Kế hoạch 92/KH-UBND thực hiện sắp xếp, sáp nhập bản, thôn, xóm, tiểu khu, tổ dân phố chưa đảm bảo quy mô số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2023

Số hiệu 92/KH-UBND
Ngày ban hành 23/03/2023
Ngày có hiệu lực 23/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/KH-UBND

Sơn La, ngày 23 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN SẮP XẾP, SÁP NHẬP BẢN, THÔN, XÓM, TIỂU KHU, TỔ DÂN PHỐ CHƯA ĐẢM BẢO QUY MÔ SỐ HỘ GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA NĂM 2023

Thực hiện Thông báo số 90-TB/BCĐ ngày 19/12/2022 của Ban Chỉ đạo 38 Tỉnh ủy tại phiên họp tháng 12/2022; Báo cáo số 666-BC/BCSĐ ngày 18/3/2023 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh kết quả tổng hợp, đề xuất phương án sáp nhập bản năm 2023 (đợt 6). UBND tỉnh ban hành Kế hoạch sắp xếp, sáp nhập bản, thôn, xóm, tiểu khu, tổ dân phố (gọi chung là bản) trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2023, như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

1. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TW); Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ ban hành chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương;

2. Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 và Thông tư số 05/2022/TT-BNV ngày 23/5/2022 của Bộ Nội vụ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố;

3. Nghị quyết số 101/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh Sơn La thông qua Đề án sắp xếp, sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố theo quy định trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

b) Sắp xếp, sáp nhập bản nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã; giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở bản; số lượng hưởng mức hỗ trợ và các chức danh khác ở bản; giảm chi ngân sách nhà nước tăng nguồn lực chi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

c) Tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, hệ thống phúc lợi xã hội công cộng ở bản, tiểu khu, tổ dân phố góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương.

2. Yêu cầu

a) Việc sắp xếp, sáp nhập bản phải đảm bảo ổn định tình hình tại địa phương; sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp của cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; đảm bảo công khai, dân chủ, đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị cơ sở và nhân dân.

b) Xây dựng và thực hiện đề án, hồ sơ, sắp xếp, sáp nhập các bản phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, phù hợp với đặc điểm văn hóa, truyền thống, sinh hoạt cộng đồng dân cư và điều kiện địa lý, hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương.

c) Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện sắp xếp, sáp nhập các bản.

III. NỘI DUNG

1. Đối tượng, nguyên tắc sáp nhập

a) Sắp xếp, sáp nhập các bản có quy mô số hộ gia đình dưới 50% quy mô số hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 14/2018/TT-BNV; trong đó, không bắt buộc thực hiện sáp nhập đối với các trường hợp sau:

- Bản còn thiếu từ 10 hộ trở xuống là đạt 50% quy mô số hộ theo quy định (bản thuộc xã biên giới nhưng không giáp biên giới có từ 40 đến 49 hộ; bản thuộc xã có từ 65 đến 74 hộ; bản thuộc phường, thị trấn có từ 90 đến 99 hộ);

- Bản có vị trí biệt lập, cách xa bản liền kề trên 5km, tính từ trung tâm bản theo đường giao thông gần nhất (nếu sáp nhập sẽ khó khăn trong quản lý, sinh hoạt, …);

- Các bản thuộc diện phải sáp nhập nhưng phương án sáp nhập với bản liên kề rất khó thực hiện do một bản có điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo một bản không có điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo.

b) Khuyến khích sáp nhập các bản không thuộc diện bắt buộc, nhất là các bản liền kề có điều kiện thuận lợi.

2. Số bản thực hiện sáp nhập

Tổng số bản dự kiến sáp nhập: 138 bản thành 67 bản, giảm 71 bản trong đó: 101 bản thuộc diện phải sáp nhập; 37 bản thuộc diện khuyến khích (phụ lục I).

3. Xây dựng Đề án

Căn cứ vào Kế hoạch của UBND tỉnh, UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng Đề án sáp nhập bản của từng xã, phường, thị trấn với những nội dung cụ, thể sau:

- Thực trạng bản (nêu ngắn gọn) về: số hộ, số nhân khẩu, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của bản, tiểu khu, tổ dân phố, số lượng những người hoạt động không chuyên trách, số lượng người tham gia các công việc ở bản, các tổ chức...

[...]