Kế hoạch 87-KH/TU năm 2021 về nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ thành phố trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 87-KH/TU
Ngày ban hành 24/12/2021
Ngày có hiệu lực 24/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Hồ Hải
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

THÀNH ỦY THÀNH PHỐ
HỒ CHÍ MINH
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 87-KH/TU

TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ TRONG ĐIỀU KIỆN THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19, PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về Kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 15 tháng 9 năm 2021, Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng kế hoạch tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố, như sau:

I. NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH

Dịch COVID-19 với biến chủng Delta bùng phát lan rộng trên địa bàn thành phố, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ chí tình, chí nghĩa của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương bạn, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đoàn kết thống nhất của lãnh đạo thành phố và sự nỗ lực, đồng tâm rất lớn của Nhân dân thành phố cơ bản vượt qua những ngày tháng cam go, khốc liệt, từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt và phục hồi kinh tế. Cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị thành phố đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cổ vũ, động viên các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp tình hình thực tế; phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, phát huy ưu thế của nền tảng internet, mạng xã hội, tăng cường truyền thông thông tin các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tránh gây tâm lý hoang mang, bi quan, lo lắng nhưng cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đồng thời tích cực, thúc đẩy và lan tỏa những hình ảnh, hành động, nghĩa cử cao đẹp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó đã phát huy được sự chung sức, chung lòng đồng cam, cộng khổ của Nhân dân, sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện phẩm chất cao đẹp trong tình dân tộc - nghĩa đồng bào của người Việt Nam để vượt qua mọi khó khăn, thách thức cùng thành phố từng bước ổn định và phục hồi, phát triển.

Tuy nhiên, công tác truyền thông còn hạn chế, tính thuyết phục chưa cao, định hướng dư luận xã hội còn chậm, nhất là trong những thời điểm cam go nhất, khó khăn nhất của thành phố trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nguyên nhân khách quan hạn chế, do đợt bùng phát dịch thứ 4 diễn biến nhanh, chưa từng có tiền lệ, nên công tác chỉ đạo, điều hành trong giai đoạn đầu có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động, chưa thống nhất, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi. Nguyên nhân chủ quan hạn chế trên là do công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn; khi dịch xảy ra trên diện rộng và với quy mô lớn, bộc lộ một số điểm yếu của hệ thống và năng lực quản lý của các cấp; hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu; một số nơi chưa thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý cấp trên; chưa ứng xử thực sự đúng mực trong xử lý tình huống nảy sinh, gây bức xúc trong Nhân dân.

Dự báo năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng còn diễn biến phức tạp, khó lường, với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Do đó cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, “thích ứng an toàn, linh hoạt” hoặc sống chung” với dịch COVID-19; cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp, khả thi nhất; chăm lo sức khoẻ, đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh - phúc lợi xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội.

II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM

1. Mục tiêu

1.1. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và từng địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội để đưa chủ trương, giải pháp kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố vào cuộc sống; thực hiện tốt các chính sách an sinh và an toàn xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân, người bị tác động, ảnh hưởng của đại dịch; truyền cảm hứng, khơi gợi, phát huy tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo, hiến kế giải pháp của người dân cho sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội thành phố và đất nước.

1.2. Kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố để thông tin sai sự thật, gây bất an, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội; xử lý nghiêm minh hành vi tung tin xấu, độc gây hoang mang trong xã hội; đồng thời, tích cực truyền thông, đưa tin những hình ảnh, hành động, nghĩa cử cao đẹp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Quan điểm chỉ đạo

2.1. Sức khoẻ, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; phát huy vai trò người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Tuyệt đối không chủ quan, nôn nóng; triển khai từng bước, thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “An toàn là trên hết”, bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch với duy trì các hoạt động kinh tế, coi trọng vai trò của việc ứng dụng công nghệ và dữ liệu trong xây dựng và triển khai các biện pháp, chiến lược phòng, chống dịch và phục hồi các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội.

2.2. Tuân thủ sự lãnh đạo của Trung ương, sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; tôn trọng nguyên tắc chuyên môn, khoa học của ngành Y tế. Tiếp tục phát huy sự năng động, chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị; huy động sức mạnh tổng hợp, sự chung sức đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, sự giúp đỡ, chia sẻ, hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trong phòng, chống dịch, an sinh xã hội và phục hồi kinh tế.

