ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 8866/KH-UBND
|
Quảng Nam, ngày
19 tháng 12 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN HIỆN ĐẠI HÓA NGÀNH KHÍ TƯỢNG THỦY
VĂN ĐẾN NĂM 2025 VÀ THỜI KỲ 2026-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
Thực hiện Quyết định số
1261/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hiện đại
hóa ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026 - 2030; Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh với các
nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển ngành khí tượng thủy
văn đảm bảo độ chính xác cao trong các hoạt động dự báo, cảnh báo kịp thời phục
vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, thích ứng với
biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Cơ chế, chính sách phát triển
nguồn nhân lực
Đảm bảo nguồn nhân lực chuyên
nghiệp, có trình độ, chất lượng trong công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy
văn.
b) Công nghệ thông tin và chuyển
đổi số khí tượng thủy văn
- Hoàn thành cơ sở dữ liệu khí
tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh; đảm bảo kết nối liên thông với cơ
sở dữ liệu quốc gia về khí tượng thủy văn; số liệu quan trắc tại các trạm khí
tượng thủy văn chuyên dùng được thu nhận sát theo thời gian thực và kiểm soát,
lưu trữ theo đúng quy định; tối thiểu 75% số liệu quan trắc tại trạm khí tượng
thủy văn chuyên dùng được thu nhận, tích hợp vào cơ sở dữ liệu khí tượng thủy
văn quốc gia và cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường của tỉnh.
- Phối hợp thực hiện chuyển đổi
số lĩnh vực khí tượng thủy văn đạt theo chỉ tiêu chuyển đổi số của ngành tài
nguyên và môi trường.
c) Mạng lưới trạm quan trắc khí
tượng thủy văn chuyên dùng
- Lồng ghép trạm quan trắc khí
tượng thủy văn chuyên dùng vào mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia nhằm
bổ sung số liệu, dữ liệu cho hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia đảm bảo tiết
kiệm, hiệu quả.
- Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống
quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên
dùng, nhất là đối với mưa, bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ
sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh.
d) Khai thác bản tin dự báo, cảnh
báo khí tượng thủy văn
- Tiếp nhận, khai thác, sử dụng
bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn từ các cơ quan chuyên ngành để phục
vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp nhận thông tin phân vùng
thiên tai, rủi ro thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, tài nguyên khí hậu, tài
nguyên nước phục vụ việc xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội.
đ) Ứng dụng khoa học công nghệ,
hợp tác quốc tế
- Ứng dụng các kết quả nghiên cứu
khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa, viễn thám và các
công nghệ hiện đại khác trong công tác khí tượng thủy văn.
- Tăng cường hợp tác quốc tế,
tranh thủ sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên Tổ chức khí tượng thế giới
(WMO) khai thác, ứng dụng các nghiên cứu quan trắc, đo đạc, thám sát, chia sẻ
thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Giai đoạn năm 2024 - 2025
a) Cơ chế, chính sách về khí tượng
thủy văn
- Phối hợp rà soát, kiến nghị sửa
đổi, bổ sung Luật Khí tượng thủy văn; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình
kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến hoạt động khí tượng thủy
văn đảm bảo phù hợp với thực tế; kiến nghị xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ
thuật cho hệ thống mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn chuyên dùng; quy định về
tích hợp, đồng bộ dữ liệu khí tượng thủy văn; khai thác, chia sẻ, sử dụng thông
tin dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu trong các chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
- Xây dựng và rà soát sửa đổi,
bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khí tượng thủy
văn do UBND tỉnh ban hành.
b) Công nghệ thông tin và chuyển
đổi số
Xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng
thủy văn, liên thông đến các cơ sở dữ liệu khác của các ngành, địa phương trong
tỉnh; ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu
khí tượng thủy văn từ địa phương đến trung ương.
c) Mạng lưới trạm quan trắc khí
tượng thủy văn
- Tăng cường quản lý nhà nước về
khí tượng thủy văn đối với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của
các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai thực hiện kế hoạch
số 5567/KH-UBND ngày 23/9/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về phát triển mạng lưới
trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.
- Đầu tư thiết bị, công nghệ
thu thập và xử lý số liệu theo hướng tự động đối với mạng lưới trạm khí tượng
thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường thanh tra, kiểm
tra việc tuân thủ quy định về kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy
văn của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước tham gia cung cấp, hỗ trợ các dịch vụ khí tượng thủy văn phục
vụ công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
d) Dự báo, cảnh báo khí tượng
thủy văn
- Ứng dụng các mô hình, công cụ
cảnh báo lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất và dự báo, cảnh báo biển; nâng cao chất lượng
tiếp cận, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, đặc biệt mưa lớn cục bộ
hoặc mưa lớn trong cơn dông để phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa
bàn tỉnh.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu và
công cụ phục vụ hỗ trợ dự báo tác động và cảnh báo rủi ro đa thiên tai trên địa
bàn tỉnh.
