Kế hoạch 88-KH/TU năm 2021 về củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 88-KH/TU |
Ngày ban hành | 24/12/2021 |
Ngày có hiệu lực | 24/12/2021 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Nguyễn Hồ Hải |
Lĩnh vực | Thương mại,Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế |
THÀNH
ỦY |
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 88-KH/TU |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 12 năm 2021 |
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về Kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 15 tháng 9 năm 2021, Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng Kế hoạch củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể:
Sau đại hội đảng, các cấp cấp ủy được kiện toàn, xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế làm việc theo hướng nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng đối với hệ thống chính trị, tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của Nhân dân. Đặc biệt, qua những ngày tháng cam go, khốc liệt chưa từng có trong ứng phó với đại dịch COVID-19, là một thử thách sinh động của tinh thần dũng cảm, trách nhiệm, sáng tạo, gương mẫu đi đầu, sẵn sàng cống hiến, hy sinh thầm lặng, quên mình vì tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, của lực lượng tuyến đầu. Hệ thống chính trị ở cơ sở đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đề ra nhiều giải pháp gắn với cơ sở; phát huy vai trò của Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban điều hành khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ Nhân dân trong công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống COVID-19, chăm lo an sinh cho Nhân dân tại địa bàn dân cư, góp phần cùng thành phố từng bước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống chính trị ở cơ sở vẫn còn những bất cập và một số hạn chế như một số nơi chưa kịp thời kiện toàn chức danh chủ chốt, gây khó khăn nhất định trong công tác phòng, chống dịch; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức, đơn vị còn chồng chéo; việc vận hành các phương án, kịch bản của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 phường, xã, thị trấn, của Ban Chỉ huy thống nhất phường, xã, thị trấn trong một số tình huống còn bị động, lúng túng; thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu ở một số lĩnh vực chưa rõ; việc đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, cách thức vận động quần chúng của mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chưa đáp ứng theo yêu cầu; có nơi, có lúc hội viên, đoàn viên, lực lượng dân quân đông nhưng chưa mạnh; một bộ phận cán bộ, công chức ở cơ sở chưa nắm chắc tình hình Nhân dân nên xử lý những vấn đề phát sinh còn lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Nguyên nhân khách quan là do một số cơ chế, chính sách, quy định chưa phù hợp đặc thù mô hình chính quyền đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là quy định về tổ chức bộ máy, biên chế hệ thống chính trị cơ sở đối với các địa phương có quy mô dân số đông, trong ứng phó với dịch bệnh còn thiếu nhiều phương tiện, trang thiết bị... Nguyên nhân chủ quan, trong đó chủ yếu là do một số cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, có cả cán bộ chủ chốt từng cấp vẫn còn có lúc, có nơi, có việc thiếu chủ động, tinh thần trách nhiệm không cao, thiếu tâm huyết, thiếu bản lĩnh; một số sợ trách nhiệm, trông chờ, ỷ lại, ngại khó, ngại khổ, thậm chí né tránh trước những khó khăn thử thách.
Để tiếp tục phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị cơ sở hơn nữa trong thời gian tới để tạo sự đoàn kết, đồng lòng, phát huy sức mạnh Nhân dân theo phương châm “Mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài trong công tác phòng chống dịch”, đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng Kế hoạch củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp như sau.
1. Mục tiêu
Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở nhằm xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phù hợp với điều kiện, đặc điểm thực tế địa phương, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nhằm đảm bảo góp phần cùng thành phố kiểm soát được dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế.
2. Quan điểm
- Việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở phải bám sát Nghị quyết của cấp trên trực tiếp và cấp ủy cùng cấp, bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và huy động tổng hợp của Nhân dân trong việc kiểm soát được dịch Covid-19.
- Việc củng cố, kiện toàn không gây xáo trộn bộ máy tổ chức; làm chắc từng khâu, từng việc; các cấp ủy, tổ chức đảng cần dân chủ, công khai, làm tốt công tác tư tưởng đối với đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động, tránh phát sinh tình trạng đơn thư.
