Kế hoạch 1204/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 1204/KH-UBND
Ngày ban hành 10/06/2022
Ngày có hiệu lực 10/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Thị Thanh Lịch
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1204/KH-UBND

Gia Lai, ngày 10 tháng 06 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 19/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030; Quyết định số 1347/QĐ-BYT ngày 22/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030.

UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh như sau:

A. THỰC TRẠNG DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

1. Về dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ)

- Hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) ngày càng mở rộng, đa dạng nhằm tạo điều kiện để các đối tượng tham gia các dịch vụ thuận lợi. Hệ thống cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ ở tuyến huyện, xã đều thực hiện được các kỹ thuật chuyên môn KHHGĐ, 100% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện được kỹ thuật đặt vòng, tiêm thuốc tránh thai, khám, điều trị phụ khoa, đỡ đẻ thường.

- Các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đều đảm bảo sự có mặt thường xuyên của bác sỹ, nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 100% tổ dân phố, thôn, làng có cộng tác viên (CTV) dân số. Hầu hết các nữ hộ sinh, y sỹ sản nhi, nhân viên y tế cơ sở được đào tạo và có kỹ năng cơ bản về chăm sóc SKSS/KHHGĐ theo chuẩn quốc gia; cán bộ chuyên trách và CTV dân số được tập huấn về kiến thức, kỹ năng và thực hiện cung cấp các dịch vụ tư vấn, cung cấp các biện pháp tránh thai phi lâm sàng tại cộng đồng.

- Hàng năm, Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có mức sinh cao và vùng khó khăn” được Sở Y tế (Chi cục DS-KHHGĐ) triển khai, thực hiện; việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ thường xuyên và KHHGĐ/SKSS đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường và nâng cao về chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được hưởng các dịch vụ SKSS/KHHGĐ, khám phát hiện viêm nhiễm đường sinh sản.

2. Về công tác đẩy mạnh tiếp thị xã hội (TTXH)

Từ năm 2012, tỉnh Gia Lai bắt đầu triển khai chương trình TTXH các phương tiện tránh thai (bao cao su, viên uống tránh thai) theo hướng dẫn của Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế. Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang triển khai đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại khu vực thành thị và nông thôn theo hướng dẫn của Bộ Y tế bao gồm danh mục các PTTT như: bao cao su, dụng cụ tử cung, viên uống tránh thai, que cấy và một số biện pháp khác.

3. Về hoàn thiện hệ thống hậu cần

- Hệ thống bảo quản cung cấp PTTT, thuốc, hóa chất và vật tư tiêu hao trong các đợt chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại tuyến tỉnh, huyện và xã được rà soát hàng năm qua các đợt giám sát được củng cố và nâng cao đảm bảo chất lượng.

- Tăng cường công tác dự báo, chủ động cân đối đủ nhu cầu PTTT và hàng hóa SKSS. Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý hậu cần PTTT và hàng hóa SKSS trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

4. Về dịch vụ chăm sóc SKSS

- Tuy chưa hoàn thiện, nhưng mạng lưới dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đã có đều khắp tại các xã. Hàng năm đã đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý, kỹ năng, kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ làm dịch vụ. Hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS đã có bước phát triển đáp ứng phần lớn nhu cầu chăm sóc sản khoa thiết yếu. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chịu trách nhiệm tham mưu cho Sở Y tế về công tác chăm sóc SKSS trên địa bàn tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 331, 02 Trung tâm Y tế thị xã; Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai; Bệnh viện Quân y 15 thuộc Binh đoàn 15 và 17 Trung tâm Y tế cấp huyện đều có khoa sản. Đa số các huyện, thị xã, thành phố đã có phòng khám sản phụ khoa tư nhân. Tỷ lệ Trạm Y tế có Y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh là 100%.

