Kế hoạch 92/KH-UBND năm 2016 thực hiện đề án "Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020"

Số hiệu 92/KH-UBND
Ngày ban hành 08/04/2016
Ngày có hiệu lực 08/04/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Nguyễn Hữu Thể
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
LÀO CAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/KH-UBND

Lào Cai, ngày 08 tháng 4 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TÁI CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG, LÂM NGHIỆP TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2016-2020”

Thực hiện Nghị quyết số 01- NQ/ĐH ngày 24/9/2015 của Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV và Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27/11/2015 của Tỉnh ủy Lào Cai về 4 chương trình công tác, 19 đề án trọng tâm của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV nhiệm kỳ 2015-2020. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện đề án “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020” với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa các nội dung của Đề án “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020” ban hành kèm theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27/11/2015 của Tỉnh ủy.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh thông qua liên kết mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt. Nâng cao năng lực, trình độ, thu nhập, cải thiện mức sống của người dân nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai đảm bảo an toàn, phát triển sản xuất bền vng.

2. Yêu cầu

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động, tích cực triển khai Kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, báo cáo, đánh giá tiến độ đối với việc thực hiện các nhiệm vụ của đề án.

II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2020

(1) Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 6% năm (Cả nước dự kiến 3,5 - 4%); giá trị tăng thêm bình quân 5,4%/năm, đạt 7.201 tỷ đồng (theo giá cố định 2010).

(2) Cơ cấu kinh tế nội ngành đến năm 2020: Nông nghiệp 80,0%, Lâm nghiệp: 15,0%, Thủy sản: 5,0%. Trong nông nghiệp: trồng trọt 60%, chăn nuôi 37,4%, dịch vụ 2,6%.

(3) Giá trị sản phẩm/01 ha đất canh tác bình quân năm 2020 đạt trên 80 triệu đồng; giá trị sản phẩm/đơn vị canh tác ứng dụng công nghệ cao, bình quân đạt trên 260 triệu.

(4) Đảm bảo an ninh lương thực, đến năm 2020, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 340.000 tấn; sản lượng thịt hơi các loại đạt 50.833 tấn; sản lượng thủy sản đạt 9.813 tấn.

(5) Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đầu người tại nông thôn đạt 30 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn hàng năm giảm từ 3 - 5%.

(6) Khai thác tốt các lợi ích về môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai; nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 56%, góp phần thực hiện định hướng tăng trưởng xanh của tỉnh;

(7) Phấn đấu đến hết năm 2020, toàn tỉnh Lào Cai có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 34,97%, (giai đoạn 2016-2020 là 29 xã); Bình quân mỗi xã đạt 14,1 tiêu chí nông thôn mới; có 120/144 đạt từ 10 tiêu chí trở lên, không còn xã dưới 5 tiêu chí.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP GIAI ĐOẠN 2016-2020

1. Các nhiệm vụ và giải pháp chung

(1) Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và nhiệm vụ sản xuất nông, lâm nghiệp cho cán bộ quản lý nhà nước các cấp, các doanh nghiệp và người nông dân; tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành về tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Chủ động tổ chức chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch ngay từ đầu năm, chuẩn bị tốt vật tư, chủ động sản xuất theo diễn biến thời tiết và thời vụ.

(2) Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản; quy hoạch sắp xếp dân cư; quy hoạch nông thôn mới cấp xã. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch ngành, lĩnh vực và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

(3) Thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất linh hoạt theo đúng quy hoạch, kế hoạch và nhu cầu thị trường, nhất là chuyển đổi đất trồng sắn, lúa, ngô không hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục chuyển nhượng, thuê, góp đất nông nghiệp, vận động người dân “dồn điền, đổi thửa” khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn.

(4) Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển khoa học công nghệ là khâu đột phá” để thực hiện tái cơ cấu ngành. Tăng cường hợp tác với các Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học để nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

(5) Tổ chức lại sản xuất thông qua việc tổng kết kinh nghiệm và phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, mô hình quản lý có hiệu quả trong thực tiễn; Coi trọng củng cố kinh tế hộ và tổ, nhóm hộ có cùng sở thích; Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; 100% HTX được chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012; Xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các cây trồng trong tiêu chí cánh đồng lớn; đồng thời tài liệu hóa làm cơ sở nhân rộng và xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện sản xuất của các địa phương.

Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi nhất là những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung làm thay đổi tập quán canh tác phân tán, thủ công sang sản xuất bằng máy, thiết bị tiên tiến, hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, giảm tn thất trong nông nghiệp, đến năm 2020, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ.

(6) Thực hiện hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành: Tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho cán bộ ngành nông nghiệp, đặc biệt quan tâm vai trò của mạng lưới Khuyến nông, Thú y viên xã; rà soát biên chế và năng lực cán bộ để bố trí, sắp xếp bộ máy và nâng cao hiệu lực quản lý ngành; Đẩy mạnh bồi dưỡng, tập huấn cho doanh nghiệp, hộ nông dân nhằm chuyển giao mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Chú trọng đối với các đối tượng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Tổ chức tham quan, học tập nghiên cứu mô hình về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại một số địa phương.

[...]