Kế hoạch 96/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 96/KH-UBND
Ngày ban hành 13/05/2024
Ngày có hiệu lực 13/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 13 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 25-CT/TW, NGÀY 25/10/2023 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TIẾP TỤC CỦNG CỐ, HOÀN THIỆN, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị số 25-CT/TW);

Căn cứ Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW;

Căn cứ Kế hoạch số 179-KH/TU ngày 1/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW;

Căn cứ Quyết định số 1093/QĐ-BYT ngày 02/5/2024 của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25- CT/TW trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

A. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG Y TẾ CƠ SỞ

1. Khái quát về mạng lưới y tế cơ sở

- Theo Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư Trung ương, hệ thống y tế cơ sở bao gồm y tế tuyến huyện, xã và y tế thôn bản. Tại tỉnh Ninh Bình: Tuyến huyện có 06 phòng Y tế huyện, thành phố, 08 Trung tâm Y tế huyện đa chức năng, 02 Bệnh viện đa khoa huyện và 10 phòng khám đa khoa khu vực; Tuyến xã gồm 143 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn cùng đội ngũ y tế thôn bản với trên 1.600 cán bộ hoạt động tại các thôn, xóm.

- Chỉ thị 25-CT/TW mở rộng phạm vi hệ thống y tế cơ sở bao gồm: Y tế trường học, y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất”. Do đó, hệ thống y tế cơ sở của tỉnh trong giai đoạn hiện nay bao gồm thêm 411 phòng y tế trường học, 08 trạm y tế cơ quan xí nghiệp.

2. Một số kết quả nổi bật hoạt động công tác y tế cơ sở trong giai đoạn qua

- Công tác y tế cơ sở đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác y tế trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn lan rộng trên địa bàn, khống chế tối đa các trường hợp tử vong do dịch bệnh; triển khai đầy đủ và có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia/Chương trình Y tế - Dân số; từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế, tích cực áp dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Các đơn vị khám, chữa bệnh tuyến huyện trung bình mỗi năm triển khai được trên 30 kỹ thuật mới, trong đó một số đơn vị triển khai được kỹ thuật cao như: Điều trị vàng da sơ sinh, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, phẫu thuật cắt thận, túi mật, phẫu thuật u xơ tuyến tiền liệt… Phòng Y tế/Văn phòng HĐND/UBND các huyện, thành phố đã chủ động tham mưu cho UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn phụ trách và tích cực phối hợp với Sở Y tế trong công tác quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn phụ trách.

- Hệ thống y tế tuyến xã tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, tập trung quản lý sức khỏe người dân, triển khai quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động y tế cơ sở, tích cực triển khai hoạt động khám chữa bệnh ban đầu và đẩy mạnh xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế. Kết quả đến năm 2023: 80,62% thôn, bản, tổ dân phố (100% thôn, bản) có nhân viên y tế - cộng tác viên dân số, 85,3% trạm y tế có bác sỹ làm việc, 100% xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020, 90,04% người dân được quản lý, theo dõi sức khỏe.

3. Một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm cải thiện trong thời gian tới

- Một số huyện chưa có phòng Y tế, nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế được giao cho Văn phòng HĐND/UBND huyện nên đôi khi công tác phối hợp với ngành Y tế chưa nhịp nhàng, hiệu quả; nhân lực tại các phòng Y tế còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng nên chưa triển khai đầy đủ, thường xuyên một số nhiệm vụ theo quy định.

- Chất lượng khám, chẩn đoán và chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở chưa cao. Hoạt động của một số trạm y tế và y dược học cổ truyền còn hạn chế.

- Nhân lực tuyến y tế cơ sở còn thiếu, nhất là bác sỹ giỏi. Trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe.

- Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số mới ở kết quả bước đầu, phạm vi tác động đến đối tượng chưa sâu rộng; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

B. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức quán triệt nghiêm túc, sâu sắc nội dung các văn bản: Chỉ thị số 25- CT/TW; Quyết định số 281/QĐ-TTg; Quyết định số 1093/QĐ-BYT và Kế hoạch số 179-KH/TU nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.

- Tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW.

- Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện Kế hoạch.

2. Yêu cầu

- Các cấp, các ngành cần xác định việc củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới là một nội dung quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương; mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương xác định những nội dung trọng tâm, cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, đảm bảo, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị và các nhiệm vụ trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện Kế hoạch; định kỳ tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện để đạt mục tiêu.

[...]