Kế hoạch 91/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quyết định về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do tỉnh Lạng Sơn ban hành
Số hiệu | 91/KH-UBND |
Ngày ban hành | 08/08/2016 |
Ngày có hiệu lực | 08/08/2016 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lạng Sơn |
Người ký | Lý Vinh Quang |
Lĩnh vực | Đầu tư,Thương mại |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 91/KH-UBND |
Lạng Sơn, ngày 08 tháng 8 năm 2016 |
Thực hiện Quyết định số 1022/QĐ-TTg ngày 07/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 1059/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:
Cụ thể hóa các nội dung kế hoạch tại Quyết định số 1022/QĐ-TTg ngày 07/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với điều kiện của tỉnh để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh.
Xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ để các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh nhằm phát triển ổn định, bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
1. Công tác thông tin, tuyên truyền
a) Tổ chức phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết số 1059/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quyết định số 1022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh tới các cấp, ngành, đoàn thể nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuyên truyền phản ánh đầy đủ, kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước và của tỉnh... để thông tin cho nhân dân hiểu rõ, từ đó tạo đồng thuận trong nhân dân thực hiện tốt các mục tiêu trên cơ sở kế hoạch đã đề ra.
b) Từng bước đưa các nội dung về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh vào chương trình giảng dạy, học tập, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, loại hình học tập theo quy định của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013.
2. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới
a) Tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương về công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Kết luận số 86-KL/TW ngày 05/11/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2014 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đến năm 2020. Đẩy nhanh triển khai có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng.
b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài, nhất là những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ được quy hoạch vị trí lãnh đạo, cán bộ trẻ có trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
c) Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là ở cơ sở, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động nắm chắc tình hình các khu vực, dự án quốc phòng an ninh liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ quốc phòng an ninh.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm về công tác xây dựng và phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa bàn được phân công.
3. Phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội
a) Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X), Nghị quyết số 22/2008/NQ-CP ngày 23/9/2008 của Chính phủ và Chương trình hành động số 134-CTr/TU ngày 30/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Triển khai hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh theo hướng xây dựng, củng cố tiềm lực quốc phòng, đảm bảo an ninh trật tự nhằm tạo điều kiện, cơ sở để phát triển kinh tế ổn định, bền vững.
Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, vận dụng linh hoạt, sáng tạo để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh.
Nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế; sắp xếp, bố trí lực lượng quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch phòng thủ bảo vệ tổ quốc. Đồng bộ các quy hoạch trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn gắn với các quy hoạch, kế hoạch về phòng thủ và đảm bảo an ninh trên tuyến biên giới.
Đẩy mạnh việc phát triển kinh tế kết hợp với việc đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn, đặc biệt là phát triển kinh tế các khu vực cửa khẩu. Triển khai xây dựng các mô hình tổ chức phát triển kinh tế (doanh nghiệp, cộng đồng) gắn với quốc phòng, an ninh tại các khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên giới, tập trung vào hạ tầng giao thông, các cơ sở giáo dục, y tế gắn với chính sách thu hút người dân ra sinh sống ổn định tại khu vực biên giới. Tiếp tục đầu tư xây dựng các căn cứ chiến đấu kiên cố, căn cứ hậu cần kỹ thuật, hậu phương vững chắc, đảm bảo hoạt động lâu dài, có khả năng ứng phó khi chiến tranh xảy ra.
b) Xác định rõ các loại đất quốc phòng an ninh được phát triển kinh tế để có cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế vững mạnh gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nâng cao năng lực, trách nhiệm thẩm định các dự án FDI tại các địa bàn, lĩnh vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Chủ động tích cực ứng phó với các tác động tiêu cực ảnh hưởng tới phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
c) Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững; rà soát, hoàn thiện các chế độ, chính sách hỗ trợ cho các hộ dân vùng biên giới. Tập trung thực hiện có hiệu quả Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 17/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình sắp xếp, ổn định dân cư biên giới Việt - Trung giai đoạn 2013- 2017. Điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch bố trí dân cư, phát triển tuyến dân cư biên giới theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, kết hợp chặt chẽ bố trí dân cư với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
d) Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, địa bàn chiến lược, các vùng căn cứ cách mạng, kháng chiến cũ theo tinh thần Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/ 2008 về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ năm 2011 đến năm 2020 đối với các huyện nghèo, Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững từ năm 2011 đến năm 2020. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
4. Củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao.
a) Tập trung nguồn lực để ưu tiên xây dựng các công trình phòng thủ biên giới, địa bàn chiến lược. Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong các chương trình, đề án hiện đại hóa quân đội, công an nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc và bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; đảm bảo an toàn hệ thống thông tin trọng yếu, sẵn sàng đối phó các cuộc tấn công mạng.
Đẩy mạnh công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn dân về xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới. Tăng cường tổ chức, nâng cao chất lượng công tác diễn tập khu vực phòng thủ các cấp gắn với diễn tập phòng chống khủng bố, bạo loạn lật đổ, phòng chống cháy rừng.