2.3. Công tác tư tưởng cần bám sát yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới để huy động, kết nối lực lượng, triển khai công tác tuyên truyền, truyền thông thường xuyên, liên tục, kịp thời, nhanh nhạy, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng. Các hoạt động thông tin, truyền thông đảm bảo nguyên tắc chủ động, phải đi trước, định hướng dư luận xã hội, có thông điệp rõ ràng, nhất quán, “nói dân hiểu, dân thông, dân ủng hộ, dân tham gia thực hiện” bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để ổn định tâm lý xã hội trong trạng thái bình thường mới, kết hợp phương thức truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ; phát huy vai trò của hệ thống báo chí, truyền thông mạng xã hội của hệ thống chính trị các cấp, mạng lưới thông tin cơ sở; tiếp tục nhân rộng những mô hình tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hiệu quả.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tư tưởng, công tác dân vận của chính quyền, công tác vận động Nhân dân; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tự giác hành động của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý

1.1. Cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành cần xác định sự thống nhất tư tưởng trong Đảng là điều kiện quyết định để thúc đẩy công tác vận động nhân dân trong tình hình mới, tạo sự đồng thuận xã hội. Chủ động nắm chắc tình hình, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng và xã hội; huy động các nguồn lực tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường phòng, chống, ngăn chặn và kiểm soát dịch COVID-19 có hiệu quả; phát huy mạnh mẽ vai trò của mỗi phường - xã - thị trấn, mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp và Nhân dân trong phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

1.2. Phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham mưu thực hiện công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động trong khu vực sản xuất, dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao, người dân tại các tổ dân phố còn là “vùng đỏ”, “vùng cam”, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống Nhân dân, nhất là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, công nhân - người lao động ở các khu nhà trọ, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch COVID-19 và lực lượng tuyến đầu chống dịch, bảo đảm kịp thời, thực chất, hiệu quả.

1.3. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội như việc ứng dụng công nghệ vào tổ chức các hội nghị trực tuyến, số hóa các văn bản hoặc chủ động thực hiện các sản phẩm tuyên truyền trực quan, sinh động như video clip, đồ họa, trang mạng xã hội đa phương tiện... nhằm kịp thời thích ứng và sáng tạo trong phương pháp làm việc, tuyên truyền phù hợp với điều kiện bình thường mới.

2. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội, triển khai thực hiện tốt thông điệp “Không chủ quan, giữ vững thành quả, thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”

2.1. Tập trung tuyên truyền, quán triệt tư tưởng, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước: “Chống dịch như chống giặc”, “kiên định thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe Nhân dân”. Trong đó quan tâm khẳng định những thành tựu đạt được của đất nước trên các lĩnh vực thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn, cả thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19; công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đang đi đúng hướng và đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng. Khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh đang dần kiểm soát được tình hình dịch bệnh, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội một cách an toàn, thận trọng với phương châm “An toàn là trên hết”, “An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”; công tác phòng, chống dịch phải “từ xa, từ sớm, từ cơ sở”, “người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch”; phường, xã, thị trấn thật sự là “pháo đài”, người dân thật sự là “chiến sĩtrong phòng, chống dịch.

2.2. Tuyên truyền, phản ánh thực tế tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội thành phố với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân thành phố trong tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề an sinh, an toàn xã hội, bảo đảm đời sống và sức khỏe Nhân dân, phục hồi và phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội thành phố sau những tác động tiêu cực của đại dịch. Vận động người dân các tỉnh tiếp tục ở lại sinh sống, làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh với các chính sách, đảm bảo chăm lo an sinh xã hội.

2.3. Đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Bộ Y tế; Chỉ thị số 18/CT-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; các biện pháp, chiến lược phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế trong đó chú trọng tuyên truyền 3 chiến lược cụ thể: (1) Chiến lược y tế là trụ cột; (2) Chiến lược kinh tế là then chốt; (3) Chiến lược xã hội là trọng yếu.

2.4. Đặc biệt chú trọng và tăng cường công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trong Nhân dân về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, triển khai lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội tiếp tục sâu sát cơ sở, nắm bắt, kịp thời phát hiện những vấn đề phức tạp tại địa phương, đơn vị. Triển khai đa dạng cách thức nắm thông tin dư luận xã hội, phù hợp với từng nhóm đối tượng, ngành nghề; định kỳ thực hiện khảo sát, thăm dò dư luận xã hội.

3. Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông và lan tỏa thông tin tích cực trên báo đài; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch

3.1. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đề án 05-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; tập trung hơn nữa cho việc xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động các trang mạng xã hội tích cực, chính thống và lực lượng nòng cốt chính trị của hệ thống chính trị thành phố trên mạng xã hội. Thường xuyên rà soát, củng cố lực lượng nòng cốt, lực lượng cộng tác viên, các nhóm trên mạng internet; phát triển mạnh hệ thống các trang của tổ chức và cá nhân trong hệ thống tham gia đấu tranh trên mạng, đảm bảo bí mật, kịp thời, hiệu quả, có sức chiến đấu cao.

- Tiếp tục phát huy đồng bộ vai trò các cơ quan chức năng thành phố, cơ chế phối hợp với các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố khác trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá thông tin sai sự thật, xấu, độc trên mạng xã hội.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