Kế hoạch 97/KH-UBND năm 2020 thực hiện Nghị định 120/2020/NĐ-CP về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập do tỉnh Bình Định ban hành

Số hiệu 97/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2020
Ngày có hiệu lực 31/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Phi Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97/KH-UBND

Bình Định, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 120/2020/NĐ-CP NGÀY 07/10/2020 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ THÀNH LẬP, TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và Công văn số 5805/BNV-TCBC ngày 04/11/2020 của Bộ Nội vụ về việc thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức phổ biến quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị, địa phương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Yêu cầu

a) Thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố làm cơ sở để xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ và yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

b) Việc thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện đúng nguyên tắc đơn vị sự nghiệp phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập không được làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó của đơn vị và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Rà soát thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập

a) Các đơn vị sự nghiệp công lập không đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí và số lượng người làm việc tối thiểu theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP (trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành), Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, giải thể trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện (trừ đơn vị sự nghiệp đang thực hiện chuyển đổi sang loại hình công ty cổ phần).

b) Số lượng người làm việc (biên chế sự nghiệp) làm căn cứ để xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, giải thể là số người làm việc được cấp thẩm quyền phê duyệt, giao cho mỗi đơn vị gắn với mục tiêu thực hiện sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế giai đoạn đến năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Bộ Chính trị.

c) Thời gian hoàn thành: Trước ngày 31/3/2021.

2. Sắp xếp số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thuộc các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và thuộc UBND cấp huyện

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh căn cứ khung số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP đề xuất UBND tỉnh quyết định cụ thể số lượng cấp phó của đơn vị sự nghiệp. UBND cấp huyện quyết định cụ thể số lượng cấp phó của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện quản lý.

Đơn vị sự nghiệp công lập có số lượng cấp phó hiện tại nhiều hơn số lượng cấp phó quy định khoản 2 Điều 6 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP thì trong thời hạn 12 tháng phải sắp xếp số lượng cấp phó của đơn vị theo đúng số lượng quy định. Trường hợp sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập làm tăng số lượng cấp phó của đơn vị so với quy định thì trong thời hạn tối đa 03 năm kể từ ngày thực hiện sắp xếp, cơ quan trực tiếp quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm sắp xếp, bố trí để giảm số lượng cấp phó theo đúng quy định; chỉ được bổ sung khi có số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thấp hơn quy định.

3. Rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong, bố trí số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập

a) Các đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ tiêu chí quy định tại điểm d khoản 1 Điều 6 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP thực hiện rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong của đơn vị, báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp quản lý (theo thẩm quyền quản lý quy định tại điểm a, b, c, khoản 1 Điều 6 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP) để xem xét, tổng hợp trình UBND tỉnh, UBND cấp huyện phê duyệt theo quy định.

b) Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo thẩm quyền đã được phân cấp quản lý chủ động phê duyệt hoặc trình UBND tỉnh phê duyệt và bố trí số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc đơn vị sự nghiệp theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

c) Thời gian hoàn thành: Trước ngày 31/3/2021.

4. Về thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện rà soát, lập hồ sơ (nếu đủ điều kiện) trình UBND tỉnh thành lập Hội đồng quản lý và phê duyệt Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý đối với đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ các đơn vị sự nghiệp đang thực hiện chuyển đổi sang loại hình công ty cổ phần).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Mục II Kế hoạch này, khẩn trương chỉ đạo đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo quy định; báo cáo kết quả rà soát, sắp xếp kiện toàn về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) theo đúng thời gian.

2. Giao Sở Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện và kiến nghị UBND tỉnh các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và hiệu quả, báo cáo Bộ Nội vụ theo đúng thời gian quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu có vướng mắc, các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết./.

 

[...]