- Về tiếp cận với dịch vụ chăm sóc SKSS, ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu để tăng cường tiếp cận với dịch vụ chăm sóc SKSS thông qua nhiều chương trình khác nhau. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao, hệ thống chăm sóc SKSS đã kết hợp với DS-KHHGĐ hàng năm tổ chức hai lần Chiến dịch lồng ghép về KHHGĐ, làm mẹ an toàn, khám phụ khoa, đưa dịch vụ tới tận người dân. Nhiều dịch vụ KHHGĐ vẫn còn được bao cấp, người dân không phải chi trả. Bên cạnh đó, số lượng người dân được bảo hiểm y tế từ các loại hình khác nhau (bảo hiểm bắt buộc, tự nguyện và người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách) cũng được cấp thuốc khi đi khám tại chiến dịch. Công tác quản lý thai sản được quan tâm, số phụ nữ đẻ do cán bộ y tế đỡ đẻ và số phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế tăng hàng năm, chăm sóc bà mẹ sau sinh được đẩy mạnh. Giảm đáng kể tỷ lệ bà mẹ đẻ tại nhà, tại nương rẫy, đẻ không do cán bộ y tế được đào tạo đỡ đẻ, góp phần tích cực nâng cao chất lượng chăm sóc bà mẹ trẻ em, hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh trên địa bàn tỉnh.

B. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ KHHGĐ ĐẾN NĂM 2030

I. SỰ CẦN THIẾT

KHHGĐ là biện pháp chủ yếu để điều chỉnh mức sinh góp phần bảo đảm cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Điều chỉnh mức sinh trong bối cảnh mức sinh chênh lệch giữa các vùng, đối tượng cần tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. KHHGĐ không chỉ để điều chỉnh mức sinh mà còn giúp người dân thực hiện biện pháp tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn, dự phòng vô sinh, giảm phá thai, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em có liên quan đến thai sản, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong những năm qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai Chương trình KHHGĐ đạt được những thành tựu quan trọng, đã khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh quy mô dân số. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, khả năng tự chi trả cho các dịch vụ ngày càng tăng; kiến thức, hiểu biết về KHHGĐ được người dân tiếp cận từ nhiều nguồn, trong đó có mạng xã hội, internet...

Tuy nhiên, Chương trình KHHGĐ của tỉnh Gia Lai đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, tỷ suất sinh hiện tại là 2,49 con/bà mẹ, còn khá cao so với mức sinh thay thế của cả nước (2,09 con/bà mẹ) và là một trong 33 tỉnh có mức sinh cao của cả nước; nhu cầu PTTT vẫn tiếp tục tăng do số phụ nữ 15 - 49 tuổi vẫn tiếp tục gia tăng; người dân vẫn còn thói quen bao cấp khi thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Tiếp thị xã hội, xã hội hóa PTTT và dịch vụ KHHGĐ còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, mức độ phát triển chậm, chưa đáp ứng được phân khúc thị trường ngày càng đa dạng của các nhóm đối tượng mặc dù nhà nước đã ban hành các chính sách khuyến khích, phát triển xã hội hóa cung cấp PTTT. Khả năng tiếp cận dịch vụ KHHGĐ ở những địa bàn khó khăn và có mức sinh cao còn hạn chế. Tại tuyến huyện và tuyến xã, cán bộ cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ còn thiếu, năng lực chuyên môn còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ y tế sử dụng để cung cấp dịch vụ một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng phá thai, vô sinh có xu hướng tăng; nhu cầu tránh thai chưa đáp ứng vẫn còn cao, nhất là nhóm vị thành niên, thanh niên, ảnh hưởng đến việc cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và hạnh phúc gia đình. Bên cạnh đó, thị trường PTTT còn chưa đa dạng phong phú, chủ yếu là cung cấp viên uống tránh thai và bao cao su. Mặc dù, nhà nước đã ban hành các chính sách khuyến khích, phát triển xã hội hóa cung cấp PTTT, nhưng mức độ phát triển còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu theo phân đoạn thị trường ngày càng đa dạng của từng nhóm đối tượng.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận tiện, có chất lượng các dịch vụ KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Gia Lai thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

a) 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 75% năm 2025, đạt 78% năm 2030 và giảm 2/3 số vị thành viên, thanh niên có thai ngoài ý muốn;

b) 75% cơ sở cung cấp dịch vụ KHHGĐ đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, bao gồm cả khu vực ngoài công lập vào năm 2025, đạt 90% năm 2030;

[...]