- Xây dựng phân vùng rủi ro
thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến
bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.
đ) Ứng dụng khoa học công nghệ,
hợp tác quốc tế
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học
và công nghệ về khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phòng chống
thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; áp dụng các công
nghệ, giải pháp kỹ thuật trong lĩnh vực khí tượng thủy văn chuyên dùng.
- Khuyến khích xã hội hóa lĩnh
vực khí tượng thủy văn phục vụ cho phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
2. Giai đoạn từ năm 2026 đến
năm 2030
a) Cơ chế, chính sách về khí tượng
thủy văn
- Tổ chức rà soát, đề xuất sửa
đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách
liên quan đến công tác khí tượng thủy văn theo thẩm quyền nhằm tăng cường công
tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; các quy định chia sẻ, kết nối liên
thông thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn với các Bộ, ngành, địa phương; giữa
các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan
chuyên ngành có liên quan để cảnh báo lũ quét, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn đảm
bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh.
b) Công nghệ thông tin và chuyển
đổi số khí tượng thủy văn
- Nâng cấp hạ tầng, trang thiết
bị công nghệ thông tin để theo dõi, giám sát thông tin khí tượng thủy văn, kịp
thời phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp thực hiện đề án tổng
thể ứng dụng công nghệ thông tin quản lý hoạt động khí tượng thủy văn của Bộ
Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Khí tượng Thủy văn có liên quan đến phạm vi
thực hiện của tỉnh.
- Tổ chức phối hợp, vận hành hiệu
quả hệ thống cảnh báo đa thiên tai, kết hợp với các hệ thống cơ sở hạ tầng
thông tin để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
c) Mạng lưới trạm quan trắc khí
tượng thủy văn
- Tiếp tục đầu tư thiết bị,
công nghệ quan trắc, thu thập và xử lý số liệu tự động đối với mạng lưới trạm
khí tượng thủy văn chuyên dùng kế hoạch số 5567/KH-UBND ngày 23/9/2020 của UBND
tỉnh; bổ sung mạng lưới trạm đo mưa tự động, đặc biệt tại khu vực thường xảy ra
lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.
- Tích hợp, lồng ghép việc thu
nhận, xử lý thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn chuyên dùng vào hệ thống cơ sở
dữ liệu tài nguyên và môi trường của tỉnh; giữa mạng lưới trạm quan trắc khí tượng
thủy văn quốc gia với các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của tỉnh.
- Đo đạc, điều tra, khảo sát về
xói lở, bồi lấp lòng sông các khu vực trọng yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Tăng cường đầu tư hệ thống ngăn mặn đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp và
sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.
- Ứng dụng các công nghệ viễn
thám, camera phục vụ quan trắc khí tượng thủy văn, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở
bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh.
d) Dự báo, cảnh báo khí tượng
thủy văn
- Ứng dụng các mô hình, công cụ
dự báo thủy văn trên các lưu vực sông, xây dựng công cụ hỗ trợ cảnh báo, dự báo
chi tiết phạm vi ngập lụt, độ sâu ngập lụt vùng hạ lưu các lưu vực sông và hạ
lưu các hồ chứa.
- Ứng dụng công cụ hỗ trợ dự
báo phục vụ chỉ đạo, điều hành, vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia
- Thu Bồn theo thời gian thực.
- Ứng dụng công nghệ viễn thám,
công nghệ mới để giám sát lũ, ngập lụt, hạn hán, nguồn nước trên các lưu vực
sông, đặc biệt các lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Trường Giang, sông Tam Kỳ.
đ) Ứng dụng khoa học công nghệ,
hợp tác quốc tế
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh
thủ nguồn vốn, công nghệ của các nước tiên tiến để đẩy nhanh quá trình hiện đại
hóa công nghệ dự báo, cảnh báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa
bàn tỉnh.
