Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 96/KH-UBND về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2022

Số hiệu 96/KH-UBND
Ngày ban hành 25/05/2022
Ngày có hiệu lực 25/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Trương Cảnh Tuyên
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 25 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG NĂM 2022

Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Thực hiện Quyết định số 1324/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang V/v ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1865/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang V/v sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang); Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh năm 2022, với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm đẩy mạnh việc triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao theo Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ban hành kèm theo Quyết định số 1324/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang và được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1865/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2020.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi chung là DNNVV) trên địa bàn tỉnh, dự kiến trong năm 2022 có khoảng 330 doanh nghiệp được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại; thông tin, tư vấn pháp lý; khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị,… nhằm ổn định, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong năm 2022 một cách cụ thể, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương; tăng cường sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ để triển khai có hiệu quả, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Hỗ trợ về công tác cải cách hành chính

Sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực về đầu tư, đất đai, xây dựng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… chủ động rút ngắn thời gian trên 20% giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để DNNVV hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường sự hài lòng về mức độ phục vụ hành chính giữa chính quyền với doanh nghiệp. Từng đơn vị, địa phương cần phải đưa ra giải pháp riêng nhằm tạo môi trường tốt về thủ tục hành chính như thông báo kết quả trên điện thoại, email, zalo và trên phương tiện thông tin đại chúng khác. Đối với các cấp, ngành, các thủ tục hành chính liên quan và nằm trong phạm vi giải quyết của đơn vị, trên cơ sở quy định của pháp luật cần xem xét và giải quyết nhanh, kịp thời nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sớm được tiếp cận và giao dịch với các đơn vị, tổ chức, cá nhân.

2. Hỗ trợ về tiếp cận tín dụng

a) Ngân hàng nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh

Tăng cường các giải pháp trên tinh thần nhiệm vụ được giao tại Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, nhất là đối với DNNVV nhằm khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm lãi suất cho vay, nhất là khoản cho vay mới nhằm góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động ngân hàng. Rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai kịp thời, tuyên truyền chính sách hỗ trợ riêng cho DNNVV, đặc biệt những doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh trên Trang thông tin điện tử và phương tiện thông tin đại chúng.

Đẩy mạnh công tác triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhất là các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với DNNVV.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ động kết nối với Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nắm bắt và truyền tải thông tin hoạt động hỗ trợ tài chính của Quỹ trên phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tuyên truyền đến các thành viên Hiệp hội giúp DNNVV sớm được tiếp cận nguồn vốn.

Tăng cường kết nối với Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh cập nhật thông tin về các điều kiện, quy chế cho vay đối với doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm nguồn lực để đầu tư phát triển. Đồng thời thường xuyên phối hợp cập nhật thông tin đầy đủ kịp thời và chính xác để truyền tải thông tin đến doanh nghiệp trên các phương tiện thông đại chúng; đặc biệt trên trang thông tin điện tử của đơn vị, nơi tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và áp dụng.

c) Sở Khoa học và Công nghệ

Thông qua Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tạo điều kiện cho các DNNVV trên địa bàn tỉnh được xem xét vay vốn khi có các đề tài nghiên cứu ứng dụng khả thi, có ứng dụng thực tiễn sản xuất cao trong việc phát triển, cải tiến quy trình, công nghệ kỹ thuật sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

3. Hỗ trợ về mặt bằng sản xuất

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh bám sát nội dung Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh đối với việc hỗ trợ mặt bằng sản xuất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung; sớm hướng dẫn và phối hợp các ngành chức năng thực hiện công tác hỗ trợ giúp doanh nghiệp có điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Chủ động rà soát và xử lý những dự án chậm triển khai, triển khai không đúng tiến độ theo quy định, xem xét tiến hành và thu hồi dự án, tạo nguồn đất sạch và tiếp tục kêu gọi, hỗ trợ nhà đầu tư để thực hiện dự án mới theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành chức năng và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện, rút ngắn thời gian về công tác giải phóng mặt bằng nhằm sớm hỗ trợ doanh nghiệp có dự án trong Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp do địa phương quản lý nhanh chóng được triển khai và sớm đi vào hoạt động. Đồng thời sớm triển khai, công bố quỹ đất sạch của địa phương nhằm tăng sức thu hút nhà đầu tư đầu tư vào các Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

[...]