- Ban thường vụ thành ủy Thủ Đức, các quận ủy, huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy phường, xã, thị trấn (gọi chung là đảng ủy cấp xã) nhanh chóng rà soát, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đủ điều kiện đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ điều kiện trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chức danh còn khuyết trong cấp ủy, chính quyền, mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội ở phường, xã, thị trấn; kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế cấp huyện, cấp xã phù hợp với tình hình hiện nay.
- Quan tâm tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp xã, bảo đảm hài hòa về độ tuổi trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, kiện toàn nhân sự lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đảm bảo quản lý số lượng và phát huy tốt vai trò đoàn viên, hội viên tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19; nắm tình hình Nhân dân, giám sát chặt chẽ việc tiếp nhận và việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
- Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, giỏi về nghiệp vụ, chuyên môn gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị tốt đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Chú trọng việc khơi dậy ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung.
- Kịp thời quan tâm, động viên tinh thần và chăm lo chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên cấp xã; đội ngũ cán bộ khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân.
- Ban thường vụ thành ủy Thủ Đức, các quận ủy, huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy cấp xã rà soát, bổ sung Quy chế làm việc của Ban chấp hành đảng bộ xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025, theo các yêu cầu: xác định rõ hơn nội dung lãnh đạo của đảng ủy; cụ thể hóa quy chế phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống COVID-19; xác định rõ hơn nhiệm vụ quản lý điều hành của chính quyền, chức năng, nhiệm vụ các tổ chức chính trị - xã hội; quy định cụ thể các mối quan hệ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở.
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế cấp xã. Rà soát, cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện kịch bản, phương án, kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp xã; bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tập trung, xuyên suốt, toàn diện, thống nhất và có hiệu quả, phù hợp với chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp huyện trong từng giai đoạn và tình hình thực tế tại địa phương.
- Lãnh đạo chi bộ, đảng bộ trực thuộc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; duy trì tốt chế độ sinh hoạt và nâng cao chất lượng, nội dung sinh hoạt chi bộ tập trung vào những vấn đề cụ thể, thiết thực gắn với tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên tích cực học tập, nỗ lực làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao ý thức trách nhiệm và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.
- Phân công nhiệm vụ cụ thể, quy định thời gian thực hiện qua đó nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng ủy, phát huy tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân, nâng cao vai trò giám sát phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong điều kiện không còn tổ chức hội đồng nhân dân phường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy tốt hơn nữa việc sâu sát nắm tâm tư nguyện vọng, khó khăn của Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh để phối hợp với chính quyền giải quyết.
3. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường công tác kiểm tra giám sát
- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, nhất là vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên, cán bộ chủ chốt ở cơ sở; cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền cấp xã trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu gương mẫu, tận tụy, làm nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch, tạo sự lan tỏa trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp xã.
- Nghiên cứu đề xuất thành phố, Trung ương mô hình quản lý dân cư theo số hộ dân, số lượng dân cư thực tế, đảm bảo quản lý an toàn, nắm chắc tình hình Nhân dân, trước mắt tập trung củng cố tổ chức, bộ máy và tiếp tục nghiên cứu về cơ chế, chính sách nhằm phát huy mô hình tổ chức của hệ thống chính trị dưới phường, xã, thị trấn; đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội tại địa bàn có nhà chung cư theo Kết luận số 436-KL/TU ngày 08 tháng 5 năm 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy. Tiếp tục phát hơn nữa vai trò của khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân trong việc quản lý, giám sát chặt chẽ, tuyên truyền, vận động để từng hộ gia đình, mỗi công dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế; quan tâm chăm lo đời sống và xây dựng lực lượng nòng cốt trong Nhân dân; thực hiện tốt chủ trương lấy địa bàn dân cư làm pháo đài trong công tác phòng chống dịch, huy động người lao động trên địa bàn cùng tham gia chống dịch góp phần cùng thành phố từng bước đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
- Hoàn thiện tổ chức và hoạt động theo mô hình chính quyền đô thị. Đổi mới hoạt động của chính quyền cơ sở tinh gọn gắn với cải cách tổ chức bộ máy, cải cách hành chính theo hướng gần dân, sát dân. Thực hiện quy chế về mối quan hệ phối hợp trong công tác giám sát giữa đại biểu Hội đồng nhân dân với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã, thị trấn. Tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phường trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân phường.