trong khi đó, nguồn lợi thủy sản trên các ngư trường truyền thống suy giảm nhanh, nguồn lợi thủy sản ở các vùng giáp ranh, chồng lấn và vùng biển thuộc các nước trong khu vực phong phú, dẫn đến vì lợi ích kinh tế ngư dân cố tình đưa tàu đi khai thác ở vùng biển nước ngoài.

Từ năm 2010 đến nay, có 77 tàu cá/515 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Tỉnh Bến Tre thuộc nhóm 9 tỉnh trên toàn quốc có nhiều tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong đó thống kê theo nước bắt giữ, xử lý:

- Thái Lan: 39 tàu/251 thuyền viên; Malaysia: 33 tàu/222 thuyền viên;

- Philippin: 03 tàu/22 thuyền viên; Indonesia: 02 tàu/20 thuyền viên.

3. Nguyên nhân thực trạng

a) Nguyên nhân khách quan

- Nguồn lợi thủy sản các nước trong khu vực phong phú, trong khi nguồn lợi thủy sản các ngư trường truyền thống trong nước suy giảm mạnh, phục hồi chậm, đánh bắt kém hiệu quả;

- Tình hình Biển Đông phức tạp, lực lượng chức năng các nước trong khu vực tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo vệ chủ quyền vùng biển, đã xử lý kiên quyết các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển;

- Một số nước trong khu vực tồn tại các hình thức như hợp đồng đánh bắt bất hợp pháp, bán ngư trường... tạo điều kiện cho ngư dân vi phạm.

b) Nguyên nhân chủ quan

- Chủ yếu vì lợi ích kinh tế của chủ tàu;

- Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân còn hạn chế, chủ tàu thường tránh né không dự các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật (giao cho người nhà hoặc nhờ người khác dự thay); chế tài xử phạt và việc áp dụng chế tài đối với ngư dân vi phạm chưa đủ sức răn đe, hạn chế vi phạm; Chủ tàu sẵn sàng vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính, tiếp tục vi phạm;

- Do đặc điểm đánh bắt xa bờ là dài ngày, tàu cập bến lên cá không cố định nên rất khó tiếp xúc được với thuyền trưởng và thuyền viên làm việc trên tàu để thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật;

- Chưa có quy định bắt buộc tàu cá đánh bắt xa bờ trang bị thiết bị giám sát khi hoạt động trên biển. Ngoài ra, hầu hết ngư dân không có thiết bị đồng bộ để phục vụ Trạm bờ thực hiện chức năng giám sát tàu cá;

- Nguồn lực cho hoạt động thanh, kiểm tra, kiểm soát tàu cá trên biển chưa được đầu tư đúng mức: thiếu tàu thanh tra, lực lượng thanh tra viên quá ít.

4. Nhận định tình hình trong thời gian tới

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tàu cá, ngư dân Bến Tre vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt thủy sản vẫn còn khả năng xảy ra với các lý do sau:

- Nguồn lợi thủy sản ở các ngư trường truyền thống đã suy giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi, ngư trường vùng giáp ranh tiếp tục là ngư trường chủ yếu của các đội tàu đánh bắt xa bờ;

[...]