Kế hoạch 830/KH-UBND năm 2021 về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 830/KH-UBND
Ngày ban hành 04/02/2021
Ngày có hiệu lực 04/02/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đặng Trí Dũng
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Đ
ộc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 830/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 04 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CHO HỌC SINH, SINH VIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Triển khai Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ; tạo chuyển biến cơ bản về đạo đức, lối sống phát triển toàn diện; yêu gia đình, đạo đức trong sáng, có lối sống văn hóa; có ý thức tuân thủ pháp luật; có sức khỏe, tri thức và kỹ năng lao động.

b) Từng bước giảm dần và loại bỏ tình trạng vi phạm đạo đức, lối sống trong HSSV trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV; đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục đạo đức, lối sống; đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, cộng tác viên phụ trách giáo dục đạo đức, lối sống trong các cơ sở giáo dục, tổ chức Đoàn, Hội, Đội; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV.

b) Phương thức giáo dục phải hấp dẫn, dễ tiếp thu, gần gũi với HSSV; coi trọng hoạt động thực tiễn và nêu gương điển hình; đề cao tính chủ động, tự giác của HSSV cùng với sự định hướng của tổ chức Đoàn, Hội, Đội; gắn giáo dục với bảo vệ, chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của HSSV.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, phổ biến về giáo dục lý đạo đức, lối sống cho HSSV

a) Nội dung tuyên truyền:

- Quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/05/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên, HSSV nhận thức sâu sắc nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Tuyên truyền, phổ biến lý tưởng cách mạng, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến đời sống, học tập, việc làm; giáo dục các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam cho HSSV.

- Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ; đấu tranh phòng chống “Diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu, thông tin sai trái của các thế lực thù địch.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội trong việc phối hợp giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV.

b) Phát huy hiệu quả các hình thức và phương tiện tuyên truyền:

- Đa dạng hóa và lồng ghép các hình thức tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, triển lãm; phóng sự, bài viết trên báo, đài; các phương tiện trực quan; các cuộc thi tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, Đoàn, Hội, Đội; các cuộc thi về lý tưởng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; vinh danh, tuyên dương, khen thưởng các tấm gương HSSV biểu trong chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và rèn luyện.

- Quản lý nội dung và khai thác hiệu quả hệ thống truyền thông, văn hóa, thể thao sẵn có và tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, internet, mạng xã hội để phục vụ công tác tuyên truyền.

2. Đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV

a) Xây dựng nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, bảo đảm nội dung giáo dục tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn, gồm:

- Đối với giáo dục mầm non: Tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non để hình thành và phát triển ý thức, hành vi, thói quen tốt, phù hợp với độ tuổi trong việc thực hiện nội quy, quy định của trường, lớp mầm non, trong gia đình và cộng đồng.

- Đối với giáo dục phổ thông: Thực hiện nội dung dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân trong chương trình sách giáo khoa hiện hành trên cơ sở rà soát, tinh giảm những nội dung khó, trùng lặp, chưa thực sự cần thiết đối với học sinh. Lựa chọn các nội dung giáo dục có giá trị và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm và sự phát triển của học sinh, của xã hội và thời đại; giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

- Đối với giáo dục nghề nghiệp: Chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống, lòng tự hào dân tộc; tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật; lối sống nhân ái, bao dung, nghĩa tình, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước; gắn giáo dục lý luận chính trị với giáo dục kỹ năng, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, năng lực tự học, sáng tạo và tự đổi mới tri thức.

b) Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học Đạo đức và Giáo dục công dân, giáo dục Lý luận chính trị theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; phát huy tính tích cực của HSSV; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV.

c) Đa dạng hóa và vận dụng các hình thức tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi HSSV, giáo dục theo chủ đề, kết hợp với hoạt động vui chơi, hoạt động thực hành trải nghiệm. Tăng cường các hoạt động tập thể, lao động, vệ sinh trường, lớp học, hoạt động xã hội; các hoạt động câu lạc bộ văn hóa, thể thao, các phong trào thi đua trong trường phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

3. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội

[...]