III. NGUỒN VỐN
THỰC HIỆN
Kinh phí triển khai thực hiện
các nhiệm vụ của Kế hoạch này được bố trí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà
nước và các văn bản hướng dẫn thi hành theo quy định; các nguồn xã hội hóa và
nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên
quan tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch này.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
triển khai các chương trình, đề án, dự án liên quan để thực hiện các mục tiêu,
nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; trình Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh nội dung Kế hoạch trong trường
hợp cần thiết.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
Ban, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan tổ chức truyền thông, tuyên
truyền; đồng thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với Sở Tài chính xem xét, tham mưu bố trí nguồn vốn chi đầu tư
phát triển thực hiện chương trình, đề án, dự án về khí tượng thủy văn từ ngân
sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; đồng thời,
huy động và ưu tiên các nguồn lực hợp pháp khác để triển khai thực hiện.
3. Sở Tài chính tổng hợp kinh
phí chi từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các nhiệm vụ, chương trình về khí tượng
thủy văn của các cơ quan, đơn vị có liên quan, tham mưu trình cơ quan có thẩm
quyền bố trí để thực hiện.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Sở Công Thương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đầu
tư, phát triển các hoạt động khí tượng thủy văn chuyên dùng trong các lĩnh vực
thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành; đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện quản lý khai thác, sử dụng
thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn,
kịch bản biến đổi khí hậu theo đúng quy định của pháp luật.
5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ
Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn
các đơn vị có liên quan cập nhật, khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu khí tượng
thủy văn có liên quan, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật.
6. Sở Thông tin và Truyền
thông:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
Ban, ngành liên quan thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực khí tượng thủy văn;
xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, ứng dụng hiệu quả
công nghệ thông tin kết nối liên thông giữa các Sở, Ban, ngành, các địa phương
trong tỉnh để quản lý các hoạt động thông tin chuyên ngành liên quan tới hoạt động
khí tượng thủy văn.
- Chỉ đạo các cơ quan báo, đài
đăng tải thông tin, tổ chức truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng
đồng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khí tượng
thủy văn, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu theo quy định
của pháp luật.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo,
hướng dẫn các cơ sở giáo dục, đào tạo xây dựng, triển khai các hoạt động, tổ chức
cuộc thi tìm hiểu về vai trò của công tác khí tượng thủy văn, phổ biến kiến thức
cơ bản về khí tượng thủy văn, thích ứng với biến đổi khí hậu trong các bậc học
phù hợp với đối tượng tham gia.
8. Sở Khoa học và Công nghệ chủ
trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan triển khai nghiên cứu, ứng dụng
khoa học và công nghệ trong công tác khí tượng thủy văn nhằm nâng cao hiệu quả
quản lý nhà nước và hoạt động khí tượng thủy văn.
9. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh
Quảng Nam:
- Phối hợp với các Sở, Ban,
ngành, các địa phương đề xuất, trình phương án thành lập, nâng cấp, hạ cấp, di
chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh; phối hợp
tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
- Phối hợp với các Sở, Ban,
ngành, các địa phương theo dõi hoạt động của các trạm khí tượng thủy văn thuộc
các công trình bắt buộc phải quan trắc. Vận hành, khai thác hệ thống dự báo, cảnh
báo khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh; theo dõi, tổng hợp và báo
cáo về tình hình khí tượng thủy văn, thiên tai khí tượng thủy văn trong phạm vi
được giao.
- Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy
văn và cấp độ rủi ro thiên tai và tổ chức truyền tin, phát các bản tin dự báo,
cảnh báo khí tượng thủy văn và cấp độ rủi ro thiên tai chi tiết trên địa bàn tỉnh
do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực
cung cấp theo quy định. Tham gia điều tra, khảo sát, dự báo, cảnh báo khí tượng
thủy văn trên địa bàn tỉnh và lưu trữ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn được
giao theo quy định.
10. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố:
- Căn cứ tình hình và nhu cầu
thực tế của địa phương xây dựng kế hoạch, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp chủ
động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo
quy định của pháp luật để thực hiện các nhiệm vụ về khí tượng thủy văn phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an
ninh trên địa bàn.
- Khai thác, sử dụng tin dự
báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống
thiên tai trên địa bàn; phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về khí tượng
thủy văn.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp
xã, cơ quan, tổ chức liên quan ở địa phương tham gia bảo vệ công trình khí tượng
thủy văn trên địa bàn; phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về khí tượng
thủy văn; tham gia giải quyết, xử lý vi phạm về khí tượng thủy văn theo thẩm
quyền.
11. Các Sở, Ban, ngành, cơ quan
đoàn thể khác theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường
xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình tổ chức thực hiện,
nếu xét thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung, nhiệm vụ cụ thể, các Sở, Ban,
ngành, đơn vị, địa phương chủ động đề xuất, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để
tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Tổng cục KTTV;
- TT TU; TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài KTTV tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, KGVX, KTTH, TH, KTN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Quang Bửu
|