Kế hoạch 44/KH-UBND năm 2019 thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 44/KH-UBND
Ngày ban hành 08/04/2019
Ngày có hiệu lực 08/04/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Phạm Minh Huấn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 08 tháng 4 năm 2019

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 17/NQ-CP NGÀY 07/3/2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2019 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 17/NQ-CP). Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ; làm căn cứ cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh lập kế hoạch triển khai nhiệm vụ hàng năm đảm bảo mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang theo yêu cầu của Nghị quyết.

Nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, tạo bước đột phá về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của tỉnh trong tình hình mới.

Đảm bảo xây dựng một nền hành chính điện tử, hiện đại, đồng bộ và liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã; hoàn thiện các hệ thống thông tin (HTTT), các cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của tỉnh, tạo môi trường làm việc minh bạch, hiệu lực, hiệu quả cao; giảm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

2. Yêu cầu

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp phải xác định việc xây dựng Chính quyền điện tử là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên; là yếu tố bảo đảm thực hiện thành công, đột phá trong cải cách hành chính và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; cần được chú trọng, ưu tiên nhiệm vụ về CNTT trong các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của ngành, địa phương, từ đó tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả tại cơ quan, đơn vị mình.

Triển khai ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực và có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, số hóa, cung cấp dịch vụ công mức độ cao trong các lĩnh vực, ưu tiên các thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, đầu tư, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và môi trường ...

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Giai đoạn 2019 - 2020

- Hoàn thiện môi trường chính sách về tổ chức ứng dụng CNTT tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, đầu tư ứng dụng CNTT.

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ ứng dụng CNTT thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020.

- Tiếp tục triển khai Trục liên thông văn bản theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm kết nối liên thông, thông suốt hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (QLVBĐH) của tỉnh với các cấp để thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng và các nội dung khác theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; phấn đấu 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; tối thiểu 80% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

- Phấn đấu 100% báo cáo định kỳ của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được gửi nhận bằng văn bản điện tử.

- Tiếp tục triển khai sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, xác định đây là hạ tầng truyền dẫn căn bản trong kết nối các hệ thống thông tin Chính quyền điện tử và liên thông, chia sẻ dữ liệu.

- Phấn đấu 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 50% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Tuyên Quang.

- Cổng thông tin điện tử của tỉnh và 100% trang Thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh bảo đảm công khai thông tin đầy đủ theo đúng quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ. Bám sát định hướng của tỉnh tạo môi trường giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp.

- Duy trì, phát triển hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Tuyên Quang, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu thực tế, đường truyền ổn định, an toàn phục vụ các cuộc họp từ cấp tỉnh tới cấp huyện.

- Tiếp tục bổ sung, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật CNTT; xây dựng và hoàn thiện các HTTT, CSDL chuyên ngành tạo nền tảng xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bí mật nhà nước.

- Duy trì, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 khi được ban hành.

2. Giai đoạn 2021 - 2025

- Tiếp tục xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng Chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang gắn với xây dựng Đô thị thông minh tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh đã được phê duyệt, cập nhật. Hoàn thành việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các HTTT, CSDL quốc gia thông qua Trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

- Duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cổng dịch vụ công tỉnh Tuyên Quang với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% các giao dịch trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử.

- Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

- Phấn đấu 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

[...]