Kế hoạch 01/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án Hiện đại hóa ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026-2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 01/KH-UBND
Ngày ban hành 03/01/2024
Ngày có hiệu lực 03/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Nguyễn Cao Sơn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 03 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “HIỆN ĐẠI HÓA NGÀNH KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN ĐẾN NĂM 2025 VÀ THỜI KỲ 2026-2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH.

Thực hiện Quyết định số 1261/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hiện đại hóa ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026-2030”. UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án “Hiện đại hóa ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026-2030”; đồng thời góp phần đạt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Đề án theo nội dung Quyết định số 1261/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch triển khai phải đảm bảo phù hợp với điều kiện của tỉnh và gắn kết chặt chẽ với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp pháp được nêu trong Đề án của Thủ tướng Chính phủ.

- Xác định các nhiệm vụ trọng tâm về công tác tác khí tượng thủy văn giai đoạn đến năm 2025 và thời kỳ 2026-2030 để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

- Ưu tiên hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, nâng cao năng lực công nghệ dự báo và tiến hành chuyển đổi số công tác khí tượng thủy văn; tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, chủ động, tích cực hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước góp phần thúc đẩy, phát triển ngành khí tượng thủy văn của tỉnh.

II. MỤC TIÊU

- Lập kế hoạch phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, quốc phòng an ninh của tỉnh; ưu tiên phát triển tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, khu vực ven biển.

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; nâng cấp kết cấu hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hoá, tích hợp đa mục tiêu.

- Phát triển ngành khí tượng thủy văn của tỉnh đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đặc biệt là thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, bất thường có thể ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường với độ tin cậy chính xác cao.

- Xây dựng hệ thống tích hợp giám sát, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, môi trường cho khu vực đô thị của tỉnh.

- Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ; hoàn thiện phương pháp, quy trình dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu. Hình thành và phát triển thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực.

- Về thông tin, dữ liệu, truyền tin và chuyển đổi số khí tượng thủy văn:

+ Xây dựng được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn tập trung, liên thông với các cơ sở dữ liệu chung của quốc gia. Cung cấp dịch vụ công lĩnh vực khí tượng thủy văn đạt mức độ 4.

+ 100% các phương tiện đo tại trạm khí tượng thủy văn được kiểm định, hiệu chuẩn; ứng dụng một số mô hình quản lý trạm khí tượng thủy văn hiện đại tự động hóa, giảm thiểu đo thủ công.

+ 100% số liệu quan trắc tại các công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật và tối thiểu 75% số liệu quan trắc tại trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng khác trên địa bàn được thu nhận, tích hợp vào cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.

+ Đảm bảo việc cung cấp thông tin phân vùng thiên tai, rủi ro thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, tài nguyên khí hậu, tài nguyên nước phục vụ việc xây dựng, thực hiện tích hợp vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự án trọng điểm của tỉnh.

- Về phát triển thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn: Phối hợp cơ quan Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn và sản xuất, lắp ráp các phương tiện đo, trang thiết bị sử dụng trong mạng lưới trạm khí tượng thủy văn.

- Về truyền thông khí tượng thủy văn: Truyền tải đầy đủ, kịp thời đến chính quyền địa phương cấp xã, hộ gia đình, nhất là tại các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai khí tượng thủy văn các bản tin dự báo, cảnh báo do ngành khí tượng thủy văn ban hành. Tuyên truyền, đảm bảo tối thiểu đạt 90% chính quyền các cấp, hộ gia đình có hiểu biết cơ bản về bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

- Phát triển thêm các chương trình truyền hình, truyền thanh, các sản phẩm truyền thông khí tượng thủy văn, theo dõi tại các mạng xã hội, kênh truyền thông đối với hoạt động khí tượng thủy văn.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Về hoạt động truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác khí tượng thủy văn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phục vụ thiết thực đời sống dân sinh.

- Xây dựng các phương tiện, nền tảng công nghệ tạo thuận lợi cho các cấp chính quyền và người dân tiếp cận được thông tin khí tượng thủy văn, đặc biệt là ở miền núi, ngư dân ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng đặc thù khác.

[...]