Kế hoạch 83/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2030

Số hiệu 83/KH-UBND
Ngày ban hành 11/01/2022
Ngày có hiệu lực 11/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Triệu Thế Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 83/KH-UBND

Hải Dương, ngày 11 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2030

I. SỰ CẦN THIẾT

Kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ) là nỗ lực của Nhà nước, xã hội để mỗi cá nhân, cặp vợ chồng chủ động, tự nguyện quyết định số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh nhằm bảo vệ sức khoẻ, nuôi dạy con có trách nhiệm, phù hợp với chuẩn mực xã hội và điều kiện sống của gia đình. Kế hoạch hoá gia đình là biện pháp chủ yếu để điều chỉnh mức sinh góp phần bảo đảm cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Trong những năm qua, Chương trình Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng quy mô dân số. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm của toàn quốc giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%, thấp hơn giai đoạn 1999 - 2009 là 1,18%, thấp hơn rất nhiều so với 3-4 thập kỷ trước đây là khoảng 3%/năm.

Tại Hải Dương, năm 1961 dân số toàn tỉnh 842.780 người, tỷ lệ tăng dân số 4,1%, số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 6,2 con/phụ nữ; nhờ thành công của công tác kế hoạch hóa gia đình, đến năm 1975, tỷ lệ tăng dân số đã giảm hơn một phần ba, xuống còn 2,7%; số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm xuống còn 5,2 con; Hải Dương đạt mức sinh thay thế (2,1 con) năm 2003 và duy trì mức sinh thay thế từ năm 2003 - 2017.

Tuy nhiên, từ năm 2018 số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại tỉnh tăng lên 2,39 con; năm 2019 là 2,48 con và năm 2020 là 2,57 con. Năm 2020, Hải Dương là một trong 33 tỉnh có mức sinh cao trong toàn quốc. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các BPTT không ổn định và có xu hướng giảm. Năm 2001 tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các BPTT là 76,1% đã tăng lên 80,7% năm 2010; đến năm 2020 giảm xuống còn 69,6%. Tỷ lệ phá thai, tỷ lệ vô sinh, tỷ lệ ung thư vú, ung thư cổ tử cung có xu hướng tăng; nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng còn cao đặc biệt trong nhóm lao động tại các khu công nghiệp và trong nhóm vị thành niên/thanh niên. Bên cạnh đó, thị trường phương tiện tránh thai chậm phát triển, chủ yếu là cung cấp viên uống tránh thai và bao cao su. Mặc dù, nhà nước đã ban hành các chính sách khuyến khích, phát triển xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, nhưng mức độ phát triển còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu theo phân khúc thị trường của từng nhóm đối tượng.

Nhằm cung cấp đầy đủ, đa dạng, có chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh Hải Dương thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2030.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 19/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030;

- Kế hoạch số 80-KH/TU của Tỉnh Ủy Hải Dương ngày 26/01/2018 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “công tác dân số trong tình hình mới”;

- Nghị quyết số 19/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương về quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc quản lý của tỉnh Hải Dương;

- Kế hoạch số 2196/KH-UBND ngày 24/6/2020 của UBND tỉnh Hải Dương về Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 tỉnh Hải Dương thực hiện Chiến lược Dân số Việt nam đến năm 2030.

- Quyết định số 818/QĐ-BYT ngày 12/3/2015 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020”;

- Quyết định số 718/QĐ-BYT ngày 25/02/2019 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030;

- Quyết định số 3619/QĐ-BYT ngày 16/8/2019 của Bộ Y tế về phê duyệt Dự án thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp sản phẩm, dịch vụ dự phòng và sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng đến năm 2030;

- Quyết định số 3726/QĐ-BYT ngày 23/8/2019 của Bộ Y tế về việc phê duyệt danh mục phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản trong Đề án “tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/ sức khỏe sinh sản đến năm 2030”;

- Quyết định số 3728/QĐ-BYT ngày 23/8/2019 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn hoạt động dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng thuộc Đề án 818 đến năm 2030;

- Công văn số 1801/BYT-TCDS ngày 04/4/2019 của Bộ Y tế về việc tiếp tục triển khai Đề án 818 đáp ứng tình hình mới.

III. THỰC TRẠNG CUNG CẤP DỊCH VỤ KHHGĐ, PHƯƠNG TIỆN TRÁNH THAI VÀ HÀNG HÓA SKSS TẠI ĐỊA PHƯƠNG

1. Thực trạng cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ làm công tác Kế hoạch hóa gia đình

Cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở các tuyến từng bước được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị; Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ được củng cố và phát triển, phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ được đổi mới và thực hiện đa dạng hóa các biện pháp tránh thai và các kênh cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ. Tại tuyến tỉnh có Bệnh viện Phụ sản; Bệnh viện Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản); tại tuyến huyện có khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc Trung tâm Y tế; tại tuyến xã có Trạm Y tế xã. Đến nay, 100% Trung tâm Y tế tuyến huyện, Trạm Y tế tuyến xã đủ điều kiện thực hiện các dịch vụ SKSS/KHHGĐ theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế, phục vụ nhu cầu của người dân.

Có 232/235 (đạt 98,7%) Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và 86% Trạm Y tế có bác sỹ công tác; 100% Trạm Y tế có Nữ hộ sinh hoặc Y sỹ sản nhi; 100% thôn, khu dân cư có nhân viên y tế và cộng tác viên dân số; Bên cạnh cơ sở y tế nhà nước, toàn tỉnh có 29 cơ sở y tế tư nhân cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ giúp người dân thuận tiện trong việc lựa chọn các phương tiện tránh thai phù hợp.

Đội ngũ cán bộ cung cấp dịch vụ ở các tuyến thường xuyên được đào tạo nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cơ bản về chăm sóc SKSS và KHHGĐ theo chuẩn Quốc gia.

2. Thực trạng cung cấp phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản

Tiếp thị xã hội, xã hội hóa các phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản được đẩy mạnh với 100% Trung tâm Y tế tuyến huyện, Trạm Y tế tuyến xã, các hiệu thuốc trên địa bàn tỉnh cùng đội ngũ viên chức dân số cấp xã và trên 3.100 cộng tác viên dân số tham gia phân phối PTTT, hàng hóa SKSS. Điều này đã góp phần chuyển đổi nhận thức và hành vi của người dân từ nhận miễn phí sang tự chi trả phí phương tiện tránh thai.

Các phương tiện tránh thai, thuốc thiết yếu, vật tư tiêu hao cho dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ được đảm bảo cả về số lượng, chất lượng và theo quy định của Bộ Y tế.

3. Khó khăn, hạn chế

[...]